Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam dự kiến mở 2 ngành học mới

Lê Hương| 14/09/2022 21:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam tổ chức Hội thảo phát triển chương trình đào tạo sau đại học chuyên ngành Y Dược cổ truyền. Tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Quốc Bình - Chủ tịch hội đồng trường Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam thông tin, học viện sẽ mở thêm 2 ngành đào tạo sau đại học.

Ông Bình cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, học viện đang tổng hợp góp ý của các nhà quản lý, đơn vị đào tạo, đơn vị sự dụng nhân lực, giảng viên, cựu học viên để điều chỉnh chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo sau đại học của một số ngành mũi nhọn.

anh-1-2-.jpg
PGS.TS Phạm Quốc Bình, Chủ tịch hội đồng trường Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Trường đang đào tạo 5 chương trình đào tạo sau đại học gồm: Bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ chuyên khoa 2, bác sĩ nội trú, thạc sĩ, tiến sĩ Y học cổ truyền. Đặc biệt, trường đang trình Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT cho phép mở thêm 2 ngành đào tạo sau đại học gồm: Bác sĩ chuyên khoa 1 ngành Châm cứu và bác sĩ chuyên khoa 1 ngành Dược liệu - Dược học cổ truyền.

Ông hy vọng, thông qua hội nghị, các chuyên gia, bác sĩ, nhà nghiên cứu... sẽ đóng góp thẳng thắn, khách quan và góc nhìn toàn diện để trường điều chỉnh cũng như đổi mới chương trình đào tạo sau đại học tốt hơn, chất lượng hơn.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) ghi nhận, hội thảo của Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam có ý nghĩa thiết thực, nhất là trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Theo TS. Phạm Như Nghệ, các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe, nhất là về y học cổ truyền mang tính đặc thù nên cần được Bộ Y tế và các bộ, ngành quan tâm, tạo điều kiện; trong đó, Bộ Y tế cần có những quan tâm đặc biệt.

“Tinh thần là, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) ủng hộ chủ trương mở ngành đào tạo sau đại học của Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam” - TS Phạm Như Nghệ khẳng định.

Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học đề nghị, Học viện cần bám sát Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ GD&ĐT “Quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học” , trong đó có Chương II – quy định về Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của đại học. Ngoài ra còn có Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30/8/2021 của Bộ GD&ĐT, ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ.

anh-2-2-.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế, Đỗ Xuân Tuyên, biểu dương Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam những năm qua đào tạo hàng nghìn thầy thuốc có trình độ đại học, sau đại học cho các tuyến từ y tế cơ sở đến Trung ương.

Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, hậu quả nặng nề của dịch COVID-19 cũng như những khó khăn chung của ngành, nhưng Bộ Y tế vẫn ghi nhận những đóng góp rất lớn của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam trong hoạt động đào tạo đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Thứ trưởng đánh giá cao việc học viện tổ chức hội thảo “Phát triển chương trình đào tạo sau đại học ngành Y Dược học cổ truyền”. Ông đề nghị lãnh đạo cùng cán bộ nhân viên trường nhanh chóng thực hiện cập nhật, đổi mới chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo sau đại học cũng như mở mã ngành mới theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế nhằm đáp ứng với nhu cầu thực tiễn.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt 5 nhiệm vụ sau: Thứ nhất, học viện tiếp tục đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 và chủ trương triển khai đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng tiếp cận với các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới; gắn đào tạo với sử dụng nhân lực y tế.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, trong đó cần tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp nghiên cứu khoa học về y dược cổ truyền, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về y dược cổ truyền, nghiên cứu kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh...

Thứ ba, tập trung hơn nữa cho việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trong học viện. Tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên phát triển tối đa chuyên ngành mũi nhọn, gắn kết chặt chẽ với các khoa – bệnh viện tuyến đầu.  

anh-3-1-(1).jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu chỉ đạo hội thảo

Thứ bốn, học viện cần tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tiếp tục tập trung các nguồn lực để cơ cấu lại Bệnh viện Tuệ Tĩnh theo hướng đạt hiệu lực hiệu quả, đầu tư cải tạo bệnh viện thực hành của Học viện.

Thứ năm, học viện cần tăng cường hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật về y học cổ truyền cho địa phương để tạo nguồn nhân lực y dược cổ truyền có chất lượng.

Hội thảo "Phát triển chương trình đào tạo sau đại học ngành Y Dược học cổ truyền được thực hiện trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội thảo được chia thành các phiên họp, với các chủ đề: Góp ý điều chỉnh chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo trình độ Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ chuyên khoa II và Bác sĩ nội trú ngành YHCT; góp ý điều chỉnh chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ ngành y học cổ truyền; góp ý chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo trình độ Bác sĩ chuyên khoa I và Sau đại học chuyên ngành Châm cứu; góp ý chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo trình độ Dược sĩ chuyên khoa I và Sau đại học chuyên ngành Dược liệu - Dược học cổ truyền.


Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam dự kiến mở 2 ngành học mới