Đặt câu hỏi này dễ gây mất đoàn kết với những ai “chuyên nghề” đi lễ hội và cả với hàng triệu người không bao giờ được đi hội ngoài hội làng quen thuộc. Từ ngàn đời nay, khách trảy hội là nam thanh nữ tú, các bậc bô lão từ vọng lão đến đại lão và số người là công chức, doanh nhân đi hội là phần nhiều. Mấy người nghèo đi được đến chốn này?
Chưa bao giờ trong lịch sử, lễ hội ở nước ta lại đa dạng và phong phú như bây giờ. Đủ các loại hình lễ hội từ hội dòng tộc, thôn làng đến hội trường, hội huyện, hội tỉnh, hội quốc gia. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Việt Nam có gần 7.500 lễ hội cổ truyền lớn, nhỏ trải rộng khắp đất nước trong cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông khiến câu “tháng hai hội hè” không thích hợp nữa mất rồi!
Với tư tưởng uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, ngày hội thường diễn ra sôi động bằng những thể hiện sự tích, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình. Đặc biệt, lễ hội ở nước ta gắn bó với làng xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu vắng trong đời sống cộng đồng nhân dân. Thế nhưng than ôi, hoành tráng hóa và thương mại hóa đã làm hỏng lễ hội!
Nạn cờ bạc diễn ra công khai tại nhiều lễ hội. Ảnh minh họa
Hình như người ta chỉ rình cơ hội để mở hội và triết lý chủ đạo là thu tiền, thu tiền và thu tiền. Và để thu tiền, người ta đua nhau thương mại hóa lễ hội. Hầu như không có lễ hội nào được khen ngợi về khâu tổ chức chu toàn văn minh, lịch sự, an toàn trừ hội làng. Tiếng kêu ca phàn nàn về giá cả, dịch vụ, trật tự vệ sinh an toàn vang lên suốt mùa trảy hội và rồi sang năm vẫn thế và tệ hơn thế, bất chấp xu thế tỉnh hóa, huyện hóa và quốc gia hóa khâu tổ chức. Huyền thoại được thánh hóa tuyệt đỉnh công phu để hốt bạc. Người ta không ngại ngần bịa đặt, xuyên tạc huyền tích, khoét núi mở hang, rạch nguồn khơi suối, tạc tượng, đúc chuông xây dựng đền phủ mới… để chèo kéo khách thập phương. Không ít kẻ thiểu tâm hằng sản sẵn sàng chi tiền cho các phi vụ này. Người ta kể rằng ở nơi nọ, con cháu chủ chùa phải cạo đầu giả sư để trông nom sổ vàng công đức, kiểm đếm hàng đêm rồi “làm việc” với ngân hàng nhằm đổi bạc lẻ tiền cũ thành tiền polymer.
Lễ hội truyền thống gắn với các hoạt động vui tươi, lành mạnh; là khởi đầu cho một năm lao động hiệu quả được nhiều địa phương coi trọng. Tuy nhiên ở nhiều nơi, mùa lễ hội là mùa làm ăn của dịch vụ trông xe, cơm nước, nghỉ trọ, cờ bạc nhưng là mùa mất ăn mất ngủ của lực lượng an ninh bảo vệ. Nạn trộm cắp lừa đảo, côn đồ hung hãn luôn nặng vai Công an sở tại khiến lắm anh em mất Tết. Người trảy hội bị hành xác và không ít người xin cạch đến già. Dù không phải là phổ biến, nhưng đầu xuân năm mới cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo, để làm sao đâu đâu cũng có lễ hội truyền thống thực sự đúng là lễ hội của mùa xuân.
Bảo Dân