Người vợ mệt mỏi với khối công việc ở cơ quan, việc nhà...những bữa ăn gia đình trở nên ít hơn. Thậm chí, vì mải mê giảm béo, giảm cân, có bà vợ còn làm đẹp quên ăn, phó mặc bữa cơm cho chồng...
Con đường ngắn nhất đến trái tim người đàn ông là đi qua... dạ dày. Chàng trai tìm cách làm quen với người con gái mình thích, rồi từ đó dễ bề bày tỏ tình cảm, cũng thông qua... ăn uống. Và khi đã nên vợ nên chồng, bữa ăn chính là một trong những yếu tố gắn kết, tạo nên sợ dây tình cảm, là nghệ thuật vun đắp cho hạnh phúc gia đình.
“Gia đình”, theo triết học Mác - Lênin, là một hình ảnh “xã hội thu nhỏ”, cơ bản nhất của xã hội, là nhân tố tồn tại và phát triển của xã hội... Gia đình như một tế bào tự nhiên, là đơn vị nhỏ nhất, và có vai trò vô cùng quan trọng để kiến tạo nên xã hội. Vì thế, muốn xã hội tốt đẹp, thì mỗi tế bào gia đình trong đó phải tốt đẹp!
Vậy, thế nào là gia đình tốt? Đó phải là tổ ấm mang lại các giá trị hạnh phúc, sự hài hòa trong đời sống của mỗi thành viên - mỗi công dân tốt của xã hội. Thế nhưng, muốn có những công dân tốt thì hạnh phúc gia đình chính là tiền đề để hình thành nên nhân cách ấy.
Vậy hạnh phúc gia đình là gì, và làm thế nào để có hạnh phúc gia đình?
Bữa cơm gia đình có đủ ông bà, bố mẹ, con cháu đầm ấm và hạnh phúc. Ảnh minh họa
Hạnh phúc gia đình đến từ bữa ăn
Hạnh phúc gia đình là một phạm trù tưởng chừng khá trừu tượng, không thể lượng hóa, song lại là thứ mà mỗi người đều có thể tìm thấy, cảm nhận được khi cùng nhau bước qua thăng trầm dâu bể của cuộc đời. Hạnh phúc gia đình thường được mô tả bằng những từ thật đẹp đẽ, được thể hiện qua những giá trị đạo đức rất đáng trân trọng như tình yêu, lòng chung thuỷ, tình nghĩa vợ chồng, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái, sự quý trọng, hiếu thảo của con cháu với ông bà, cha mẹ... Có người cả đời kiếm tìm vẫn lắc đầu không cảm nhận được hạnh phúc thực sự là gì. Có người mỗi buổi sáng thức dậy là lòng phơi phới, niềm vui hạnh phúc trào dâng.
Bữa cơm gia đình mang là sợi dây gắn kết tình cảm giữa những thành viên trong gia đình. Ảnh minh họa
Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Năm 2016, kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa về bữa cơm gia đình, những phút giây sum họp của mọi gia đình Việt Nam bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc; đồng thời nêu cao những giá trị vô giá của tình cảm gia đình… |
Gia đình hạnh phúc là khi cùng nhau chăm sóc những đứa con, dắt chúng tập đi và nhìn chúng bước trên con đường đời mà chúng chọn. Hay, hạnh phúc gia đình, trong ca dao xưa, đơn giản chỉ là: “Râu tôm nấu với ruột bầu / Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon”.
Hạnh phúc là hai chữ thiêng liêng mà mỗi thành viên trong gia đình cố gắng hướng đến, vun đắp và giữ gìn. Với chị Hoàng Ngọc Đồng An, 39 tuổi, người gốc Huế, lấy chồng Thụy Sỹ, hạnh phúc chính là được “nhìn những người mình yêu thương ăn uống ngon miệng”.
Có vẻ khó tin, nhưng chị An từng là người rất ghét nấu ăn, và nấu món nào cũng bị chê, dù chỉ là món đơn giản nhất. Thế nhưng, bằng tình yêu, sự sẻ chia của chồng, cùng quyết tâm chinh phục gia đình chồng, chị An đã mê hoặc họ bằng chính những món ăn Việt do tự tay mình chế biến.
Trong một bài báo trên VnExpress, chị An chia sẻ, gia đình chồng chị bây giờ có thể ăn như người Việt Nam. “Họ ngày càng yêu thích những món Việt và có thể ăn tất cả các món mà tôi nấu. Mẹ chồng và em chồng mình rất mê các món Việt nên mỗi tuần được mời đến nhà dùng bữa, họ rất hào hứng”.
Nguy cơ tan vỡ gia đình cũng đến từ... bữa ăn
Chị Hoàng Ngọc Đồng An cũng cho biết, thấy cả nhà hứng thú với ẩm thực Việt, vậy nên, dù có những món khá cầu kỳ và đòi hỏi nhiều thời gian, chị vẫn cố gắng nấu cho cả nhà cùng thưởng thức. Nói vậy để thấy, hạnh phúc gia đình không chỉ đến từ đường ăn nết ở, từ cách đối nhân xử thế với mỗi thành viên trong gia đình, mà chính những bữa cơm giản dị, ấm cúng hàng ngày có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đắp xây tổ ấm.
Bữa ăn gia đình là một trong những yếu tố gắn kết, tạo nên tình cảm, sự sẻ chia, thậm chí là một nghệ thuật tạo nên hạnh phúc cho một mái ấm. Thế nhưng, trong nền kinh tế thị trường thời mở cửa, bữa cơm gia đình, nhất là trong các gia đình trẻ có vẻ như bị “xem nhẹ”. Sự giản tiện, ăn qua loa cho xong bữa dần dần ăn sâu vào nếp nghĩ, và cuối cùng, nhà - đối với họ - giống một nơi trú chân, nơi ngủ nghỉ, hơn là một gia đình.
Người vợ mệt mỏi với khối công việc ở cơ quan, việc nhà, cùng hàng trăm thứ việc không tên khác, những bữa ăn gia đình trở nên ít hơn. Thậm chí, vì mải mê giảm béo, giảm cân, có bà vợ còn làm đẹp quên ăn, phó mặc bữa cơm cho chồng.
Người chồng cám cảnh bếp nhà nguội lạnh, tìm đến “phở” giải khuây, được “phở” chăm sóc, được “phở” yêu thương... Gia đình ly hôn, con cái tan đàn xẻ nghé là điều hoàn toàn có thể xảy đến.
Bữa cơm một gia đình trẻ thường thấy hiện nay.
“Học ăn”, học giữ gìn hạnh phúc gia đình
Bữa cơm gia đình, đối với một cựu du học sinh như chị Hương Giang (ở Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội) là: “Tâm lý nói chung của tất cả những du học sinh xa nhà là đều nhớ về bữa cơm gia đình. Hamberger hay McDonald cũng chỉ là phụ thôi. Còn bữa cơm nóng gia đình nó vẫn luôn luôn nằm trong tâm trí”.
“Có lúc nhớ quá thì lại tìm chỗ bán đồ Việt Nam, dù rất đắt, để mua về nấu; hoặc là rủ nhau cùng góp đồ rồi sau đó nấu nướng, có khi còn làm hẳn một bữa tiệc kiểu Việt. Thậm chí có đứa còn giấu cả mắm tôm, nước mắm trong va-li để mang sang nữa cơ”, chị Giang kể về quãng thời gian đáng nhớ của mình khi còn là du học sinh chuyên ngành truyền thông (từ năm 2012 - 2015) tại Singapore.
Bữa cơm gia đình chính là nơi để những các thành viên cùng thể hiện tình yêu thương và vun trồng hạnh phúc. Những câu chuyện vui, những tiếng cười giòn trong mỗi bữa cơm vừa giúp mọi người xua tan mệt nhọc, lại như những viên gạch đắp xây nên hạnh phúc gia đình.
Bữa cơm gia đình thiếu vắng người chồng, làm sao nuốt nổi... Ảnh minh họa
Còn, bữa ăn của gia đình ly thân, ly hôn, theo nhà văn Ngô Quang Hưng, “chắc sẽ không khỏi giật mình bởi “con vắng cha ăn cơm với cá”, “con vắng mẹ liếm lá ngoài đường”. Những bài học từ việc “chém to kho mặn”, “giận cá chém thớt”, “ăn to nói lớn”, “phàm ăn tục uống”… cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị trong nếp sống văn hóa gia đình”.
Bữa cơm gia đình cũng là nơi thể hiện nét văn hóa, để ông bà, bố mẹ dạy con cháu biết “Học ăn - Học nói - Học gói - Học mở”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng’’... biết thêm những đạo nghĩa ở đời. Một bữa cơm gia đình bình thường với đầy đủ các thành viên bao giờ cũng đem lại niềm vui, tiếng cười cho mỗi người, đặc biệt là con trẻ. Vì thế, giữ được nền nếp cho những bữa ăn gia đình cũng là giữ được nếp nhà.
Người Việt quả là có một văn hóa ăn uống đặc thù, một mặt mang tính tổng hợp rất cao trong chế biến, thụ hưởng, mặt khác, mang tính cộng đồng rất mạnh trong ứng xử văn hóa quanh mâm cơm. Ăn là văn hóa, là thú vui, là sự sung sướng trong giao tiếp quanh mâm cơm, quanh bàn tiệc, nên ăn uống phải có ý tứ lắm: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, phải biết trông trước trông sau mà “liệu cơm gắp mắm”. Thế nên, một bữa cơm ngon của người Việt, trước hết phải ngon về quan hệ, ăn với người nhà đã đành là yêu mến, nhưng ăn với người ngoài phải là những bạn hiền, thức ăn ngon, thời tiết thuận, chỗ ăn sạch sẽ, bát đũa đồ ăn nấu nướng ngon lành, không khí ăn thân mật vui vẻ, chuyện nở như cơm gạo vàng. Bởi thế, chỉ có “râu tôm nấu với ruột bầu” thôi, mà “chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”… (Trích Nét văn hóa thuần Việt trong bữa cơm gia đình - TS. Nguyễn Thị Minh Thái) |