Tách mình ra khỏi guồng quay của sự hào nhoáng, hoa lệ, Hội An lặng lẽ nép mình với vẻ đẹp trầm mặc, yên bình. Giống như được cắt ra từ một chốn cũ, sau đó gồng mình chống lại bước đi của thời gian, Hội An đã trở thành nơi lưu giữ những tinh hoa văn hóa đẹp đẽ, trở thành “bảo tàng sống” lưu hồn dân tộc.
Vừa đến phố Hội, chúng tôi lại một lần nữa rung động trước vẻ đẹp nơi đây. Những căn nhà rêu phong, dòng sông Hoài thơ mộng hay những gánh hàng rong... tất cả hòa quyện và tạo nên một phố Hội rất riêng. Đi giữa một chốn bình yên, chúng tôi lặng lẽ cảm nhận từng nhịp thở của thành phố.
Khi đi đến đường Trần Phú, chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ anh Huỳnh Phương Đỏ - nghệ nhân thổi hồn vào rễ tre. Hơn 30 năm làm nghề, những sản phẩm mà anh tạo ra trông rất thực. Gặp khách du lịch nào hỏi thăm, anh cũng nở nụ cười rạng rỡ và giới thiệu về nghề của mình. Theo học nghề từ năm 16 tuổi, trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, giờ đây, anh trở nên nổi tiếng vì có khả năng “phù phép, thổi hồn” cho những gốc tre.
Đến công đoạn tạo hình, anh Huỳnh Phương Đỏ chia sẻ rằng, bản thân phải đưa cả tâm và trí vào, nếu không, tác phẩm sẽ không thể sống động. Anh cũng nhấn mạnh ước mong của bản thân, đó là mang những gốc tre đến với thế giới.
Quả thực, Hội An đã trở thành mảnh đất màu mỡ để các nghệ nhân thể hiện tài hoa, lưu giữ những nét đẹp văn hóa, thực hiện khát vọng, ước mong của bản thân. Anh Thái Văn Ri - nghệ nhân xếp lá cũng đã chọn Hội An để thể hiện tình yêu nghệ thuật của mình.
Theo nghề hơn 5 năm, từ những cây dừa mọc ven bờ ít ai để tâm, qua bàn tay khéo léo, anh đã giúp chúng trở thành những món đồ chơi đủ hình thù khác nhau. Nhìn bàn tay anh thoăn thoắt, tôi bất giác nhớ về những kí ức tuổi thơ. Những hình ảnh mộc mạc mà thân thương, gắn liền với ký ức của bao thế hệ giờ đây đã có thể tái hiện tại dưới đôi tay của các nghệ nhân.
Di chuyển đến đường Nguyễn Thái Học, chúng tôi đã vô tình nghe được khúc hòa tấu giữa đàn guitar và sáo bên vệ đường. Đàn guitar xuất hiện tại Châu Âu vào thế kỉ thứ VIII, mang đậm màu sắc hiện đại và cá tính mạnh mẽ. Sáo trúc là nhạc cụ rất phổ biến ở nông thôn Việt Nam, mang gam màu cổ điển và nhẹ nhàng. Vậy mà, ở chốn phố Hội này, chúng tôi lại bắt gặp hai nhạc cụ vốn rất khác biệt này được hòa làm một.
Mang trong mình tình yêu âm nhạc, anh Jonathan đã chọn phố Hội làm nơi thể hiện ngọn lửa tình yêu. Theo chia sẻ, anh đã chơi đàn Fiddle được 5 năm và thường xuyên biểu diễn nó trên các đường phố thị trấn nước Pháp. Giờ đây, anh muốn biểu diễn nó tại Hội An để mọi người có thể thưởng thức tiếng đàn đặc biệt này.
Có thể nói, không chỉ là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa, mà Hội An còn trở thành nơi giao lưu âm nhạc, văn hóa Đông - Tây.
Nhìn đồng hồ thấy đã trễ, chúng tôi tiếc nuối chuẩn bị ra về. Đưa mắt ngắm những ngôi nhà cổ thêm lần nữa, tôi đã vô tình nhìn thấy một cảnh tượng đau lòng. Những bức tường rêu phong, có tuổi đời cả trăm năm nay đã bị ai đó vẽ bậy lên bằng sơn, bút xóa, việc này đã làm phá hủy đi vẻ đẹp của cả một góc phố. Một vài ngôi nhà cũng đã xuất hiện nhiều vết nứt rất sau những cơn mưa lũ.
Hội An may mắn và tự hào được các lớp tiền nhân bền bỉ lao động, sáng tạo, để lại một di sản văn hóa vô giá. Nhưng nếu chúng ta không biết giữ gìn từ những điều nhỏ nhặt nhất thì bất kỳ lúc nào, di sản vẫn có khả năng “chết đi”.
Giữ gìn di sản, văn hóa cũng chính là giữ gìn linh hồn dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng chia sẻ quan điểm "Văn hóa là bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy”...