Nhiều năm nay, hàng trăm học sinh ở một số trường học trên địa bàn xã Nga Tân (huyện Nga sơn, Thanh Hóa) phải “oằn mình” đóng tiền tu sửa cơ sở vật chất cho cả nhà trường và UBND xã.
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh trên địa bàn xã Nga Tân, từ năm học 2015-2016 đến nay, các trường từ mầm non đến THCS đều thông báo đến tất cả học sinh phải đóng tiền gọi là “tu sửa nhỏ hàng năm” cho UBND xã, với mức đóng góp từ 200.000 - 400.000 đồng/học sinh. Nhiều gia đình nghèo lâm vào cảnh khốn đốn vì lo tiền đóng học cho con.
“Xã Nga Tân thuộc diện xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, thế nhưng tiền đóng góp cho các nhà trường năm nào cũng cao ngất ngưởng, thậm chí còn cao hơn các xã khác. Nếu gia đình nào có 1 cháu đi học, thì có thể cố gắng xoay xở được. Nhưng như gia đình tôi, cùng một lúc 3 cháu đều đóng tiền xây dựng trường cho xã thì số tiền đó cũng không phải nhỏ. Thật là quá sức đối với người nông dân nghèo như chúng tôi”, một phụ huynh có 3 con đang học ở cả 3 cấp cho biết.
Bà Mai Thị Phú, Hiệu trưởng Trường mầm non Nga Tân trao đổi với PV
Trong năm học 2016 - 2017, Trường mầm non Nga Tân thông báo cho mỗi phụ huynh học sinh đóng góp 400.000 đồng để “nộp” về UBND xã để xây dựng, sửa chữa các công trình của trường, còn học sinh trường THCS Nga Tân thì tiếp tục đóng 200.000 đồng để xã thanh toán công nợ cũ.
Đến năm học 2017 - 2018 này, cả 2 cấp mầm non và THCS tiếp tục yêu cầu mỗi phụ huynh đóng góp thêm 200.000 đồng nộp về cho xã.
Không những thế, nhiều phụ huynh còn bức xúc khi các khoản đóng góp đầu năm học mới không được công khai, minh bạch mà giáo viên chủ nhiệm chỉ đọc cho phụ huynh nghe, ai nhớ được thì nhớ.
Một phụ huynh có con đang học lớp 4 tuổi ở Trường mầm non Nga Tân bức xúc nói: “Năm nào tôi cũng phải đóng tiền học cho con hơn 3 triệu đồng. Không chỉ đóng góp xã hội hóa giáo dục ở trường mà còn phải đóng góp cả cho xã nữa. Năm học nào nhà trường cũng thu 200.000 đồng nói là nộp về cho xã để trả nợ tiền công trình. Xã nợ những gì mà nợ lắm thế”.
Trao đổi với PV Báo Công lý về vấn đề trên, bà Mai Thị Phú, Hiệu trưởng trường Mầm non Nga Tân lại phủ nhận hoàn toàn việc nhà trường “thu hộ” tiền tu sửa cơ sở vật chật cho UBND xã. “Phụ huynh đóng góp 400.000 đồng tiền tu sửa cơ sở vật chất trong năm học trước là do Ban đại diện cha mẹ phụ huynh tự kêu gọi xã hội hóa giáo dục và tự đứng ra xây dựng, sửa chữa các công trình cho nhà trường, nhà trường không thu nên không hay biết về việc này”, bà Phú khẳng định.
Về việc phụ huynh phải đóng góp tổng số tiền hơn 3 triệu đồng trong năm học 2017 - 2018 (bao gồm cả khoản “thu hộ” cho xã), bà Phú phủ nhận: “Năm học này nhà trường có nhận được thông báo của UBND xã về việc thu tiền tu sửa cơ sở vật chất nộp về cho xã, nhưng trường không triển khai thu. Tổng số tiền phụ huynh lớp 5 tuổi đóng góp mức cao nhất cũng chỉ khoảng 2,4 triệu đồng, không phải trên 3 triệu đồng như phụ huynh phản ánh”.