Cây cầu phao bắc qua sông Cầu Chày đã bị nước lũ cuốn trôi, gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại. Hơn 15 năm qua, giấc mơ về một câu cầu kiên cố bắc qua sông vẫn chưa thành hiện thực
Do bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, cây cầu phao huyết mạch duy nhất để hai thôn Tiên Nông và Tiên Long, xã Thiệu Long (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) giao lưu với bên ngoài đã bị nước sông Cầu Chày dâng cao cuốn trôi. Điều này đã khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn, việc đi lại vô cùng khó khăn.
Theo người dân, cây cầu phao bắc qua sông Cầu Chày đã có từ rất lâu. Cầu được làm bằng các phao xi măng đúc lại và dùng dây chằng, lát ván lên trên để người dân qua lại. Ngày 19/9 vừa qua, nước sông lên cao, chảy xiết, cầu yếu quá không chịu được sức nước nên bị cuốn trôi.
UBND xã Thiệu Long mua luồng về làm tạm cho người dân đi qua
Tuy hai thôn Tiên Nông và Tiên Long chỉ các trung tâm xã có hơn 400m, nhưng nếu không có cầu người dân phải đi đường vòng lên huyện Yên Định rồi đi xuống, quảng đường mất hơn 10km mới đến đến trung tâm xã và trường học.
Theo ông Lê Văn Ngữ, Trưởng thôn Tiên Nông cho hay, cây cầu phao là con đường duy nhất để hơn 800 nhân khẩu cùng hơn 200 các cháu học sinh của hai thôn đi qua để đến trung tâm xã và trường học. Vừa rồi bị cuốn trôi, nhiều nhà đã phải cho con nghỉ học vì không có cách nào sang sông.
Còn ông Vũ Đình Huyền, Trưởng thôn Tiên Long cho biết, các mùa nước cạn như tháng 1, tháng 2 thì người dân có thể qua sông được. Nhưng từ tháng 5 trở đi, nước sông dâng cao, chảy xiết thì một tháng người dân chỉ qua cầu được khoảng 20 ngày, còn những ngày khác phải cắt cầu để đảm bảo an toàn.
Vào mùa mưa, tháng nào cũng vậy, ít nhất cũng có 2 đến 3 vụ người dân cùng hàng hóa ngã xuống sông khi đi qua cầu tạm. Rất may các vụ đều được người dân và cán bộ ứng cưu kịp thời nên không có hậu quả nghiệm trọng.
Cầy cầu được cố định bằng dây thừng và lốp xe xe máy cũ
Ngày 29/9 vừa qua, vì quá bức xúc, hàng trăm người dân hai thôn đã kéo nhau lên UBND xã Thiệu Long để gây sức ép với chính quyền nhanh chóng làm cầu tạm cho người dân đi lại và để các cháu học sinh có cầu để đi học.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Bé, Phó chủ tịch UBND xã Thiệu Long cho biết: "Sự cố trên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân địa phương, nhất là các cháu học sinh của 2 thôn không còn cầu để đi học. UBND xã đã huy động các lực lượng và trích ngân sách để mua luồng về làm cầu tạm cho người dân đi lại. Hiện, cây cầu tạm mới làm xong được 3 ngày, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời nếu nước lại dâng lên chúng tôi lại phải cắt cầu, khi nào nước xuống mới nối lại được".
Chiếc thuyền sắt cũ dùng cho những lần di chuyển qua sông khi cầu bị cắt do nước sông dâng cao
"Đối với các cháu học sinh, những năm qua để đảm bảo an toàn, xã cũng đã cấp cặp phao cho các cháu đi học. Khi mực nước sống lên cao phải cắt cầu thì chúng tôi vận động người dân cho con em ở trọ hay ở các nhà người thân bên đây, khi nước xuống có cầu tạm lại đưa đón các cháu đi học. Tất cả những việc xã làm đến nay cũng chỉ mang tính chất tạm thời, còn lâu dài người dân luôn mong muốn các cấp chính quyền quan tâm để người dân có cây cầu đi lại", ông Bé cho biết thêm.
Được biết từ năm 2002 đến nay, xã đã rất nhiều làn làm tờ trình lên cấp trên để xin kinh phí xây dựng cầu. Đáp lại những kiến nghị đó, đã có rất nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các ban ngành về khảo sát đo đạc nhưng vẫn không đem lại một kết quả như mong muốn. Điều người dân nơi đây khẩn thiết nhất vẫn là một cây cầu để đi lại và ổn định cuộc sống.