Sáng nay (21/10), tại Hà Nội, Câu lạc bộ từ thiện quốc gia đã tổ chức chương trình “Đi bộ chống bạo hành phụ nữ và trẻ em gái”.
Với thông điệp “Phụ nữ là để yêu thương – Hãy cầm tay thay vung tay”, chương trình “Đi bộ chống bạo hành phụ nữ và trẻ em gái” nhằm góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, xóa bỏ nạn bạo hành ở phụ nữ, trẻ em gái và cộng đồng.
Để hưởng ứng chương trình, nhiều du khách nước ngoài cũng đã tham dự. Ảnh Ngô Chuyên.
Đồng thời huy động mọi nguồn lực trong xã hội ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn trong xã hội. Cũng tại chương trình này, chúng ta được biết đến những con số đáng báo động như: Có 60% phụ nữ việt Nam từng chịu bạo lực bằng 1 trong 3 là: Bạo lực thể chất; bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục.
Đặc biệt, 90% phụ nữ bị bạo lực cho biết họ bị trầm cảm, sợ hãi, hoảng loạn và mất ngủ do bạo lực. Trung bình cứ 2-3 ngày là có 1 người Việt Nam bị giết có liên quan đến bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, tình trạng xâm hại bạo lực với trẻ em gái cũng đang diễn ra phức tạp và trở thành bức xúc trong xã hội. Trung bình mỗi ngày có khoảng 1000 vụ xâm hại tình dục ở trẻ em gái.
Việc hỗ trợ nạn nhận bị bạo lực gia đình còn gặp nhiều khó khăn do có 87% nạn nhân chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía cộng đồng và dịch vị công, bởi những nạn nhân bạo lực gia đình mang tính cam chịu, không muốn tố cáo. Nhiều người trong số họ không muốn con trẻ bị tổn thương…
Nhiều cổ động viên gần 60 tuổi vẫn tham gia. Ảnh Ngô Chuyên.
Chính vì vậy, để đẩy lùi vấn đề bạo lực gia đình, cần phải có sự chung tay tham gia của toàn xã hội. Đặc biệt là trong công tác tuyên truyền. Nếu làm tốt công tác tuyên truyền sẽ giúp thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử trong gia đình, giúp nạn nhân hiểu rằng họ đang được pháp luật bảo vệ.
Đồng thời, để người dân hiểu được những tác hại do bạo lực gia đình gây ra chương trình “Đi bộ chống bạo hành phụ nữ và trẻ em gái” đã huy động hơn 10.000 tình nguyện viên tham gia đi bộ để tuyên truyền.
Chia sẻ tại chương trình em Nguyễn Minh Hà, một tình nguyện viên nói: “Em cũng mong muốn chính những hành động thiết thực này có thể lan tỏa đến mọi người, đặc biệt là những người đang sống trong bạo lực đứng dậy đấu tranh và bảo vệ chính mình. Từ bỏ suy nghĩ cam chịu để một xã hội không còn bạo lực gia đình".