Học tiếng Cơ Tu để phục vụ đồng bào

Hải Nam| 09/03/2017 08:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tấn Trường - Chánh án TAND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.

Tình nguyện lên công tác từ 2009, hơn 7 năm công tác tại một trong những huyện miền núi khó khăn nhất tỉnh Quảng Nam là ngần ấy năm vị Thẩm phán ngoài ngũ tuần dành cả tâm lực, trí lực nhằm giữ gìn bình yên cho các bản làng dọc sườn đông Trường Sơn.

 Kết thúc năm 2016, TAND huyện Đông Giang đã giải quyết đạt 100% số án đã thụ lý, không có vụ án nào bị tồn đọng kéo dài. Công tác xét xử án hình sự đảm bảo trong hạn luật định, xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, không xét xử oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Việc giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, Tòa án đã làm tốt công tác hòa giải nên đạt tỷ lệ rất cao. Việc giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình đảm bảo quy định pháp luật, kiên trì hòa giải đoàn tụ, số vụ án hòa giải đoàn tụ là 12/26 vụ. 100% các quyết định thi hành án hình sự thực hiện đúng quy định của pháp luật. Chất lượng xét xử các vụ án đã nâng lên một cách rõ rệt, không có vụ án nào bị hủy. Toà án đã đưa 100% vụ án hình sự đi xét xử lưu động tại các xã trong địa bàn huyện, kịp thời tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân, đồng thời răn đe, ngăn ngừa tội phạm.

Học tiếng Cơ Tu để phục vụ đồng bào

Chánh án TAND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam Nguyễn Tấn Trường 

Bên cạnh việc lãnh đạo, chỉ đạo thực  hiện tốt công tác chuyên môn, Chánh án Nguyễn Tấn Trường còn chú trọng xây dựng tốt mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ với các ngành trong khối nội chính cũng như các ban, ngành liên quan để tạo ra tính thống nhất và đồng bộ trong thực hiện đấu tranh phòng chống tội phạm, chống tiêu cực, góp phần ổn định tình hình trật tự trị an trên địa bàn huyện.

Với trách nhiệm là Bí thư Chi bộ, Chánh án, Thẩm phán, ông Nguyễn Tấn Trường luôn nêu cao tinh thần người đứng đầu đơn vị, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, tiên phong trong mọi hoạt động của đơn vị. Ông trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Dù cuộc sống miền ngược còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hơn 7 năm qua, từng được tổ chức rút về tỉnh bổ nhiệm trưởng phòng nghiệp vụ, nhưng rồi với tình cảm quý mến, quyến luyến của bà con, ông tự nguyện quay lên gắn bó lại với mảnh đất này.

Từ những ngày mới về huyện Đông Giang đến nay, bí quyết của ông là “cắm bản” để gần gũi với bà con hơn. Sự gắn bó, gần gũi ngày một nhân lên sau những lần ông vào tận thôn, bản để tìm hiểu đời sống, phong tục tập quán của đồng bào. Ông chia sẻ: mình là người dưới xuôi lên nên muốn hiểu dân, gần dân thì trước hết phải “ba cùng” với đồng bào, nhưng khó nhất vẫn là rào cản về ngôn ngữ. Vậy là, cứ tối tối sau khi xong việc cơ quan, vị Thẩm phán ấy lại cặm cụi học tiếng Cơ Tu để được trò chuyện với đồng bào, và không biết tự lúc nào ông đã xem mình như một người con của núi rừng đại ngàn Trường Sơn.

Nhưng có lẽ trăn trở lớn nhất của người Thẩm phán ấy là cuộc sống người dân còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt là thôn La Đàng xã Zơ Ngây, đơn vị kết nghĩa với Tòa án huyện.

Xót xa trước hoàn cảnh khó khăn của bà con thôn, bản, ông suy nghĩ phải có một giải pháp căn cơ nào đó  mới thật sự giúp đồng bào thoát nghèo. Chính vì vậy, ông xác định giải pháp tạo công ăn việc làm cho người nghèo đến độ tuổi lao động là giải pháp tốt nhất. Thế là cứ mỗi tuần vào chiều thứ 6, ông lại lái xe ghé vào tận thôn đưa từng con em xuống TP Đà Nẵng và Hội An, đích thân dành 2 ngày nghỉ để xin việc phù hợp với từng lứa tuổi, giới tính với thu nhập mỗi tháng từ 2.500.000 đồng đến 4.500.000 đồng. Đến nay sau 2 năm đưa sáng kiến của mình vào thực tiễn, ông đã tạo công ăn việc làm cho 18 lao động là con em các hộ nghèo trong thôn có được công việc phù hợp, thu nhập ổn định.

Ngoài giờ hành chính, ông cũng thường xuyên tìm kiếm, liên lạc với những nhà hảo tâm đưa họ đến những thôn nghèo vùng sâu, vùng xa, nhất là thôn kết nghĩa La Đàng xã Zơ Ngây và thôn Gừng của P’Rao nơi cơ quan đứng chân để cùng chia sẻ những khó khăn với bà con thôn bản. Trong năm 2016 có 7 lượt với 12 đoàn đến thăm hỏi và trao 1.002 xuất quà trị giá 385.400.000đ.

Ông Nguyễn Tấn Trường tâm sự: Phải xuất phát từ tình thương yêu đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ. Phải tận mắt chứng kiến điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại của người dân mới thấy xót xa, chứng kiến điều kiện học tập của con em họ mới thấy thương cảm. Nhưng để đời sống người dân từng bước tiến lên xóa nghèo cần phải kết hợp với hệ thống chính trị các cấp trong việc quan tâm giúp đỡ người dân thì mới có hiệu quả cao và lâu bền. Nhất là trong công tác tư tưởng, vì rào cản phong tục tập quán lạc hậu, thói quen thụ động, truyền thống vùng miền, tư duy nông cạn, suy nghĩ trông chờ ỷ lại… sẽ gây khó khăn nếu đơn phương thực hiện.

Chia tay ông, chia tay Đông Giang vào một ngày cuối năm, cơn mưa phùn bất chợt tạnh hẳn để những tia nắng hiếm hoi phủ khắp núi rừng. Chúng tôi hy vọng với những sáng kiến của ông, sẽ góp phần giúp đồng bào Cơ Tu nơi đây từng bước thoát nghèo bền vững như ý niệm của vị Thẩm phán miền sơn cước này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học tiếng Cơ Tu để phục vụ đồng bào