Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm

VPC| 01/03/2019 11:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên họp ngày 11/1/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thống nhất thông qua Nghị quyết số 01/2019/NQ- HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm (gọi tắt là Nghị quyết). Sau đây là một số nội dung mới của NQ.

 Sau đây là một số nội dung mới của Nghị quyết:

Về việc áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng được xác lập trước ngày 1/1/2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 bắt đầu có hiệu lực)

Theo quy định của điểm b Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đối vớigiao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, nếu theo quy định nêu trên thì tất cả những hợp đồng đang thực hiện mà giao kết trước ngày 1/1/2017, nếu thoả thuận về lãi suất phù hợp với quy định tạiĐiều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 (dưới 20%) thìáp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, trong trường hợp hợp đồng giao kết trước ngày 1/1/2017 có thoả thuận về lãisuất là 15%, như vậy thoả thuận lãi suất nêu trên phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 nhưng lạicao hơn mức lãi suất được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 (thoả thuận lãi suất trong hợp đồng đã trái pháp luật ngay từ khi giao kết). 

Điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết đã cụ thể hoá việc áp dụng pháp luật theo từng giai đoạn như sau:

Hợp đồng đang được thực hiện mà lãi, lãi suất phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc áp dụng pháp luật để xác định lãi, lãi suất như sau:

 Đối với khoảng thời gian trước ngày 1/1/2006 thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995, Nghị quyết ngày 28/10/1995 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn áp dụng Bộ luật Dân sự năm 1995.

Đối với khoảng thời gian từ ngày 1/1/2006 đến trước ngày 1/1/2017 thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, Nghị quyết số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Dân sự và văn bản quy phạm pháp luậtquy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005.

Đối với khoảng thời gian từ ngày 1/1/2017 thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và văn bản quy phạm pháp luậtquy định chi tiết, hướng dẫn áp dụngBộ luật Dân sự năm 2015.

Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm

Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TANDTC

Áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng tại Toà án (Điều 7 Nghị quyết)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. “Luật khác có liên quan quy định khácquy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 được hiểu là luật chuyên ngành điều chỉnh một lĩnh vực cụ thể có quy định khác về lãi suất.

Trong khi đó khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụngnăm 2017 quy địnhTổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thoả thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”. “Theo quy định của pháp luật” quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng được hiểu bao gồm cả Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định về lãi suất.

Do đó, việc áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự hay Luật Các tổ chức tín dụng để xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng khi giải quyết tranh chấp tại Toà án còn chưa thống nhất. Do đó, Nghị quyết ra đời đã hướng dẫn cụ thể trong việc áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, cụ thể là:“Tòa án áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định lãi, lãi suất.Lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng do các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất.”

Về xử lý thoả thuận về lãi, lãi suất cao hơn mức lãi, lãi suất được pháp luật quy định (Điều 9 Nghị quyết)

Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự quy định:“Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Như vậy, đối với thoả thuận về lãi, lãi suất trong hợp đồng nếu cao hơn mức lãi suất pháp luật quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự thì phần vượt quá sẽ không có hiệu lực. Trong trường hợp này khi giải quyết tranh chấp Tòa án phải trả lại số tiền vượt quá cho bên vay sau khi đã trừ vào số tiền nợ gốc, tuy nhiên trên thực tế việc xử lý số tiền vượt quá này hiện nay đang chưa thống nhất. Nghị quyết đã đưa ra hướng dẫn cụ thể trong trường hợp này như sau: “Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận về lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn cao hơn mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn được pháp luật quy định thì mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn vượt quá không có hiệu lực; số tiền lãi đã trả vượt quá mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn quy định được trừ vào số tiền nợ gốc tại thời điểm trả lãi; số tiền lãi đã trả vượt quá còn lại sau khi đã trừ hết nợ gốc thì được trả lại cho bên vay”.

Về xác định lãi suất trung bình quy định tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005 (Điều 11 Nghị quyết)

Theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 thì “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Tuy nhiên quy định này còn có cách hiểu và áp dụng không thống nhất do không biết “lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường” là bao nhiêu. Án lệ số 09/2016/AL đã đưa ra hướng xử lý “Toà án cần lấy mức lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất ba ngân hàng tại địa phương (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam…) để tính lại tiền lãi do chậm thanh toán cho đúng quy định của pháp luật”. Kế thừa hướng dẫn của Án lệ số 09/2016/AL, Nghị quyết đã hướng dẫn cụ thể quy định nêu trên như sau: “Trường hợp hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005 thì khi xác định lãi suất chậm trả đối với số tiền chậm trả, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,...) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả,trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

 Về quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án (Điều 13 Nghị quyết)

Nguyên tắc của pháp luật dân sự là tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Do đó, khi giải quyết tranh chấp, Tòa án phải quyết định nghĩa vụ của các bên căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng hoặc quy định của pháp luật về nghĩa vụ trả lãi, lãi suất. Trường hợp các bên đã thỏa thuận về lãi, lãi suất trong hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật thì các thỏa thuận về lãi, lãi suất đó phải được tôn trọng và áp dụng thống nhất, liên tục, không gián đoạn cho đến khi thanh toán xong, hạn chế việc bên có nghĩa vụ về tài sản cố tình vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận trước đó. Hiện nay, khi giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án thì Toà án phải quyết định trong bản án hoặc quyết định nghĩa vụ trả lãi sau khi có bản án, quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, việc Tòa án quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án theo mức lãi suất nào và tính lãi từ thời điểm nào thì giữa các Thẩm phán còn chưa thống nhất. Nghị quyếtđãđưa ra một hướng dẫn thống nhất như sau:

1. Khi giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án thì Toà án phải quyết định trong bản án hoặc quyết định (Phần quyết định) như sau:

a) Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468của Bộ luật Dân sự năm 2015.

b) Đối với trường hợp khoản tiền phải thu nộp vào ngân sách Nhà nước mà pháp luật có quy định nghĩa vụ trả lãi; hoặc khoản tiền bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; hoặc trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ về tài sản trong hoặc ngoài hợp đồng khác mà các bên không thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. “Mức lãi suất hai bên thỏa thuận” hướng dẫn tại khoản 1 điều này là mức lãi suất nợ quá hạn các bên thỏa thuận trong hợp đồng hoặc tại Tòa án. Trường hợp, các bên không có thỏa thuận về mức lãi suất nợ quá hạn thì mức lãi suất nợ quá hạn bằng 150% mức lãi suất trong hạn.”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm