Ngày 21/11, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30 ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Hội nghị phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 30/CT-TTg, trong đó làm rõ những nhiệm vụ cụ thể được giao cho các bộ, ngành, địa phương, các hội, hiệp hội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan. Đồng thời, báo cáo về công tác xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai, thực hiện tại Chỉ thị số 30/CT-TTg của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho hay, Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ trách nhiệm không chỉ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà còn của các bộ, ngành, địa phương liên quan, đặc biệt là các địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là một bước để chúng ta nâng cao nhận thức xã hội về công nghiệp văn hóa, khuyến khích doanh nghiệp và xã hội làm công nghiệp văn hóa cũng như thay đổi cách làm của ngành văn hóa - thể thao - du lịch.
Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng. Thống kê sơ bộ, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp khoảng hơn 4% tổng GDP của quốc gia và dư địa phát triển còn rất lớn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, công nghiệp văn hóa là biểu hiện tập trung của sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và kinh tế, góp phần tạo ra các giá trị kinh tế, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.
Từ năm 2015 trở lại đây, Đà Nẵng đã luôn nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong việc đặt văn hoá ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Trong đó, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa được xác định là một mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của văn hóa.
Thành phố Đà Nẵng xác định phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên 12 lĩnh vực, trong đó tập trung vào: quảng cáo, phần mềm và các trò chơi giải trí, thiết kế, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung đánh giá, phân tích những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp văn hóa thời gian qua. Nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới;
Thảo luận các giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, thu hút nguồn lực hợp tác công tư; những chính sách về khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số.
Xác định sản phẩm dịch vụ cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả và sức lan toả cao. Nhìn nhận về tầm quan trọng của phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa cả về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bổ sung vào dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với xu hướng phát triển mới hiện nay của đất nước nhằm đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Ngày mai (22/11), các đại biểu tham dự hội nghị sẽ khảo sát các mô hình và sản phẩm công nghiệp văn hóa tại TP. Hội An, tỉn Quảng Nam.