CLY - Sáng ngày 31/12, tại Trung tâm tổ chức Hội nghị tỉnh Quảng Ninh (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) diễn ra Hội nghị báo chí toàn quốc, tổng kết công tác năm 2020 và đánh giá khái quát giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, hội nghị cũng đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2021.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Vũ Đức Đam - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Lâm - Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao và cùng nhiều đại biểu đại diện cho các ban, bộ, ngành, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí trên toàn quốc.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Mạnh Hùng - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong lĩnh vực báo chí năm 2020, công tác chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí tiếp tục được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.
Việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, nhất là đối với những sai phạm liên quan đến việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội “núp bóng” hoạt động như cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (Quy hoạch báo chí) được triển khai quyết liệt, cơ bản bảo đảm tiến độ. Chú trọng, tăng cường bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, nhà báo; thực hiện tốt quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam.
Các cơ quan báo chí chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, tính chuyên sâu của các chương trình, tin, bài, đặc biệt là các tuyến tin, bài thông tin tuyên truyền vê chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo; các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội…
Đáng chú ý, năm 2020, công tác thông tin tuyên truyền tập trung trọng tâm vào một số vấn đề lớn như: Phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh; Chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; Đại hội Đảng các cấp, góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Tuyên truyền thông tin đối ngoại trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam,…
Về hoạt động nghiệp vụ, nhiều cơ quan báo chí đã có đổi mới mạnh mẽ trong việc đầu tư nâng cao chất lượng bài báo, trang báo, chương trình, kênh chương trình, tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị, đạt hiệu quả về thông tin tuyên truyền, tạo ra nhiều sản phẩm nội dung thương hiệu Việt được đông đảo dư luận quan tâm, hoan nghênh.
Năm 2020, cùng với những ưu điểm, kết quả nêu trên thì hoạt động báo chí còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm, tập trung ở một số vấn đề chưa toàn diện, chưa phản ánh đầy đủ hoạt động đa dạng của xã hội.
Trong đó, một số trường hợp, thông tin trên báo chí còn chậm, chưa kịp thời định hướng dư luận xã hội, nhất là các vụ việc quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Tính thuyết phục, tính xây dựng, phản biện và sức chiến đấu của các chương trình, tin bài chính luận chưa cao, còn khô cứng, sáo mòn, thiếu tính sáng tạo, thiếu phong phú, hấp dẫn…
Đáng chú ý, một số cơ quan báo chí vẫn để xảy ra tình trạng thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép; Thông tin thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; Nhiều nội dung tin, bài giật tít phản cảm chưa có nhiều chuyển biến; Một số thông tin trên báo chí chưa phù hợp với tư tưởng chỉ đạo, định hướng nói chung và nhiệm vụ chính trị của báo chí, chưa coi trọng chức năng tuyên truyền, giáo dục, định hướng, vẫn chạy theo xu hướng “giật gân”, câu khách.
Cùng với đó, tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử bước đầu được khắc phục song vẫn còn diễn biến phức tạp, cần phải được xử lý quyết liệt, dứt điểm trong những năm tới.
Thực hiện Quy hoạch báo chí trong năm 2020, cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2019. Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 Báo (Trung ương: 68, địa phương: 74, 112 Báo có hoạt động báo điện tử); 612 Tạp chí (Trung ương: 520, địa phương: 92, có 98 Tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử); 25 Cơ quan báo chí điện tử độc lập (09 Báo điện tử và 16 Tạp chí điện tử).