Hội nghị biểu dương các Già làng Tây Nguyên thực hiện tốt quyết tâm thư

Trần Sỹ - Thùy Dung| 19/03/2019 19:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng ngày 19/3, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Gia Lai long trọng tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quyết tâm thư của già làng các dân tộc Tây Nguyên (2009-2019).

Tham dự và chỉ đạo tại hội nghị có Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng các lãnh đạo Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên. Đặc biệt, tham dự hội nghị có 224 già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên.

Hội nghị biểu dương các Già làng Tây Nguyên thực hiện tốt quyết tâm thư

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị

Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có khoảng 3.000 Già làng. Trong những năm qua, các già làng Tây Nguyên đã trải qua hai cuộc kháng chiến, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên. Ngoài ra, các già làng có kinh nghiệm trong cuộc sống, có uy tín trong gia đình và cộng đồng, là trụ cột quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển cuộc sống mới trong cộng đồng. “Già làng nói - dân làng nghe, Già làng hô - dân làng hưởng ứng, Già làng làm - dân làng làm theo”. Tiếng nói của các Già làng như cán cân để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng.

Tây Nguyên là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa, dân số trên 5 triệu người với 47 dân tộc anh em, cư trú ở gần 7.800 thôn/buôn/tổ dân phố, trong đó có trên 2.800 buôn, thôn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (khoảng 2 triệu người là đồng bào các dân tộc thiểu số, chiếm 35% tổng dân số toàn vùng), với rất nhiều đặc trưng, sắc thái văn hóa riêng, trong đó có 12 tộc người thiểu số tại chỗ.

Sau 10 năm (2009-2019) thực hiện, nhiều nội dung của quyết tâm thư được Già làng các dân tộc Tây Nguyên triển khai tích cực, hiệu quả với nhiều cách làm hay, đã góp phần quan trọng trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, kinh tế, văn hóa, xã hội không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây nguyên được nâng cao. Báo cáo tổng kết mà Hội nghị đã khẳng định những kết quả to lớn trong 10 năm thực hiện quyết tâm thư của Già làng các dân tộc Tây Nguyên, trong đó các Già làng đều có chung nhận thức sâu sắc về lời dạy của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”, đồng thời cũng tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng Tây Nguyên ngày càng ổn định, phát triển.

Cùng với đó, các Già làng đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, bảo tồn được văn hóa cồng chiêng, tránh tình trạng buôn bán làm thất thoát di sản văn hóa đặc sắc này; đồng thời, tích cực tham gia dạy tiếng Kinh cho con em người dân tộc và giữ đất, bảo vệ rừng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách Mặt trận, chính sách dân tộc. Các Già làng đã phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, cách mạng, bất khuất của nhân dân các dân tộc khu vực Tây Nguyên, kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu, hành động trực tiếp và gián tiếp của các thế lực thù địch; phát huy vai trò của Người Cao tuổi Việt Nam hưởng ứng phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh đến sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thể hiện qua việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và cải thiện đời sống của nhân dân vùng Tây Nguyên. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc đã được tập trung giải quyết có kết quả, như: đất ở, đất sản xuất, việc làm, xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, đã tạo được nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững của các tỉnh Tây Nguyên.

Trong 10 năm qua, với 5 nội dung quyết tâm thư của các Già làng Tây Nguyên đã trở thành hơi thở cuộc sống, gắn bó với hành động và suy nghĩ của mỗi người con Tây Nguyên, trở thành mục tiêu, động lực trong lao động, học tập và xây dựng Tây nguyên ngày một giàu, mạnh. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các Già làng trong việc phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các Già làng và Người cao tuổi các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục giáo dục con cháu, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; Đề nghị các Già làng tích cực vận động con cháu giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc; xoá bỏ một số tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan hiện còn tồn tại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của từng dân tộc và sự phát triển chung của cộng đồng... Gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động tại địa phương, cơ sở và các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam phát động.

Về phía cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục nâng cao nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các Già làng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm, động viên, biểu dương kịp thời những đóng góp của các Già làng có uy tín, tạo điều kiện thuận lợi hơn để các Già làng phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là các sinh viên mới tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm. Quan tâm thu hút đầu tư phát triển kinh tế, trong đó nghiên cứu để có cơ chế phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số, tăng cường dạy nghề, giải quyết việc làm, thu hút lao động người dân tộc thiểu số vào làm việc tại các doanh nghiệp; động viên, khuyến khích người dân tộc thiểu số tham gia xuất khẩu lao động để tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Đồng thời, có giải pháp thiết thực để bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, xoá bỏ một số tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan hiện còn tồn tại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các dân tộc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Với tinh thần trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng rằng Khối đại đoàn kết cả Dân tộc Tây nguyên sẽ luôn được bồi đắp, bền vững, góp phần xây dựng khu vực Tây Nguyên giàu về kinh tế, đẹp về văn hoá - xã hội, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh, làm cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có ý chí vững vàng, có cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị biểu dương các Già làng Tây Nguyên thực hiện tốt quyết tâm thư