Để có thể hoàn thành kế hoạch học xong chương trình lớp 12 trước Tết âm lịch, nhiều học sinh lớp 12 phải tăng tốc để học. Theo chia sẻ của một số em, năm nay có thêm chương trình lớp 10 nữa nên áp lực sẽ cao hơn nhiều so với các năm trước.
Lên dịch học từ đầu
Theo chia sẻ của nữ sinh Phạm Thùy Dương (học sinh lớp 12A6, trường THPT Mỹ Hào, Hưng Yên): “Để vào được ngôi trường như ý của mình, ngoài việc chăm chỉ em phải có kế hoạch hoạch thật tốt. Đặc biệt, năm nay có thêm chương trình lớp 10 vào đề thi THPT quốc gia nữa chính vì vậy chúng em càng phải cận trọng và phân bố thời gian ôn tập hợp lý để học”.
Ảnh minh họa. Ngô Chuyên.
Được biết, hiện Thùy Dương lên kế hoạch trước Tết phải hoàn thành kiến thức lớp 12, sau đó sẽ ôn luyện các dạng đề thi. “Hiện tại, em đã sưu tầm được khá nhiều đề khảo sát và đề thi chính thức của các năm trước. Nếu mà không có kế hoạch học tập sẽ rất khó khăn ôn luyện trước lượng kiến thức của cả 3 lớp THPT”, Thùy Dương nói.
Đề thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD-ĐT sẽ ra trong chương trình THPT bởi vậy, khiến không ít học sinh áp lực khi phải “căng sức” ra ôn luyện các bài của lớp dưới. Cũng giống như Thùy Dương, Lưu Thị Ngọc Liên (học sinh lớp 12A4, trường THPT Mỹ Hào – Hưng Yên) cho biết, em cũng đang làm song song 2 việc là vừa học kiến thức lớp 12, vừa ôn luyện kiến thức của lớp 10 và 11.
“Đối với những kiến thức lớp 10 và lớp 11 em đã học qua rồi nên sẽ mất ít thời gian hơn để ôn tập lại. Tuy nhiên, do phải vừa tiếp nhận kiến thức mới vừa ôn tập kiến thức cũ nên thời gian rảnh của em không có nhiều. Việc ôn lại những kiến thức cũ phải tiến hành thường xuyên và liên tục để thành thói quen. Nếu gần thi mới ôn lại thì sẽ rất khó nhớ được hết”, Ngọc Liên chia sẻ.
Theo chia sẻ của nhiều học sinh, để vào một ngôi trường tốt các bạn đã phải lên kế hoạch học từ khi vào cấp 3. Ảnh Ngô Chuyên.
Kỳ thi không phục vụ 2 trong 1
Cũng liên quan đến vấn đề tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019, tại phiên giải trình với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ngày 24/9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục được giữ ổn định với các nội dung cơ bản như: Nội dung thi, đề thi sẽ tiếp tục được xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Về các bài thi, môn thi: Trong các năm 2019 và 2020, việc tổ chức các bài thi được giữ ổn định như năm 2017; từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế từng bước phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể thí điểm tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.
Trước mắt, để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD-ĐT chỉ đạo toàn ngành tập trung rà soát, đánh giá nghiêm túc, xử lý kịp thời những tiêu cực và hạn chế bất cập xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để rút kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo tổ chức thi vào các năm 2019 và 2020.
“Kỳ thi tới đây sẽ không phải phục vụ đồng thời cho 2 mục đích, mà phục vụ cho đổi mới chương trình THPT quốc gia. Bộ sẽ cải tiến kỳ thi tốt hơn và vẫn bảo lưu quan điểm cần phải duy trì kỳ thi quốc gia. Kỳ thi vừa rồi giảm rất nhiều áp lực và giảm tốn kém. Quá trình đổi mới kỳ thi là cải tiến chứ không phải mỗi năm một kiểu. Ba năm gần đây, kỳ thi đã ổn định nhưng mỗi năm phải có cải tiến về kỹ thuật”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.