Với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 đã chính thức khai mạc sáng 17/5 tại Hà Nội.
Hơn 2.000 đại biểu tham dự hội nghị
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2017 nhằm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp hiến kế, kiến nghị; các bộ, ngành, địa phương trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị. Thủ tướng Chính phủ sẽ kết luận hội nghị. Sau hội nghị, Thủ tướng có chỉ thị cụ thể để các cơ quan nhà nước thực hiện.
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 đã khai mạc sáng 17/5 tại Hà Nội
Hội nghị được tổ chức theo hai hình thức gồm trực tiếp và trực tuyến. Dự kiến khoảng 2.000 đại biểu (gấp 4 lần năm 2016) trực tiếp tham dự hội nghị, trong đó khối doanh nghiệp dân doanh khoảng 1.500 đại biểu, cùng các đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương...
Tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Hôm nay tôi đứng trước cộng đồng doanh nghiệp cùng toàn thể quý vị, nhớ lại cách đây 1 năm hội nghị với doanh nghiệp được tổ chức tại TP HCM. Hội nghị lần 1 không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp mà cho cả Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong bối cảnh Chính phủ mới có nhiều tồn tại và thách thức” .
Đây là lần thứ hai Thủ tướng đối thoại cùng cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, Thủ tướng đề nghị sau 1 năm triển khai Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp, cuộc gặp lần thứ hai này để bàn kế hoạch hành động trong thời gian tới, để có sự bứt phá trong việc phát triển doanh nghiệp.
“Chính phủ cần nhận được những ý kiến thẳng thắn của quý vị, những người hằng ngày trải nghiệm và hiểu rõ môi trường cạnh tranh này. Tinh thần của Hội nghị là thẳng thắn, chân thành và xây dựng” Thủ tướng nhấn mạnh.
Những kiến nghị thẳng thắn, chân thành
Từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã trình bày báo cáo kết quả sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Theo báo cáo của VCCI, kể từ Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp tổ chức vào ngày 29 tháng 4 năm 2016 đến hết tháng 01/2017, VCCI đã tập hợp được trên 421 kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước và gửi tới các bộ, ngành, địa phương để trả lời, giải quyết. Trong đó, có 320 kiến nghị được VCCI tập hợp và gửi các bộ, ngành trả lời trước và ngay tại Hội nghị, 101 kiến nghị còn lại được tập hợp trong các báo cáo hàng tháng của VCCI gửi Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả việc giải quyết kiến nghị được ghi nhận khá tích cực khi các bộ ngành, địa phương đã xử lý, giải quyết, trả lời 380 kiến nghị (đạt tỷ lệ 90,3%), còn 43 kiến nghị khác liên quan đến đề nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật, chính sách và các vấn đề chung đã được các bộ, ngành ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu, giải quyết.
Để chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp Doanh nghiệp và sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, từ tháng 2/2017 đến nay VCCI đã tập hợp thêm 188 kiến nghị mới từ doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp và đã chuyển các bộ ngành, địa phương giải quyết. Các bộ ngành đã xử lý, giải quyết, trả lời 98 kiến nghị (đạt tỷ lệ 52,1%), còn 90 kiến nghị chưa trả lời, trong đó có một số kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ.
Như vậy, kể từ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp tháng 4/2016 đến nay, đã có trên 1098 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan nhà nước và đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 77,4%. Các kiến nghị chưa được xem xét, giải quyết chủ yếu là các kiến nghị chung về môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi pháp luật, cơ chế chính sách đang được các bộ ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, giải quyết.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã cảm ơn món quà đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ ngay trước thềm Hội nghị. Đó chính là việc ngày 16/5, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và giải quyết trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. “Thủ tướng đã làm được những việc ấm lòng thực sự tiếp sức cho doanh nghiệp”, ông Lộc chia sẻ và điều này đã nhận được sự đồng tình của cộng đồng doanh nghiệp bằng những tràng vỗ tay giòn giã.
Nêu kiến nghị tại Hội nghị, Tổng Giám đốc HSBC Phạm Hồng Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục kiên định con đường cải cách để Việt Nam sớm trở thành "con hổ mới" của châu Á.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân trong tham luận về chủ đề các chi phí của doanh nghiệp đã kiến nghị, về phía doanh nghiệp cần xây dựng tập quán, thói quen tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, làm giàu chân chính là yêu nước, nói không với tiêu cực, nâng cao năng lực quản trị…Hiệp hội mong muốn các tập đoàn, DN lớn, DN FDI hỗ trợ, liên kết với các DN nhỏ và vừa trong chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ… để các DN nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Ông Thân cũng chân thành đề nghị các Bộ ngành: “Giải quyết kiến nghị cũng phải trên cơ sở đồng hành chứ không phải là chỉ giải thích mà không giải quyết.”
Ngay sau Hội nghị, chiều nay, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng sẽ họp với các Bộ trưởng để thông qua một chỉ thị quan trọng, sau khi tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, để tiếp tục có chỉ thị ban hành: Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt hơn Nghị quyết 35 của Chính phủ.