Hiện nay, nhiều Tòa án đang gặp vướng mắc trong giải quyết vụ án liên quan đến tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 của BLHS 2015. Đây là một trong những nội dung mà các Thẩm phán TANDTC giải đáp, hướng dẫn áp dụng.
Theo quy định tại Điều 201 BLHS 2015, hành vi phạm vào tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự là người cho người khác vay tiền với các dấu hiệu sau:
Mức lãi suất cho vay gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự. Theo điều 468 BLDS 2015, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/ năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác; Người phạm tội đã thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Chỉ được coi là phạm tội này khi người phạm tội thực hiện đầy đủ cả hai dấu hiệu trên.
Với quy định tại Điều 201 BLHS 2015, qua thực tế các vụ án thụ lý hiện nay các Tòa án vướng mắc ở các điểm và đề nghị được giải đáp, cụ thể: Khoản tiền để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi thu được từ việc cho vay hay là khoản tiền lãi thu được sau khi trừ đi tiền lãi theo quy định của BLDS, việc trưng cầu giám định lãi vay, cách xác định tư cách người vay tiền trong tố tụng,…?
Liên quan vấn đề này, Thẩm phán TANDTC Bùi Ngọc Hòa cho biết: Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS thì: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay…”. Do đó, khoản tiền để xác định trách nhiệm hình sự là số tiền sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất theo quy định của BLDS 2015.
Khoản tiền để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay, nếu hành vi cho vay lãi nặng được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
Trường hợp một người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần phạm tội từ 100 triệu đồng trở lên, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
Thẩm phán TANDTC Bùi Ngọc Hòa giải đáp nghiệp vụ xét xử
Về vấn đề khoản tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thu được từ việc cho vay lãi nặng bị tịch thu sung công hay trả lại cho người vay, theo Thẩm phán Bùi Ngọc Hòa: Đây là khoản tiền mà người phạm tội thu lợi bất chính của người vay nên được trả lại cho người vay tiền, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy…) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.
Cách xử lý khoản tiền người phạm tội dùng để cho vay và khoản lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm: Khoản tiền cho vay (tiền gốc) được xác định là phương tiện phạm tội, nên bị tịch thu sung quỹ Nhà nước. Đối với khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm tuy không bị tính khi xác định trách nhiệm hình sự, nhưng đây cũng là khoản tiền phát sinh từ tội phạm, đồng thời hoạt động cho vay lãi nặng thường gắn với các băng nhóm tội phạm. Do dó, để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thì Tòa án phải tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước đối với khoản tiền này.
Để xác định tư cách tham gia tố tụng của người vay tiền trong vụ án, khi thụ lý, xét xử cần căn cứ vào quy định tại Điều 65 của Bộ luật TTHS 2015. Theo đó, thì người vay tiền trong trường hợp này tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Một vấn đề nữa mà các Tòa đang vướng mắc là trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có bắt buộc phải trưng cầu giám định về tiền lãi hay không?
Thẩm phán TANDTC Bùi Ngọc Hòa cho biết: Điều 4 của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 quy định cụ thể những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế. Theo quy định này, việc xác định tiền lãi, tiền lãi nặng trong vụ án này không thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp.