Hơn 103.000 tài khoản đăng ký và 27,5 triệu lượt truy cập Cổng dịch vụ công Quốc gia

Quốc Huy| 05/04/2020 18:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, trong các cuộc họp gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên nhắc tới việc cần rà soát, cắt giảm hoặc đơn giản hóa TTHC nhiều hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Mới đây, ngày 13/3, khi chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết 3 tháng vận hành Cổng DVC quốc gia, Thủ tướng một lần nữa nêu rõ: Cái gì có lợi cho người dân thì làm; cái gì có lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp thì cần quan tâm thực hiện.

Liên quan đến việc triển khai kế hoạch của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng-Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ về vấn đề này.

Hơn 103.000 tài khoản đăng ký và 27,5 triệu lượt truy cập Cổng dịch vụ công Quốc gia

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Với mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, yêu cầu rà soát, cắt giảm hoặc đơn giản hóa TTHC là sợi chỉ đỏ xuyên suốt công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ tới nay.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả sức khỏe cộng đồng lẫn phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, yêu cầu rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và đẩy mạnh thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến càng trở nên cấp thiết hơn.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan, tập trung nhân lực, vật lực cho công tác này, coi đây là một giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 26/3, các thành viên Tổ công tác đã có cuộc họp để lắng nghe ý kiến của 11 Hiệp hội, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, từ đó tổng hợp, đề xuất giải pháp và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem xét, tháo gỡ. Tinh thần là những vướng mắc, phiền hà trong việc thực hiện các thủ tục tiếp cận tín dụng, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, việc giãn, hoãn, giảm các khoản thuế, phí, chi phí cho doanh nghiệp sẽ báo cáo Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trọng tâm của công tác cải cách TTHC trong bối cảnh phòng, chống đại dịch toàn cầu hiện nay là tăng cường hình thức giao dịch trực tuyến để giảm tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa người thực hiện TTHC, DVC với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước và chính những người thực hiện với nhau; cắt giảm tối đa những thủ tục không thực sự cần thiết, đơn giản hóa TTHC hơn nữa. Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý vấn đề này theo hướng tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ, thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu để cắt giảm, đơn giản hồ sơ, giấy tờ, trình tự, thủ tục không cần thiết, cũng như tiếp tục thực hiện chuyển mạnh sang hậu kiểm.

Đặc biệt, những thủ tục liên quan tới kinh tế, đầu tư, thương mại cần phải được tạo thuận lợi tối đa để người dân, doanh nghiệp dồn sức sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển hướng sản xuất, kinh doanh kịp thời. Đây là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Điển hình như Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP cắt giảm, đơn giản hóa thêm 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý…

Nhiều kết quả nổi bật

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Thời điểm hiện nay để phòng, chống dịch bệnh, Cổng DVC quốc gia rõ ràng là công cụ, phương thức giao dịch rất hữu hiệu. Việc vận hành Cổng DVC quốc gia một lần nữa cho thấy tính ưu việt của giao dịch trực tuyến trong lĩnh vực hành chính và DVC. Người dân, doanh nghiệp không phải đến tận trụ sở cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công, tiếp xúc trực tiếp với cán bộ giải quyết; chỉ cần lập một tài khoản trên Cổng DVC quốc gia là có thể giải quyết TTHC, sử dụng DVC ở nhiều bộ, ngành, địa phương khác nhau.

Hơn 103.000 tài khoản đăng ký và 27,5 triệu lượt truy cập Cổng dịch vụ công Quốc gia

Ra mắt Cổng DVD trực tuyến quốc gia

Thực tế, đã có nhiều trường hợp sinh sống, học tập hoặc làm việc ở Hà Nội nhưng có thể làm thủ tục đổi giấy phép lái xe ở các địa phương rất xa mà không phải về tận nơi như trước; doanh nghiệp một lúc, một lần có thể thực hiện xong thủ tục thông báo hoạt động khuyến mại đến 63 địa phương. Đây chính là giải pháp góp phần thực hiện giãn cách xã hội, giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Sau gần 4 tháng triển khai Cổng DVC quốc gia, đến ngày 1/4, đã tích hợp đăng nhập một lần từ Cổng DVC quốc gia tới 13 bộ, ngành; 63/63 địa phương; 5 tập đoàn, ngân hàng thương mại. Có 14 bộ, ngành; 63/63 tỉnh, thành phố đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết TTHC. Có hơn 103 nghìn tài khoản đăng ký, 4,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và 27,5 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ.

Tại thời điểm khai trương, chỉ có 8 nhóm DVC được đưa vào triển khai trên Cổng DVC quốc gia. Đến nay, đã có 226 DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên Cổng DVC quốc gia. Hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia đã được vận hành, phục vụ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết TTHC, thực hiện DVC.

Tính đến ngày 1/4, tổng số hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng DVC quốc gia là hơn 23 nghìn hồ sơ, trong đó có 2 DVC có số lượng hồ sơ trực tuyến lớn được thực hiện từ Cổng DVC quốc gia là thông báo hoạt động khuyến mại (hơn 12 nghìn hồ sơ) và cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (hơn 7 nghìn hồ sơ).

Các bộ, ngành, địa phương đã chuẩn hóa, công khai 6.982 TTHC, trong đó cắt giảm, bãi bỏ 584 TTHC hết hiệu lực, trùng lặp; xây dựng, cập nhật, chuẩn hóa 10.000 câu hỏi và trả lời các vướng mắc thường gặp trong giải quyết TTHC. Nhiều ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp sau khi sử dụng DVC trên Cổng DVC quốc gia đã đánh giá rất cao tính ưu việt của Cổng DVC quốc gia.

Mặc dù kết quả ban đầu rất tốt như vậy, song vẫn chưa được như kỳ vọng. Vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chậm hoàn thành việc tích hợp đăng nhập một lần với Cổng DVC quốc gia; chưa thực hiện đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết TTHC; vẫn còn tình trạng từ chối hồ sơ ký số hay yêu cầu bổ sung hồ sơ không rõ lý do; có thời điểm, việc gửi, nhận hồ sơ trực tuyến đến các bộ, địa phương còn chưa thông suốt do chậm xử lý kỹ thuật đường truyền; một số bộ, ngành còn chậm công bố, công khai TTHC, dẫn tới địa phương cũng phải chậm công bố, công khai TTHC trong lĩnh vực đó…

Bởi vậy, các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng thực hiện các phần việc còn lại để tích hợp, đồng bộ các lĩnh vực, TTHC, DVC lên Cổng DVC quốc gia bảo đảm đạt tối thiểu 30% DVC trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số DVC trực tuyến của bộ, ngành, địa phương được tích hợp, cung cấp lên Cổng DVC Quốc gia năm 2020. Có như vậy, Cổng DVC quốc gia mới bao trùm rộng rãi hơn, đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ, Thủ tướng, người dân, doanh nghiệp, làm đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong tình hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 103.000 tài khoản đăng ký và 27,5 triệu lượt truy cập Cổng dịch vụ công Quốc gia