Tiếp tục đợt 2 kỳ họp thứ 5, sáng nay 19/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Trước đó, Chính phủ đã trình Quốc hội về dự án luật này.
Theo đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương với 196 Điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng hơn 13 Điều; trong đó bãi bỏ 7 Điều trong Luật hiện hành; giữ nguyên 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; Luật hóa từ Nghị định 11 Điều.
Các nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bám sát và cụ thể hóa 8 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình khi lập đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi).
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã bỏ quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn sau khi tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung quy định về thời hạn sử dụng chung cư, trường hợp phá dỡ và làm rõ trách nhiệm các chủ thể liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Việc này, theo Chính phủ, để có cơ sở pháp lý, giải quyết tháo gỡ các trường hợp khó khăn, vướng mắc thực tế.
Tại phiên thảo luận tổ diễn ra sau đó, đa số ĐBQH tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, các ĐBQH đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhà ở, trong đó cần quan tâm vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, bảo đảm rành mạch, rõ trách nhiệm và điều kiện bảo đảm thực hiện.
Nhiều đại biểu cho rằng, đây là dự án luật quan trọng, liên quan chặt chẽ, mật thiết tới lợi ích của người dân, phạm vi của luật có mối quan hệ mật thiết với nhiều luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng..., trong đó, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản cũng đang được Quốc hội xem xét, sửa đổi.
Các đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ để tránh chồng lấn, xung đột về phạm vi điều chỉnh, ví dụ như quy định của dự thảo Luật về nhà ở có mục đích hỗn hợp, dự án đầu tư xây dựng công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào mục đích khác không phải để ở với dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); hoạt động “phát triển nhà ở” theo dự thảo Luật với hoạt động xây dựng trong Luật Xây dựng...
Về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, được quy định từ Điều 25 đến Điều 31 của dự thảo Luật, hiện đang có hai loại ý kiến, đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, không nên xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, mà nên tích hợp nội dung vào quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh để giảm chi phí, công sức bỏ ra, tránh chồng chéo giữa các quy hoạch.
Đối với việc xây dựng, cải tạo nhà chung cư cũ, đại biểu Bình cho rằng đây là vấn đề gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ các bất cập về trình tự, thủ tục di dời cư dân ra khỏi các nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ; lựa chọn chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; thống nhất phương án bồi thường, tái định cư sau khi lựa chọn được chủ đầu tư; trình tự, thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Đại biểu cho rằng cần chú ý đến việc đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan đến đất đai, xây dựng, kinh doanh thương mại, đầu tư, đấu thầu…
Về vấn đề phá dỡ nhà chung cư, các ĐBQH cũng chỉ ra rằng, hiện nay đang có sự chồng chéo giữa dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 72 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định trường hợp nhà chung cư phải phá dỡ mà theo quy hoạch được xây dựng lại thì các chủ sở hữu được bố trí tái định cư tại chỗ và phải đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư. Nhưng tại điểm a khoản 3 Điều 79 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lại quy định các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn giữa 2 Luật.
Các đại biểu cho rằng, cần phối hợp rà soát, đề xuất phương án xử lý thống nhất nội dung nêu trên trong 2 dự thảo Luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ sở hữu nhà chung cư đối với đất ở ổn định, lâu dài.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, theo khoản 1 Điều 22 của Hiến pháp, một trong những quyền rất quan trọng của công dân là công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Việc ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi) phải tạo lập được cho công dân có chỗ ở hợp pháp, đảm bảo thực hiện quyền của công dân như đã quy định. Tuy nhiên, về tổng thể, Luật Nhà ở mới đang tập trung chủ yếu vào sở hữu nhà ở, xử lý những vấn đề liên quan đến nhà chung cư cũ, nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.
Do vậy, cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng hơn nữa để cụ thể hóa nội dung Hiến pháp cũng như Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đối với việc mở rộng loại hình nhà ở, bảo vệ quyền có nơi ở hợp pháp của người dân.