30 năm đổi mới quân sự, quốc phòng - Thành tựu và kinh nghiệm" là chủ đề cuộc Hội thảo khoa học do Bộ Quốc phòng tổ chức sáng 16/12 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 30 năm thực hiện nhiệm vụ đổi mới quân sự, quốc phòng (1986-2016).
Hội thảo đã tập trung phân tích và khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt và tầm nhìn chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới; vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng thời đã làm rõ sự đổi mới quân sự, quốc phòng là cơ sở tạo tiền đề quan trọng để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thành tựu quân sự, quốc phòng qua 30 năm đổi mới
Cách đây tròn 3 thập niên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Cùng với thời gian, chủ trương đổi mới về quân sự, quốc phòng tiếp tục được các nhiệm kỳ Đại hội của Đảng (từ Đại hội VII đến Đại hội XII của Đảng) nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện và trở thành bộ phận cấu thành quan điểm, đường lối đổi mới nhất quán của Đảng ta.
Tham luận gửi hội thảo của Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định: Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện, là lực lượng nòng cốt của cách mạng, công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong đấu tranh thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội là nguyên tắc bất di bất dịch, bảo đảm cho Quân đội đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, có phương hướng chính trị - quân sự đúng đắn, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Đảng thực hiện sự lãnh đạo đối với Quân đội theo nguyên tắc: lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, phản ánh mối quan hệ đặc biệt, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Quân đội nhân dân Việt Nam… “Nhìn lại 30 năm đổi mới đất nước, tư duy lý luận của Đảng về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc có sự đổi mới sâu sắc và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, luôn đáp ứng yêu cầu cao đối với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” - Thượng tướng Lương Cường nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Trải qua 30 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo đường lối đổi mới của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng trên tất cả các mặt. Đặc biệt, trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, trên cơ sở điều chỉnh thế bố trí phòng thủ đất nước, chúng ta tiến hành chấn chỉnh tổ chức, biên chế lực lượng thường trực theo hướng tinh gọn, mạnh, đồng bộ, chính quy. Xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, tăng cường thế trận quốc phòng và an ninh. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có những quân binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn kiên định mục tiêu lý tưởng chiến đấu, vững vàng chính trị tư tưởng, nỗ lực phấn đấu; thực hiện tốt chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Quân đội nhân dân Việt Nam thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Những kết quả đạt được trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng cùng với thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; tạo động lực mới để chúng ta tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang
Hội thảo cũng đã đúc kết những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn 30 đổi mới quân sự, quốc phòng để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Theo PGS,TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện sử học: Từ xưa đến nay ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, quân đội luôn luôn là lực lượng chủ yếu để bảo vệ đất nước. Để tạo nên một lực lượng vũ trang hùng hậu, tinh nhuệ, những nhà lãnh đạo đất nước đã có nhiều kinh nghiệm hay trong việc kết hợp chặt chẽ vấn đề kinh tế với quốc phòng mà điển hình ở Việt Nam đã rất thành công việc kết hợp chính sách “Ngụ binh ư nông”. Đó là một chính sách, có thể gọi là quốc sách, nhằm giải quyết nhiệm vụ xây dựng đất nước và củng cố lực lượng quân sự trong thời bình, giải quyết quan hệ giữa nhiệm vụ xây dựng kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng.
Do đó, trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, yêu cầu tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ là yêu cầu sống còn. Đây còn là biện pháp quan trọng nhất để tạo ra thế trận lòng dân vững chắc, một nội dung cơ bản của chiến lược xây dựng quốc phòng trong tình hình mới. Việc vận dụng những kinh nghiệm của cha ông trong lịch sử, nhất là vận dụng chính sách “Ngụ binh ư nông” trong nghiên cứu, phát triển lý luận xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới hiện nay là vấn đề cấp thiết; có giá trị về cả lý luận quân sự và ý nghĩa thực tiễn vô cùng sâu sắc.
Từ thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân khu 2 trong thời kỳ đổi mới, Thiếu tướng Phạm Đức Duyên, Phó Chỉnh ủy Quân khu đã chia sẻ những kinh nghiệm về công tác xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu. Theo Thiếu tướng, để góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cần phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ Quân khu vững mạnh; tăng cường mối quan hệ công tác phối hợp giữa các lực lượng, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Cùng với đó phải xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh ở các cấp, nâng cao bản lĩnh chính trị lực lượng Quân khu; thường xuyên đổi mới công tác đảng, công tác chính trị. Không ngừng xây dựng lực lượng Quân khu có sức chiến đấu cao; thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ, xử trí thắng lợi mọi tình huống và làm tốt công tác đối ngoại quân sự, quốc phòng…
Hội thảo “30 năm đổi mới quân sự, quốc phòng - Thành tựu và kinh nghiệm” là hoạt động chính trị quan trọng, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên trong lực lượng vũ trang và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tin tưởng tuyệt đối vào công cuộc đổi mới đất nước của Đảng, sự nghiệp xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới; quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.