Sáng 13/3, tại TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum) Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã chủ trì Hội nghị Tổng kết giao ước thi đua năm 2018 triển khai ký kết giao ước thi đua năm 2019.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Theo đó, Cụm thi đua các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung có 10 tỉnh gồm: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng được thành lập từ tháng 3/2018 trên cơ sở sáp nhập Cụm thi đua Tây Nguyên và Cụm thi đua các tỉnh duyên hải miền Trung. Diện tích tự nhiên của 10 tỉnh trong Cụm là 87.183,5km2 (chiếm 26,3% diện tích toàn quốc).
Trong năm 2018, các phong trào thi đua đã được các tỉnh tổ chức phát động với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, bám sát tình tình thực tế và nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng địa phương như: “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”: “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” hay phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”…
Từ đó, kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tiếp tục được giữ vững và phát triển. Mức tăng trưởng kinh tế của 10 tỉnh được duy trì ở mức khá với cơ cấu hợp lý. Tổng sản phẩm của từng tỉnh trong Cụm thi đua đều tăng so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể: Kon Tum đạt 8,1%; Quảng Ngãi 9,6%; Gia Lai 8%; Khánh Hòa 7,02%; Phú Yên 8,21%; Bình Định 7,32%; Quảng Nam 11%; Đăk Nông 9,28%; Lâm Đồng 8,59%; Đăk Lăk 7,82%.
Các chương trình như: Uống nước nhớ nguồn; đảm bảo vệ sinh môi trường; mục tiêu quốc gia về y tế, dân số kế hoạch hóa gia đình; văn hóa thể thao; an toàn giao thông… được quan tâm cũng như chú trọng phát triển sâu, rộng.
Đối với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả. Từ đó, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu ở nhiều địa phương đã góp phần thúc đẩy nông thôn mới đi vào thực chất, nâng cao chất lượng và khẳng định vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng.
Tại nhiều tỉnh, người dân đã tích cực tham gia các hoạt động chung của cộng đồng nhằm cải thiện chất lượng sống và điều kiện sinh hoạt, từng bước chuyển hóa phong trào từ tự phát thành tự giác, từ chăm lo cho gia đình, cá nhân sang lo cho việc chung của cộng đồng, thôn xóm. Kết quả cho những nỗ lực đó đã được ghi nhận thông qua việc 518 xã được công nhận chuẩn nông thôn mới, 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Công tác thi đua, khen thưởng trong toàn Cụm được nâng lên, quy trình thực hiện chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc khen thưởng đúng người, đúng thành tích. Tỉ lệ khen thưởng lãnh đạo đã giảm, nhằm ưu tiên khen thưởng cho người lao động. Công tác khen thưởng Bà mẹ VNAH, khen thưởng kháng chiến được chỉ đạo rà soát thực hiện đúng quy định.
Năm 2019, Cụm thi đua tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị, góp phần thực hiện đồng bộ các mục tiêu, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực theo Nghị quyết của Chính phủ và Nghị quyết HĐND các tỉnh đề ra. Phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về kinh tế, nâng cao hiệu quả về sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng, các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị…
Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy chế về công tác thi đua, khen thưởng phù hợp với quy định của pháp luật. Tập trung giải quyết dứt điểm khen phong tặng, truy tặng danh hiệu “ Bà mẹ VNAH” ở các địa phương. Tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch để tổ chức sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Chỉ thị số 34 ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh ghi nhận và biểu dương những kết quả tích cực mà Cụm thi đua đã đạt được.
Phó Chủ tịch nước cũng yêu cầu các tỉnh trong Cụm thi đua cần rà soát lại tất cả các chỉ tiêu thi đua, tập trung chú trọng vào chương trình mục tiêu nông thôn mới bền vững.
Ngoài ra, cần phải nâng cao chất lượng mức sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Việc phát động thi đua phải được triển khai đồng bộ, toàn diện ở tất cả các ngành, các cấp với những nội dung mới, nhân tố điển hình mới. Tiếp tục kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện 3 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động theo phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá” vì năm 2019 được Chính phủ xác định là năm “bứt phá” trên mọi mặt, phải hành động quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đạt được kết quả cao hơn năm 2018.
Phó Chủ tịch nước lưu ý các tỉnh cần có các cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, và chú trọng giải quyết dứt điểm chế độ chính sách cho người có công với cách mạng. Các gương điển hình tiên tiến cần phải được quan tâm và nhân rộng, từ đó tạo sự lan tỏa trong tập thể quần chúng nhân dân…