Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII khai mạc sáng nay 21-5, đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với UBTVQH đã tập hợp được hơn 1.200 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Cử tri và nhân dân cả nước bày tỏ vui mừng vì những tháng đầu năm 2012, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nền kinh tế Việt nam đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa bền vững của nền kinh tế; lạm phát, giá cả vẫn ở mức cao. Sản xuất, đời sống, việc làm của nhân dân gặp nhiều khó khăn; chênh lệch giàu nghèo gia tăng. Tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa tốt. Cải cách thủ tục hành chính còn chậm. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, chưa được đẩy lùi...
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh
Cử tri và nhân dân phản ánh tình hình sản xuất hiện nay gặp nhiều khó khăn, thách thức: Tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm đạt thấp, sức mua giảm sút, hàng hóa tồn kho lớn. Hàng ngàn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải giải thể, phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất, người lao động mất việc làm tăng, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Mặc dù ngân hàng hạ lãi suất cho vay nhưng vẫn còn ở mức cao và thực tế nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn. Nhiều cử tri cho rằng, tình hình hiện nay, cả người gửi tiết kiệm và người đi vay đều phải chịu thiệt, còn được lợi là các ngân hàng…
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm có giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động. Cử tri và nhân dân cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu về vốn, về các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước, về đầu tư công… nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, trả được vốn vay trong và ngoài nước.
Hiện nay đời sống của nhiều công nhân lao động, nông dân, người nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa, người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn do giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao. Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ có các giải pháp nhằm bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, kiểm soát giá cả thị trường, xử lý nghiêm những trường hợp tự ý nâng giá, tăng giá bất hợp lý.
Khắc phục tình trạng chậm giải quyết khiếu nại, tố cáo
Những tháng đầu năm 2012, tình hình khiếu nại, tố cáo có nhiều diễn biến phức tạp. Số vụ việc, số lượt công dân, số lượng đoàn đông người, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo đều tăng. Trong đó, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ lớn; một số vụ khiếu nại, tố cáo đông người có sự kích động của các phần tử xấu. Cử tri và nhân dân cho rằng, tình trạng trên chủ yếu là do chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập, hay thay đổi, thiếu nhất quán, giá bồi thường thấp, có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá trị trường hoặc giá nhà đầu tư bán ra. Thu hồi đất nhưng chậm sử dụng, để hoang hóa, trong khi người dân không có đất để sản xuất. Công tác quản lý đất đai còn sơ hở, lỏng lẻo; không ít cán bộ lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực nhưng không bị xử lý nghiêm minh gây bức xúc trong nhân dân.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo sáng 2-5-2012. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời cho rằng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Một số địa phương chưa tổ chức tốt việc tiếp công dân, chưa gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ; còn né tránh, đùn đẩy. Nhiều vụ việc chưa được quan tâm giải quyết dứt điểm. Một số vụ việc giải quyết không đúng chính sách, pháp luật và thực tế gây bức xúc trong nhân dân.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục dứt điểm tình trạng trên; giải quyết tới nơi tới chốn những vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài; chỉ đạo người đứng đầu chính quyền các cấp dành thời gian để tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc thu hồi đất phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất bị thu hồi. Kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về tiếp công dân và sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông
Cử tri và nhân dân hoan nghênh nỗ lực, quyết tâm của ngành Giao thông vận tải và chính quyền một số địa phương trong việc đề ra các giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, những giải pháp vừa qua chưa căn bản, đồng bộ, hiệu quả không cao; có giải pháp dự kiến đưa ra chưa sát thực tiễn, nhiều cử tri và nhân dân không đồng tình. Tình hình tai nạn giao thông thời gian qua tuy có giảm nhưng còn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và của. Ùn tắc giao thông vẫn còn xảy ra thường xuyên ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ùn tắc giao thông vẫn diễn ra thường xuyên trên các tuyến phố ở Hà Nội. Ảnh: Lê Phú
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo có giải pháp đồng bộ, quyết liệt kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; quan tâm đến việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, phương tiện giao thông công cộng, tổ chức, quản lý, điều hành giao thông. Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao ý thức, tự giác chấp hành luật lệ giao thông đi đôi với việc tăng cường các biện pháp xử phạt nghiêm những người cố tình vi phạm luật lệ giao thông. Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, các cơ quan, tổ chức hữu quan trước khi ban hành các giải pháp về kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng
Cử tri và nhân dân phản ánh, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua mặc dù có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị. Đặc biệt là trong các lĩnh vực và hoạt động liên quan đến đất đai, khoáng sản; đầu tư công; xây dựng cơ bản; quản lý vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân hàng; thu chi ngân sách, mua sắm tài sản công...
Tham nhũng trong lĩnh vực đất đai là vấn đề cả xã hội quan tâm.
Cử tri và nhân dân cho rằng số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng đang diễn ra. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, trong đó các vụ án nghiêm trọng, phức tạp thường bị kéo dài theo hướng thu hẹp vụ án. Tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo còn nhiều; tài sản bị tham nhũng hoặc bị thiệt hại do tham nhũng được thu hồi và bồi thường còn rất hạn chế.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và có giải pháp đồng bộ, tập trung phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, sớm cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; sớm tổ chức lại cơ quan phòng chống tham nhũng đủ mạnh; sớm thực hiện chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Một vấn đề lớn khác của đất nước rất được cử tri quan tâm là chủ quyền biển đảo. Đông đảo cử tri mong muốn Quốc hội sớm xây dựng và thông qua Luật Biển Việt Nam; đồng thời cho rằng một trong những biển pháp bảo vệ biển đảo là phải duy trì sự hiện diện thường xuyên của người dân Việt Nam trên biển Việt Nam. Muốn vậy, phải phát triển mạnh mẽ kinh tế biển...
Thanh Hoà