Chưa đầy 2 tháng nữa, học sinh lớp 12 cả nước bước vào kỳ vượt vũ môn quan trọng. Thời điểm này là lúc nhìn lại tổng thế kiến thức đang có, tập trung ôn tập những phần còn yếu.
Với kinh nghiệm trong nghề gần 20 năm giảng dạy môn Ngữ văn, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đức (giáo viên trường THPT Chuyên Hà Tĩnh thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: “Thời gian không còn để ôn tập, đến giai đoạn này lượng kiến thức cũng như kỹ năng làm bài các thầy cô ở trường đã truyền tải hết cho học sinh chính vì vậy học sinh cần có một phương pháp học hiệu quả cho giai đoạn nước rút”.
Theo kinh nghiệm của thầy Đức, thời điểm này thầy thường hướng dẫn học sinh của mình tóm tắt, sơ đồ hóa để nắm vững kiến thức cơ bản về các tác giả, tác phẩm trong chương trình.
“Bên cạnh đó, tôi cũng hướng dẫn các em phân bố thời gian xem lại các dạng đề văn đã học, tập trung thời gian luyện các dạng đề thi thử, để các em vừa rèn luyện được kỹ năng làm bài, biết phân bố thời gian làm bài đồng thời đồng thời làm quen với những dạng đề thi để có thể ứng phó với những thay đổi trong đề thi”, thầy Đức cho hay.
Giai đoạn này là giai đoạn quan trọng để học sinh thể hiện năng lực cũng như khả năng bứt phá của mình. ẢNH HN.
Đặc biệt quá trình thực hành luyện đề giúp các em ôn tập, nắm vững kiến thức các bài khái quát và một số kiến thức lí luận văn học cần thiết như vậy sẽ thấy được những lỗ hổng kiến thức nào mình đang còn thiếu, hạn chế nhanh chóng kịp thời bổ sung vào bài làm.
Theo thầy Đức, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, muốn lấy được điểm cao trước hết cần phải có kiến thức vững vàng, kỹ năng làm bài nhuần nhuyễn. Quá trình học ngoài học lý thuyết cần rèn luyện kỹ năng thực hành nhiều, đặc biệt là cách viết cũng như dẫn dắt vấn đề logic, hấp dẫn. Làm bài theo đúng kỹ năng đã học, không trả lời theo kiểu tùy hứng, lan man không đúng trọng tâm của đề bài.
Ngoài ra, một yếu tố để làm tốt môn Ngữ văn nữa mà người làm bài phải biết đó là phân bố thời gian hợp lý, mỗi câu tùy vào mức độ điểm để dành thời gian không nên quá tập trung thời gian cho một câu ảnh hưởng đến quá trình làm bài các câu khác.
Thời gian từ nay đến thời điểm thi chỉ được tính bằng ngày chính vì vậy theo thầy Đức “Các em nên dành thời gian xem lại bài, nghiền ngẫm những kiến thức, kỹ năng đã học. Rèn luyện thực hành thật nhiều, đừng chạy theo phong trào cũng như không cần thiết phải đến các lò luyện”.
Hầu như môn Ngữ văn các thầy cô trên lớp đã truyền đạt cho các em lượng kiến thức tương đối. Những kỹ năng, cũng như phương pháp làm đề cũng vậy. Mặt khác các lò luyện thi thời điểm này rất đông người, khó tập trung trong việc học. Hơn nữa, thành hay bại là do mình không lệ thuộc lò luyện thi.