Hội nghị AIPA Caucus 14 tiến hành Phiên thảo luận thứ Nhất

Tin và ảnh: Thanh Chi| 10/07/2023 15:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngay sau phiên khai mạc, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà - Chủ tịch Hội nghị Nhóm Tư vấn Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA Caucus) lần thứ 14, Hội nghị đã tiến hành Phiên thảo luận thứ Nhất.

Hội nghị AIPA Caucus 14 tiến hành Phiên thảo luận thứ Nhất -2
 Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà chủ trì phiên thảo luận

Tại hội nghị, các đại biểu nghe đại diện các Đoàn đại biểu Nghị viện thành viên AIPA trình bày Báo cáo Quốc gia về tình hình thực hiện các Nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng AIPA 43.

Báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng AIPA 43 của Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà nhấn mạnh, triển khai thực hiện các Nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng AIPA 43, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp với các bộ ngành, cơ quan của Chính phủ đã nghiên cứu, đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng chương trình, kế hoạch, hợp tác với ASEAN và các đối tác trên các lĩnh vực.

Về triển khai Nghị quyết về các vấn đề chính trị, trong đó có Nghị quyết Thúc đẩy hòa bình, đoàn kết và chủ nghĩa đa phương thông qua vai trò trung tâm của ASEAN, Quốc hội Việt Nam đã chủ động, tích cực trong quan hệ với nghị viện các nước; tham gia tích cực các hoạt động, cơ chế đối thoại liên nghị viện khu vực và quốc tế; nâng cao vai trò của Quốc hội Việt Nam cũng như của ASEAN/AIPA trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế; hợp tác với các nước trong khu vực và các đối tác ngoài khu vực vì sự ổn định, phát triển bền vững của ASEAN.

Hội nghị AIPA Caucus 14 tiến hành Phiên thảo luận thứ Nhất -0
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên thảo luận 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, Quốc hội đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm; tiếp tục triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, tham gia hiệu quả, có chọn lọc các liên kết kinh tế quốc tế; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, hiệu quả gắn với củng cố, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Quốc hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, tham gia chủ động, tích cực, xây dựng vào Ủy hội sông Mekong (MRC) nhằm góp phần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Hiệp định Mekong năm 1995, Bộ Quy chế sử dụng nước, phát huy "tinh thần hợp tác Mekong" vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của tất cả các quốc gia và người dân sinh sống trong lưu vực.

Về việc thực hiện Nghị quyết Tăng cường ngoại giao nghị viện về an ninh hàng hải để thúc đẩy ổn định khu vực ở Đông Nam Á, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, trong triển khai hợp tác nghị viện, Việt Nam luôn khẳng định quan điểm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trong khu vực; mong muốn giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng các biện pháp hòa bình thông qua đối thoại trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Tháng 8.2023, cơ quan của Quốc hội sẽ tổ chức phiên giải trình về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) để đề xuất biện pháp gỡ cảnh báo "thẻ vàng" IUU của Ủy ban châu Âu (EC), đồng thời thúc đẩy Chính phủ nỗ lực hơn trong triển khai IUU, sớm ban hành "Kế hoạch hành động chống khai thác IUU”.

Về phía Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN với Trung Quốc về DOC lần thứ 20 và Hội nghị nhóm công tác về DOC lần thứ 39, trao đổi về tình hình biển Đông, triển khai DOC và tiến độ xây dựng và đàm phán COC; vai trò của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, đối với các vấn đề trên biển.

Hội nghị AIPA Caucus 14 tiến hành Phiên thảo luận thứ Nhất -1
Quang cảnh phiên thảo luận thứ Nhất

Về triển khai Nghị quyết “Ngoại giao Nghị viện nhằm thực hiện Đồng thuận 5 điểm của ASEAN”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, Quốc hội Việt Nam đề cao lập trường chung của ASEAN về vấn đề Myanmar. Theo đó, Quốc hội Việt Nam sẵn sàng cùng các nghị viện thành viên AIPA đồng hành cùng Chính phủ các nước ASEAN tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện hơn để Myanmar tìm giải pháp cho khủng hoảng trên cơ sở nguyên tắc chung là không can thiệp công việc nội bộ của Myanmar.

Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất về cách ứng xử của ASEAN với Myanmar tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 42, như xây dựng tiếp cận tổng thể, toàn diện và hiệu quả hơn, khuyến khích các bên liên quan đối thoại, hòa giải; kêu gọi, khuyến khích các nước đối tác và có lợi ích với Myanmar cùng thúc đẩy Đồng thuận 5 điểm.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao kinh nghiệm của các quốc gia trong thực hiện các Nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng AIPA 43. Các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò của các Nghị viện thành viên và từng nghị sĩ trong việc giám sát, thúc đẩy việc thực hiện các Nghị quyết.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã xem xét báo cáo của Ban Thư ký AIPA về các hoạt động của Ban Thư ký từ năm 2017 - 2023; cập nhật hoạt động của AIPA và Ban Thư ký AIPA trong 6 tháng đầu năm; cập nhật tình hình thực hiện các Nghị quyết của AIPA được thông qua tại các kỳ họp Đại hội đồng AIPA từ 2017 - 2022 và ra mắt website mới của Ban Thư ký AIPA.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị AIPA Caucus 14 tiến hành Phiên thảo luận thứ Nhất