Tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bùng nổ thông tin hiện nay", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Học viện Nông nghiệp Việt Nam tại Lễ khai giảng.
Sáng 30/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu tại Lễ khai giảng năm học mới 2018 – 2019 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Cùng dự lễ khai giảng có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số Bộ ban ngành cơ quan Trung ương và đông đảo các thế hệ thầy, cô giáo, cán bộ và sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương những thành tựu to lớn mà các thế hệ thày, cô giáo, cán bộ, sinh viên Học viện đã đạt được trong hơn 60 năm qua. Đồng thời, cảm ơn sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của các nước, các tổ chức quốc tế và các tổ chức đại diện nước ngoài tại Hà Nội đã tạo điều kiện để Học viện Nông nghiệp Việt Nam có được những thành công như ngày hôm nay.
Khẳng định, giáo dục-đào tạo là quốc sách hàng đầu và khoa học-công nghệ là then chốt đối với sự phát triển của đất nước, Tổng Bí thư đề nghị các bộ, ngành và Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt 6 nội dung:
Một là, tích cực thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có những kỹ năng để không bị thay thế bởi rôbốt và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện… Sinh viên tốt nghiệp đại học phải có năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng, có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, với gia đình, cộng đồng và đất nước. Do vậy, ngoài đào tạo chuyên môn, Nhà trường cần coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho sinh viên; gắn chặt nhiệm vụ đào tạo với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Hai là, tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bùng nổ thông tin hiện nay. Nhà trường phải nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo, chú trọng xác định đúng chuẩn đầu ra và chuyển đổi phương pháp từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho người học, coi sinh viên là trung tâm của quá trình đào tạo; ứng dụng tối đa công nghệ hiện đại; gắn đào tạo của nhà trường với thực tiễn sản xuất, nhu cầu của xã hội, đặc biệt là có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và khuyến khích hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên.
Ba là, tập trung xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới đào tạo. Các thày, cô giáo phải chuyển từ vai trò giảng bài sang vai trò hướng dẫn học và phải là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống, phương pháp làm việc và học tập để sinh viên noi theo. Để có được đội ngũ các thày, cô giáo chuẩn mực, các bộ, ngành và Học viện cần thông qua những chính sách, chế độ cụ thể, thiết thực, tạo mọi điều kiện và môi trường thuận lợi nhất để các thày, cô làm việc, sáng tạo và cống hiến được tốt nhất cho sự nghiệp trồng người.
Bốn là, đổi mới mô hình quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học. Sắp tới, Quốc hội sẽ thông qua Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), trong đó có nội dung quan trọng là tự chủ đại học. Tinh thần chung là các trường đại học phải được tự chủ hơn về học thuật, được chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong khuôn khổ của pháp luật, ít bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính. Tự chủ đại học không có nghĩa là các trường đại học phải "tự túc" hoàn toàn về tài chính. Nhà nước vẫn phải đầu tư để bảo đảm tốt các điều kiện thiết yếu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và các phương tiện phục vụ để nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đối với những ngành nghề và lĩnh vực khó xã hội hóa và đất nước đang rất cần như Nông-Lâm-Ngư nghiệp.
Năm là, phấn đấu nhanh chóng trở thành một trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp. Học viện cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khoa học-công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học-công nghệ với đào tạo và phục vụ sản xuất, dịch vụ xã hội. Các công trình nghiên cứu của Học viện phải hướng tới "tam nông" (nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh).
Trọng tâm nghiên cứu của Học viện là phục vụ yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện tốt nhất để Học viện Nông nghiệp tích cực tham gia vào các chương trình do Bộ chủ trì, đặc biệt là chương trình cơ cấu lại nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Sáu là, gắn kết chặt chẽ giữa trường đại học với địa phương sở tại. Trường đại học đóng trên địa bàn nào thì cần phải có những hoạt động đào tạo và khoa học-công nghệ phục vụ ngay tại địa phương đó. Ngược lại, chính quyền các cấp của địa phương cần cộng tác, hỗ trợ tích cực cho trường đại học trên địa bàn của mình phát triển.
Cũng trên tinh thần đó Tổng Bí thư đề nghị thành phố Hà Nội, huyện Gia Lâm, thị trấn Trâu Quỳ cần hợp tác chặt chẽ với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và quan tâm hơn nữa đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tích cực phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn Học viện trong công tác quản lý đất đai, thực hiện tốt quy hoạch đã được phê duyệt.
Tổng Bí thư bày tỏ mong muốn thày, cô giáo và sinh viên của Học viện trong thời gian tới tiếp tục phát huy truyền thống của một trường đại học anh hùng, ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, nghiên cứu sáng tạo để đạt được nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Học viện, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu "Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi".
Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tiền thân là trường Đại học Nông Lâm, trường Đại học Nông nghiệp, là một trong những trường đầu ngành trong khối nông nghiệp và phát triển nông thôn của nước ta. Báo cáo của nhà trường cho biết, trải qua 62 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao nhiều sản phẩm khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, phục vụ sự phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Đặc biệt, thí điểm thực hiện chủ trương tự chủ đại học từ năm 2015, với quyết tâm đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhà trường tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành đạt trên 90%, phong trào khởi nghiệp sinh viên đứng đầu cả nước. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng được tích cực triển khai. Riêng trong năm học vừa qua, Học viện có 4 giống cây trồng được công nhận quốc gia, 2 giống cây trồng được cho sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa 4 giống lúa, 2 giống ngô và nhiều giải pháp hữu ích khác… |