Một phiên tòa hình sự vừa được TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử tại Học viện Tòa án, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho học viên Học viện tiếp cận những kiến thức thực tế sinh động, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo….
Đây là động thái được coi là “nhất cử, lưỡng tiện”, Tòa án đưa vụ án ra xét xử lưu động phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn Học viện thì tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tiếp cận những kiến thức thực tế sinh động, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo….
“Trăm nghe không bằng một thấy”
Phòng xử án lớn của Học viện Tòa án đầy đủ trang bị hoàn chỉnh với sức chứa 500 chỗ đã chật cứng học viên và những người dự khán. Ngoài ra, Học viện còn có loa phóng thanh bên ngoài để phục vụ nhân dân. Tất cả phần hậu trường đã được chuẩn bị chu đáo phục vụ cho phiên tòa lưu động của TAND TP. Hà Nội diễn ra hôm 4/4/2017. Phiên tòa được tiến hành với mong muốn của Ban giám đốc Học viện Tòa án là giúp cho học viên tiếp cận trực tiếp với những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng mà họ vừa được học xong phần lý thuyết. Mong muốn đó đã trở thành hiện thực khi được lãnh đạo TAND thành phố Hà Nội hết sức ủng hộ. Cũng có những khó khăn nhất định do phải di chuyển đi xa trụ sở và phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc trích xuất bị cáo bị truy tố với tội danh có mức hình phạt cao nhất… nhưng tất cả đã được giải quyết ổn thỏa.
Vụ án “Nguyễn Ngọc Minh phạm tội mua bán trái phép chất ma túy” là vụ án đầu tiên mà Học viện phối hợp với Tòa án đưa về phòng xử án của Học viện xét xử. Đây là phiên tòa “đại hình” xét xử bị cáo từng có nhiều tiền án, có đồng phạm, phức tạp về chứng cứ và có các luật sư bào chữa. Bị cáo Nguyễn Ngọc Minh sinh năm 1977, trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông (Hà Nội) từng có 3 tiền án, bị truy tố về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” với hành vi mua bán trái phép 2 bánh heroin và hàng trăm viên ma túy tổng hợp. Cùng bị truy tố với Minh là Lê Quang Dụng, sinh năm 1961 tại Đông Anh với cùng tội danh… Phiên toà kéo dài với nhiều tình tiết phức tạp được làm sáng tỏ qua phần thẩm vấn kỹ, với những phần đối chất gay gắt giữa các bị cáo; tranh tụng sôi động tại phiên tòa công khai đã thu hút sự tập trung chú ý cao độ của học viên và những người tham gia.
Được hỏi về cảm nhận về phiên tòa này, đa số các học viên đều cho biết đây là một kiến thức thực tế bổ ích, thiết thực và hiệu quả nhất. Chẳng vậy mà đến khi tuyên án xong đã hơn 13 giờ nhưng hội trường vẫn chật kín người…
Các học viên và những người tham dự chăm chú theo dõi phiên tòa
Được biết, để đạt hiệu quả sau phiên tòa như mong muốn, lãnh đạo Học viện Tòa án và các khoa, phòng đã xây dựng kế hoạch công phu. Bên cạnh việc chuẩn bị chu đáo cho phiên tòa với những bảo đảm về trang bị và trật tự an toàn, Học viện cũng đặt ra cho học viên một số yêu cầu thu hoạch sau khi đã được chủ động quan sát, theo dõi phiên tòa. Theo đó, sau phiên tòa, mỗi học viên sẽ độc lập viết thu hoạch theo cảm nhận mà không theo nhóm để thể hiện sự tiếp thu của bản thân trên cơ sở có những phần gợi ý của Khoa Đào tạo Thẩm phán. Ngoài ra, Học viện khuyến khích những phát hiện, nhận xét của học viên về những vấn đề khác như văn hóa pháp đình…
Theo TS Lê Hữu Du - Trưởng phòng Đào tạo của Học viện, thông qua những phiên tòa thực tế, Học viện mong muốn giúp cho các học viên ngay sau khi ra trường về công tác tại các Tòa án sẽ “cầm búa quai được ngay” mà không bỡ ngỡ hoặc phải đào tạo thêm về nghiệp vụ nữa. Còn đối với học viên tốt nghiệp không công tác trong ngành thì cũng hiểu hơn về công tác Tòa án thông qua phiên tòa thực tế.
Thay đổi để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Nhìn lại năm 2016, cùng với việc thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của hệ thống Tòa án theo quy định của Luật Tổ chức TAND; tổ chức thi tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp; củng cố kiện toàn bộ máy tổ chức theo chức năng nhiệm vụ đã được quy định nhiệm vụ đặt ra, Học viện Tòa án còn tiếp tục triển khai tuyển sinh khóa đại học chuyên ngành luật hệ chính quy đầu tiên… Đã có không ít khó khăn mà Học viện phải đương đầu như số lượng biên chế không được bổ sung; đội ngũ cán bộ, giảng viên chưa được kiện toàn; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc trong giai đoạn hoàn thiện; chế độ, chính sách đối với công chức, người lao động và kinh phí hoạt động còn nhiều hạn chế… Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo TANDTC, sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả của các đơn vị thuộc TANDTC và sự nỗ lực phấn đấu của tập thể lãnh đạo và đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, sự tham gia giảng dạy nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ giảng viên kiêm chức, Học viện Tòa án đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Một trong những yếu tố giúp cho Học viện vươn lên và khẳng định vị trí là tâm huyết của lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và học viên trong việc nâng cao chất lượng đào tạo được thể hiện qua quyết tâm mà Phó Giám đốc phục trách Học viện Trần Văn Hà nêu ra tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo là chủ đề, là thông điệp của năm” diễn ra hồi đầu năm 2017.
Còn nhớ, sự ra đời của Học viện Tòa án khá vất vả, gian truân bởi lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử nền giáo dục Việt Nam mà việc thành lập một trường đại học mà phải đưa ra Bộ Chính trị để bàn. Rồi sau khi thành lập, đã có những nghi ngại thành lập đã khó, giữ được và phát triển Học viện còn khó hơn nhiều … Vậy nên, nỗ lực cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo để chứng minh sự ưu việt hoặc tối thiểu bằng các cơ sở đào tạo luật khác vừa là áp lực cũng là động lực cho lãnh đạo, cán bộ Học viện và là con đường duy nhất đúng.
Học viện xác định phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển tất yếu khách quan, cũng là đảm bảo có đội ngũ cán bộ xứng tầm trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay. Theo đó, về nhận thức, tư duy, tác phong lề lối và thái độ làm việc phải đổi mới, chuyên môn nghiệp vụ nâng lên, tổ chức dạy tốt học tốt, nâng cao chất lượng kiểm tra đánh giá trong dạy và học...
Trăn trở về vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Trần Văn Hà dùng một hình ảnh khiến nhiều người phải suy ngẫm: “Đã qua thời tổ hợp tác, tổ đổi công nên chúng ta cần phải thay đổi”, nghĩa là phải thay đổi để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Phó Giám đốc phụ trách chia sẻ, trong chiến lược đào tạo cử nhân luật, Học viện luôn coi trọng về lý thuyết và hàn lâm, đảm bảo trang bị kiến thức toàn diện để học viên có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu về trình độ. Bên cạnh đó, Học viện đặt tiêu chí lớn cho việc tăng cường thực tiễn cho học viên bằng việc sắp xếp chương trình đào tạo đảm bảo chuyên sâu về chuyên ngành và thực tiễn. Cho nên, cùng với một tòa nhà diễn án luôn sôi động với những phiên diễn án tự tổ chức cho học viên, Học viện chủ động phối hợp với các đơn vị Tòa án đưa những vụ án đến Học viện xét xử, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tòa án trong việc tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật trong nhân dân, vừa tạo giúp cho học viên tiếp cận đầy đủ và sinh động nhất kiến thức thực tế sau những phần lý thuyết vừa học. Phó Giám đốc phụ trách cho hay, công việc này bắt đầu từ phiên tòa ngày 4/4/2017, sẽ được duy trì thường xuyên và là một phần việc ấn định trong chương trình đào tạo của Học viện.