Giáo dục

Học sinh hào hứng tìm hiểu Tết xưa và nay

Kim Sáng 22/01/2024 22:28

Gần 2.000 học sinh tham dự tọa đàm với chuyên đề vinh danh văn hóa “Tục xưa Tết nay”. Qua đó, các em có cơ hội hiểu thêm về các phong tục Tết của dân tộc Việt Nam.

Chương trình tọa đàm với chuyên đề vinh danh văn hóa “Tục xưa Tết nay” là hoạt động ý nghĩa do Câu lạc bộ Vinh danh văn hóa Nam Bộ tổ chức nhằm khơi dậy các giá trị văn hoá, giúp thế hệ trẻ thêm yêu dân tộc.

Theo diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, Tết Nguyên đán không chỉ là dịp để sum họp gia đình mà còn là thời khắc quan trọng để tôn vinh công đức tổ tiên, gắn kết cộng đồng và truyền thống văn hóa qua các tập tục đặc trưng.

truong-nguyen-du-13-.jpg
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang chia sẻ về Sự tích Quả dưa hấu.

Một trong những giá trị quan trọng của Tết là sự gắn kết tình thân gia đình. Việc chung tay chuẩn bị cho một cái Tết trọn vẹn, từ việc cùng nhau làm lễ cúng ông Công, ông Táo, thắp hương tổ tiên cho đến việc chúc Tết, mừng tuổi và cùng quây quần thưởng thức những món ăn truyền thống tạo nên một không khí ấm áp, yên bình và hạnh phúc. Đồng thời, gởi gắm ước mơ về một năm mới bình an và thịnh vượng.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang chia sẻ, dân tộc Việt Nam ta có nền văn hóa nông nghiệp lâu đời, trong quá trình tiếp cận thiên nhiên và ứng xử cộng đồng đã rút ra nhiều bài học cao quý, cũng như có thêm nhiều kinh nghiệm vốn sống hướng về chân - thiện - mỹ.

truong-nguyen-du-2-.jpg
Các nghệ sĩ biểu diễn tại chương trình.

"Những giá trị nhân văn về nguồn cội, tình yêu thương, tình đoàn kết, tinh thần lạc quan, niềm tin về một tương lai xán lạn mỗi khi Tết đến xuân về đã tạo nên sự đặc trưng của từng vùng miền", diễn giả Hồ Nhựt Quang nói.

Tuy nhiên, theo diễn giả Hồ Nhựt Quang, Tết ở các vùng miền có những điểm chung như cúng gà để nguyên con nhằm thể hiện 5 giá trị đạo đức: Mào gà đỏ chót tượng trưng cho văn, móng gà sắt nhọn tượng trưng cho võ, khi chiến đấu thì gà rất anh dũng, khi có gì ăn thì rất có nghĩa nên kêu to cho đồng loại cùng ăn, gà giữ chữ tín bằng cách báo thức mỗi buổi sáng.

truong-nguyen-du-15-(1).jpg
Học sinh hào hứng với các hoạt động mang đậm giá trị truyền thống của dân tộc.

Hay bánh chưng, bánh dày, bánh ích, bánh tét không chỉ là món ăn, mà ẩn sâu trong đó là tinh thần nhân ái của “lạt mềm buộc chặt”, “lá lành đùm lá rách”…

Tuy buổi tọa đàm chỉ diễn ra vỏn vẹn 90 phút nhưng diễn giả Hồ Nhựt Quang đã dẫn dắt các em học sinh vào không gian văn hóa Việt và không khí ngày Tết Nguyên đán thật ấm cúng.

Ông cũng giúp các em hiểu rằng, cuộc sống dù có phát triển hiện đại như thế nào thì trong những ngày Tết chúng ta luôn nhớ về nhà mình, nơi có ông bà, cha mẹ, anh chị em sum vầy bên nhau.

"Dù chúng ta có thành công hay chưa thành công thì đến Tết, chúng ta hãy trở về bên những người thân yêu để cùng chia sẻ yêu thương và tìm thấy động lực cho tương lai", diễn giả Hồ Nhựt Quang khuyên các em học sinh.

truong-nguyen-du-7-.jpg
Chương trình toạ đàm được tổ chức tại trường THPT Nguyễn Du, quận 10 vào ngày 22/1.

Cũng tại chương trình, các em được thưởng thức nghệ thuật cải lương qua tác phẩm Thương Tết quê nhà, hoạt cảnh Tết nguồn cội...

Đặc biệt, các em được tham gia vào vở diễn Sự tích Quả dưa hấu (tác giả Hồ Nhựt Quang), qua đây các em có cơ hội hiểu hơn giá trị bàn tay lao động, tinh thần cần cù, sáng tạo của ông tổ trồng dưa thời cổ đại của Việt Nam.

Cô Nguyễn Thị Lan Hương – Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM chia sẻ, nhà trường luôn muốn giáo dục học sinh biết yêu quý và giữ gìn những nét đẹp giản dị mà thân thương của dân tộc Việt Nam như nấu bánh chưng, bánh tét; chưng dưa hấu, hoa vạn thọ; thắp nén nhang trầm mời ông bà tổ tiên về ăn Tết.

Theo cô, từ các hoạt động trên, thế hệ trẻ sẽ ghi nhớ công ơn của thế hệ đi trước và truyền lại cho con cháu mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học sinh hào hứng tìm hiểu Tết xưa và nay