Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với phát triển án lệ tại Việt Nam

Minh Giang - Đỗ Việt| 09/12/2019 15:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 9/12, TANDTC phối hợp với Liên minh Châu Âu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc- UNDP tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với các dự thảo án lệ và Dự thảo Báo cáo nghiên cứu về phát triển án lệ tại Việt Nam.

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì hội thảo. Đồng chủ trì hội thảo có Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ và bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam.

Án lệ góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Việc xây dựng và phát triển án lệ ở Việt Nam là vấn đề mới nên cần có bước đi thận trọng, phù hợp để vừa phát huy được những giá trị tích cực vốn có của án lệ nhưng cũng phù hợp với thực tiễn, bảo đảm rằng việc công nhận, áp dụng án lệ trong xét xử sẽ khả thi, góp phần áp dụng thống nhất pháp luật; bảo đảm công bằng, công lý; tăng cường tính minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án. Các quy định về quy trình ban hành và áp dụng án lệ cần phải được cụ thể hoá bằng một văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực bắt buộc chung.

Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với phát triển án lệ tại Việt Nam

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội thảo

Do đó, ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ban hành án lệ của TANDTC. Trên cơ sở Nghị quyết này, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành được 29 án lệ đa dạng về các lĩnh vực, bao gồm: dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hình sự, hành chính, tố tụng. Các án lệ được công bố đã góp phần bổ khuyết cho hệ thống pháp luật, tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án; đồng thời, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử của các Tòa án.

 Trình bày Báo cáo nghiên cứu về phát triển án lệ tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Sơn, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Phó Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam, Trưởng nhóm nghiên cứu nêu rõ, ngay sau khi án lệ được công bố, các Tòa án đã chủ động nghiên cứu để viện dẫn, áp dụng án lệ khi giải quyết các vụ việc tương tự. Các Tòa án đã phân tích, viện dẫn án lệ trong các bản án, quyết định; bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau.

Theo số liệu thống kê đến ngày 2/12/2019, đã có 602 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ. Nhìn chung, các bản án, quyết định có viện dẫn án lệ đã nêu được số án lệ; số bản án, quyết định có chứa đựng án lệ; phân tích, làm rõ tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết, tình huống pháp lý và giải pháp pháp lý trong án lệ làm căn cứ để đưa ra quyết định áp dụng án lệ.

Với kết quả trên, án lệ đã thực sự đi vào thực tiễn đời sống pháp lý, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, nâng cao chất lượng xét xử của các Tòa án.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thi hành, việc áp dụng Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP đã phát sinh những vướng mắc, bất cập như: quy trình rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất, phát triển thành án lệ phải thực hiện qua nhiều bước, mất nhiều thời gian, dẫn đến chậm ban hành án lệ; viện dẫn án lệ không thống nhất. Chưa có quy trình thông qua án lệ theo thủ tục rút gọn đối với các trường hợp Thẩm phán TANDTC đề xuất án lệ hoặc trường hợp Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn án lệ khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với phát triển án lệ tại Việt Nam

Quang cảnh hội thảo

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, ngày 18/6/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP. Theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, án lệ là “những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn và được Chánh án TANDTC công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.

Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP đã đưa ra ba tiêu chí để lựa chọn án lệ gồm: Án lệ được lựa chọn phải có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể. Án lệ được lựa chọn phải có tính chuẩn mực.  Án lệ được lựa chọn phải có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Đề xuất xây dựng và phát triển án lệ tại Việt Nam

Tại hội thảo, các đại biểu đều có chung quan điểm trong bối cảnh các tranh chấp, khiếu kiện đến Tòa án ngày càng nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, đa dạng về loại hình tranh chấp trong khi thực trạng pháp luật còn nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, một số vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể, yêu cầu đặt ra đối với công tác phát triển án lệ càng trở nên cấp thiết.

Để công tác phát triển án lệ được đa dạng, sát thực tiễn, các đại biểu cho rằng cá nhân, cơ quan, tổ chức, không phân biệt trong hay ngoài Tòa án, trực tiếp làm công tác pháp luật hay không làm công tác pháp luật đều có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí lựa chọn án lệ cho TANDTC để xem xét, phát triển thành án lệ.

Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với phát triển án lệ tại Việt Nam

Ông Park Hyun Soo, Giám đốc dự án “Tăng cường năng lực Trường Cán bộ Toà án" phát biểu tại hội thảo

Nhằm tiếp tục triển khai công tác phát triển án lệ, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào 17 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC đề xuất lựa chọn làm nguồn phát triển thành án lệ.

Các đại biểu đề xuất, trong lĩnh vực hình sự cần nghiên cứu, phát triển án lệ về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà các Thẩm phán còn hiểu chưa thống nhất như phạm tội có tính chất côn đồ, phạm tội vì động cơ đê hèn; vấn đề pháp lý trong các tội phạm về ma túy, tội phạm về kinh tế, tội phạm về môi trường; quy định về xử lý vật chứng.

Trong lĩnh vực dân sự cần phát triển án lệ đối với các vấn đề pháp lý về giao dịch giữa cha, mẹ và con chưa thành niên, về di chúc chung của vợ chồng, về tài sản hình thành trong tương lai, về quyền tài sản, về chi phí hợp lý, thời hạn hợp lý, bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay khi giao dịch dân sự vô hiệu.

Trong lĩnh vực hành chính cần tăng cường án lệ đối với các loại án liên quan đến các quyết định thu hồi đất, giải tỏa, bồi thường, tái định cư...

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC bày tỏ: Hiện nay, án lệ thực sự đóng một vai trò không thể thiếu trong hệ thống tư pháp của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, việc nghiên cứu, viện dẫn án lệ sẽ giúp cho Toà án kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử; khắc phục tình trạng nhiều quy định của pháp luật còn mang tính định tính, chưa rõ, còn có những cách hiểu chưa thống nhất và vận dụng khác nhau. Chính vì vậy, tham khảo án lệ sẽ giúp Thẩm phán rút kinh nghiệm trong quá trình giải quyết, xét xử những vụ án có cùng tính chất.

Hơn nữa, việc công bố án lệ sẽ giúp người dân nắm rõ đường lối xét xử, dự báo được kết quả những vụ việc tương tự có liên quan đến quyền và lợi ích của họ.

Áp dụng án lệ trong xét xử chắc chắn sẽ có hiệu quả rất lớn trong việc hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc xét xử oan, sai.

Về mặt xã hội, việc xây dựng và phát triển án lệ là một trong những phương thức hữu hiệu để bảo đảm công lý, góp phần duy trì, ổn định trật tự pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Tòa án.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình giao cho Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu đối với dự thảo 17 án lệ để lựa chọn, chỉnh lý và trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC nghiên cứu, xem xét trước khi ban hành chính thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với phát triển án lệ tại Việt Nam