ĐBQH Đào Tú Hoa: Có biết bao cán bộ Tòa án nhiệt huyết,ngày đêm thầm lặng, miệt mài phấn đấu vì công lý

Nguyên Bình (Thực hiện)| 26/01/2020 07:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đào Tú Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ TANDTC đã chia sẻ nội dung trên với Báo Công lý về công tác cán bộ TAND dịp năm mới.

Phóng viên: Là đại biểu Quốc hội công tác trong ngành Tòa án, bà có đánh giá như thế nào về công tác Tòa án năm 2019?

ĐBQH Đào Tú Hoa: Từ khi giao Tòa án thực hiện quyền tư pháp và được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013, cả hệ thống chính trị đã chung tay hỗ trợ rất nhiều cho Tòa án thực hiện nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Bên cạnh đó, tự thân hệ thống Tòa án cũng đã nỗ lực rất nhiều để ngày càng đủ tầm, đủ sức thực hiện quyền thiêng liêng cao cả này.

Năm 2019, trong bối cảnh tình hình tội phạm tuy được kiềm chế nhưng còn diễn biến phức tạp, số lượng các loại vụ việc mà Tòa án phải thụ lý giải quyết tiếp tục gia tăng, đã xuất hiện những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới có tính chất xuyên quốc gia, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn gia tăng về số lượng với tính chất gay gắt và phức tạp, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với các Tòa án là rất nặng nề, cùng với rất nhiều khó khăn.

 Do đó, những kết quả và những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác mà cán bộ, công chức, viên chức trong các Tòa án đã nỗ lực phấn đấu đạt được là rất đáng trân trọng. Báo cáo công tác của ngành Tòa án do Chánh án TANDTC trình bày tại Quốc hội cũng đã đánh giá cụ thể.

ĐBQH Đào Tú Hoa: Có biết bao cán bộ Tòa án nhiệt huyết,ngày đêm thầm lặng, miệt mài phấn đấu vì công lý

Đại biểu Quốc hội Đào Tú Hoa

Năm 2019, các Tòa án đã tổ chức giải quyết, xét xử đạt tỷ lệ 80%, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào kết án oan người không có tội; đã chú trọng đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án điểm được dư luận xã hội quan tâm; giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu của các Nghị quyết của Quốc hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phóng viên: Theo bà, giải pháp nào để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức Tòa án? Giải pháp nào là điểm nhấn trong năm qua?

ĐBQH Đào Tú Hoa: Việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác thuộc thẩm quyền là kết quả TAND các cấp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới quyết liệt với chủ đề hành động là “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”. Trong đó, có nhiều giải pháp thể hiện sự chủ động, sáng tạo để nâng cao chất lượng công tác, chất lượng cán bộ, công chức đã được nêu tại báo cáo của Chánh án TANDTC.

Tôi xin đơn cử một giải pháp là tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ bằng hình thức trực tuyến. Định kỳ vào ngày thứ Hai tuần cuối cùng hàng tháng, hội nghị tập huấn theo các chuyên đề được tổ chức tại điểm cầu trung tâm là TANDTC, kết nối với gần 800 điểm cầu và hơn 10.000 Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trên cả nước. Giảng viên là các chuyên gia, giáo sư trong nước và quốc tế, là Hội đồng Thẩm phán, Chánh án TANDTC trực tiếp hướng dẫn, áp dụng pháp luật trao đổi nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc trong thực tiễn xét xử.

 Phương pháp làm việc được thay đổi từ thuyết trình sang đối thoại, từ truyền đạt sang trang bị kỹ năng giải quyết công việc; những người tham dự tập huấn không còn thụ động mà phải tập trung tư duy và tham gia quá trình trao đổi, đối thoại, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, thống nhất áp dụng pháp luật và rút kinh nghiệm ngay những sai sót. Đó là những bài học quý báu giúp Thẩm phán, công chức đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng công tác xét xử các loại vụ án và giải quyết những công việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, nhiều Thẩm phán xin nghỉ việc vì áp lực công việc quá lớn. Là lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, bà nắm bắt tình hình này như thế nào?

ĐBQH ĐàoTú Hoa: Với áp lực ngày càng lớn, khối lượng công việc quá nhiều, tính chất thì ngày càng phức tạp và trách nhiệm đòi hỏi ngày càng cao nhưng chế độ đãi ngộ đối với công chức Tòa án nói chung và nhất là Thẩm phán rất thấp và bất cập nên nhiều công chức, Thẩm phán đã xin thôi việc. Thống kê cho thấy, trong hơn 10 tháng gần đây đã có 51 Thẩm phán xin thôi việc.

Thực tiễn, số lượng các loại vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tăng hằng năm, trong khi đó, số lượng biên chế 15.237 người được UBTVQH phân bổ từ năm 2012. Tại thời điểm đó, Tòa án các cấp chỉ phải giải quyết hơn 303.848 vụ việc/năm nhưng đến nay, số lượng vụ việc phải giải quyết tăng gấp đôi. Theo diễn biến số lượng các loại vụ việc sẽ tiếp tục tăng, đồng thời thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2021 phải thực hiện tinh giản tối thiểu 10% đội ngũ cán bộ.

TAND các cấp đã nghiêm túc và cố gắng thực hiện tinh giản được 1.336 người, bằng 8,8% và còn phải tiếp tục giảm. Theo định mức xét xử để tính định biên từ 4 đến 5 vụ/Thẩm phán/tháng. Nhưng thực tế, mỗi Thẩm phán phải giải quyết từ 9 đến 10 vụ/tháng, có nhiều Tòa án mỗi Thẩm phán phải giải quyết hơn 10 vụ/tháng.

Hơn nữa, có rất nhiều vụ án lớn, trọng điểm được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Có nhiều vụ án phải nghiên cứu hồ sơ, tổ chức xét xử dài ngày, hồ sơ, tài liệu cân nặng hàng tạ với hàng nghìn bút lục cùng với số lượng người tham gia tố tụng trong vụ án lên đến hàng trăm, hàng nghìn người.

Như vậy, mặc dù thẩm quyền được mở rộng và số lượng các loại vụ việc ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp, yêu cầu chất lượng phải nâng cao hơn nữa nhưng biên chế phải giảm như nêu trên đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức viên chức TAND đã gắng sức rồi, đã quá sức rồi nhưng vẫn phải không ngừng cố gắng. Tôi cho rằng, cần có sự cân nhắc thấu đáo về chỉ tiêu tinh giản biên chế đối với ngành Tòa án cũng như các chỉ tiêu xét xử và chế độ tiền lương, phụ cấp đối với công chức Tòa án.

Phóng viên: Vậy bà có suy nghĩ gì trước yêu cầu nhiệm vụ trong những năm tới của ngành Tòa án?

ĐBQH Đào Tú Hoa: Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, mỗi cán bộ, công chức Toà án phải tiếp tục nỗ lực không ngừng, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn. Tôi tin chắc rằng, được sự lãnh đạo, quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, dưới sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của lãnh đạo TANDTC cùng với biết bao Thẩm phán, cán bộ Tòa án nhiệt huyết ngày đêm miệt mài thầm lặng, gồng mình vượt qua khó khăn, phấn đấu vì công lý, ngành Tòa án sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị triển khai công tác TAND các cấp năm 2019: “… các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức TAND đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của các Tòa án ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; góp phần tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển đất nước. Những đóng góp bền bỉ, thầm lặng của các thế hệ cán bộ, Thẩm phán đã làm nên truyền thống tốt đẹp của ngành Tòa án; luôn được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận và trân trọng”.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Đào Tú Hoa: Có biết bao cán bộ Tòa án nhiệt huyết,ngày đêm thầm lặng, miệt mài phấn đấu vì công lý