Hôm nay (29/4), tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.
Hội nghị sẽ được tổ chức với hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến, tại điểm cầu Hội trường Thống nhất thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội nghị có khoảng 300 đại biểu doanh nghiệp dân doanh, 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội doanh nghiệp như: AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc, Nhật Bản… tham dự. Còn mỗi điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước có khoảng 50 đến 100 đại diện doanh nghiệp tham dự.
Chủ đề của Hội nghị chính là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Hai nội dung chính của Hội nghị là: Xác định các rào cản về cơ chế, chính sách và giải pháp khắc phục, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; xử lý các kiến nghị, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong quá trình thực thi pháp luật của đội ngũ công chức, như tình trạng nhũng nhiễu do chính bộ máy hoặc do công chức gây ra.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm việc với các bộ ngành, địa phương để bàn cách xử lý, giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp chưa được trả lời tại Hội nghị. Sau Hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.
Theo chương trình dự kiến, tại Hội nghị, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng, nêu các kiến nghị của doanh nghiệp và của VCCI.
Các kiến nghị này sẽ gửi Bộ KH-ĐT tư trước để tổng hợp, đồng thời gửi các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để trả lời theo thẩm quyền và gửi Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cho tới thời điểm hiện tại, có 9 nhóm vấn đề hiện doanh nghiệp Việt Nam đang gặp vướng mắc đã được VCCI gửi tới Văn phòng Chính phủ trước thềm Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp. Các vấn đề này tiếp tục được VCCI gửi báo cáo bổ sung lần 2.
9 nhóm vấn đề gồm: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các thủ tục đăng ký kinh doanh; Thuế, hải quan; Đất đai, xây dựng giải phóng mặt bằng, tài nguyên môi trường; Vốn, tiếp cận vốn; Giao thông vận tải, phí và lệ phí; Chính sách khoa học công nghệ, bảo hộ bản quyền, sở hữu trí tuệ; Liên quan đến báo chí, truyền thông; Công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan hành chính; Lao động, việc làm và tiền lương.
Ngoài 9 nhóm vấn đề trên, VCCI cũng tập hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về nhiều vướng mắc khác và được đưa vào trong kiến nghị thứ 10 “Nhóm các vấn đề khác”. Số lượng vướng mắc, khó khăn của nhóm các vấn đề này khá lớn. Trong bản kiến nghị lần thứ nhất, nhóm “các vấn đề khác” chiếm 32/50 trang của bản kiến nghị. Tại bản kiến nghị lần hai, nhóm này chiếm 18/64 trang kiến nghị.
VCCI cũng gửi báo cáo tới Văn phòng Chính phủ một bản kiến nghị gồm 10 nhóm vấn đề trên của các doanh nghiệp, hiệp hội có vốn đầu tư nước ngoài.
Trước đó, tại cuộc họp báo giới thiệu về Hội nghị, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, cộng đồng doanh nghiệp coi Hội nghị với Thủ tướng là một “Hội nghị Diên Hồng” trong phát triển doanh nghiệp. Ông Lộc kỳ vọng rằng cuộc gặp của Thủ tướng sẽ mở đầu cho cao trào hiến kế với Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
“Cuộc gặp diễn ra trong dịp kỷ niệm những ngày Chiến thắng 30/4 và Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, tôi nghĩ Thủ tướng muốn thúc đẩy cải cách với tinh thần thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa như trong những chiến thắng lịch sử này”, ông Lộc nói.
Tin tưởng và kỳ vọng
Ngay khi Thủ tướng đưa ra quyết định tổ chức Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” và được truyền thông đưa tin rộng rãi đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận của doanh nghiệp và nhân dân. Nhiều chuyên gia kinh tế, cũng như nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự phấn khởi tin tưởng vào sự đổi mới, quyết tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ đối với việc nhìn nhận vai trò to lớn của doanh nghiệp trong nền kinh tế của đất nước, cũng như việc quyết tâm gỡ bỏ mọi rào cản, tạo cơ chế thuận lợi nhằm khơi dậy và phát huy hiệu quả nguồn lực doanh nghiệp. Không ít chuyên gia đã bày tỏ kỳ vọng Chính phủ sẽ có quyết sách đúng đắn và mạnh mẽ.
Theo GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng về tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Ngày 29/4, Thủ tướng Chính Phủ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp và ngày 30/4, Thủ tướng sẽ đối thoại với công nhân lao động. Chúng tôi kỳ vọng Thủ tướng và các vị lãnh đạo Chính phủ sẽ nghe được nhiều ý kiến phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm có những quyết sách đúng đắn và mạnh mẽ.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) kỳ vọng, những vấn đề quan trọng nhất lúc này đối với điều hành nền kinh tế sẽ được bàn bạc ngay với doanh nghiệp. Từ vĩ mô, Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp để có cơ sở đưa ra giải pháp tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp.
Theo ông Lưu Bích Hồ, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Chính phủ tổ chức hội nghị đối thoại nhằm hỗ trợ, tháo gỡ các kho năm của doanh nghiệp là cách làm tốt, đồng bộ, kịp thời với những nội dung nóng sẽ được bàn thảo. Chắc chắn là sẽ có những kết quả tích cực, có những thông điệp mới của Chính phủ. Doanh nghiệp có cơ hội chia sẻ khó khăn để Thủ tướng nắm được và cùng tìm cách tháo gỡ.
“Động thái này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, của Thủ tướng mới đối với doanh nghiệp, hy vọng sẽ có những quyết sách mạnh mẽ để tháo gỡ cho doanh nghiệp”- ông Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.
Về ý nghĩa sự kiện này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc gọi đó là Hội nghị Diên Hồng. Chia sẻ quan điểm này, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái tán thành đây là Hội nghị rất quan trọng và thiết thực, thậm chí có những quyết sách xử lý ngay, như đã làm trong Hội nghị về an toàn vệ sinh thực phẩm vừa qua.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ thẳng thắn nhận định, “chúng ta cứ tin sự kiện này quan trọng như Hội nghị Diên Hồng đi, còn thực tế sẽ trả lời. Hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng bị thất thiệt trong thị trường, tuy nhiên môi trường kinh doanh vẫn thiếu tính công bằng của thị trường. Một số “đại gia” vẫn nắm yếu tố chi phối, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải ăn theo, không còn tính độc lập. Đây là lúc điều phối môi trường kinh doanh một cách công bằng và là việc làm cần thiết, đặc biệt là tìm cách để hạn chế các tính độc quyền của “đại gia”; chỉ rõ cái gì mà Nhà nước có thể trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ là điều mà chúng ta kỳ vọng vào cuộc gặp này. Tất nhiên, sẽ còn những vấn đề chưa thể bàn tới, bàn mà chưa đạt được như mong muốn thì chúng ta góp ý tiếp.