Hoàn thiện khung pháp lý để phòng chống mua bán người, mua bán trẻ em

Phương Nam| 24/10/2018 11:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo các chuyên gia, mặc dù Việt Nam đã xây dựng và ban hành được khung pháp lý cơ bản để phòng chống tình trạng buôn bán người, mua bán trẻ em, tuy nhiên so với tình hình thực tiễn, vẫn cần phải rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật đồng bộ hơn.

Nhằm bảo vệ nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp

Tại phiên giải trình của Uỷ ban Tư pháp về tình hình thực hiện pháp luật về phòng chống mua bán người, giai đoạn 2012 - 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục có chiều hướng phức tạp, không chỉ xảy ra ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới mà đã trải rộng trên phạm vi cả nước, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ, từ năm 2012 – 2017, lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu và tiếp nhận khoảng 7.500 người. Qua điều tra, rà soát cho thấy hơn 90% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em; hơn 80% nạn nhân thuộc các dân tộc thiểu số, trình độ học vấn, nhận thức, tiếp cận thông tin ít hơn và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; hơn 70% nạn nhân làm nông nghiệp hoặc không có việc làm; 37,2% không biết chữ và khoảng 6,8% nạn nhân là người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên. Hơn 98% nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài. Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục (gần 80%).

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận hơn 1.000 tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến mua bán người. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 1.021 vụ án, với 2.035 bị can, chiếm 97,3% số tin báo, tố giác đã tiếp nhận, xử lý.

Tội phạm mua bán người chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn, nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm đã rất khó khăn, kể cả đến khi có tố giác, tin báo về tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không dễ dàng, bởi đa phần các vụ việc, vụ án mua bán người ra nước ngoài xảy ra lâu mới bị phát hiện, đối tượng và nạn nhân ở nước ngoài không thể xác minh; chứng cứ ít, chủ yếu là căn cứ vào lời khai, tin tố giác của bị hại hoặc người nhà nạn nhân.

Hoàn thiện khung pháp lý để phòng chống mua bán người, mua bán trẻ em

Lực lượng chức năng Việt Nam và Trung Quốc thực hiện bàn giao nạn nhân mua bán người qua biên giới 

Việc điều tra tội phạm mua bán người thường tổ chức truy xét, rất ít trường hợp bắt quả tang. Do vậy, đối với các vụ án không thuộc trường hợp phạm tội quả tang thì chỉ khi người bị hại trốn được về và có đơn trình báo, đối tượng và hành vi phạm tội mới bị phát hiện, điều tra. Đối với những vụ án mua bán người, đối tượng thừa nhận hành vi phạm tội, có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng nhưng chưa giải cứu được nạn nhân, tức không có lời khai bị hại, hoặc nạn nhân chưa tố giác, các cơ quan tố tụng cho rằng chưa đủ chứng cứ để khởi tố điều tra và xử lý đối tượng.

Hoàn thiện khung pháp lý

Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 đã quy định khung pháp lý quan trọng làm cơ sở cho công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật, bên cạnh kết quả đã đạt được cũng còn những hạn chế, bất cập.

Luật Phòng, chống mua bán người đã có hiệu lực hơn 6 năm nhưng đến nay có Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật. Các văn bản hướng dẫn một số nội dung của Luật Phòng, chống mua bán người hầu hết được ban hành 5,6 năm nên nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay. Vì vậy, cần đánh giá tác động Luật Phòng, chống mua bán người sau hơn 6 năm có hiệu lực thi hành và đề xuất hướng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, nhất là đối với một số hành vi mới của mua bán người hiện nay.

Bên cạnh đó, Luật Phòng chống mua bán người của nước ta với các nước tiếp giáp còn nhiều điểm khác nhau. Việc bắt giữ, điều tra các vụ án mua bán người rất khó khăn trong tình hình hiện nay. Do đó, cần sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người để thống nhất với Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và quy định cụ thể hơn đối với công tác giải cứu nạn nhân bị mua bán.

Tại Hội thảo "Rà soát, đánh giá chính sách pháp luật và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về" do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức, ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Trưởng phòng Phòng phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm mua bán người (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) cho biết, hiện nay công tác phòng chống mua bán người vẫn còn một số vướng mắc. Trong đó, dù Bộ luật Hình sự 2015 quy định Điều 150 về tội Mua bán người và Điều 151 về tội Mua bán người dưới 16 tuổi, song đến nay vẫn chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện các điều luật trên.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm mua bán người, ông Tráng cho rằng, cần sớm nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về phòng, chống mua bán người, nhất là các văn bản liên quan đến lĩnh các lĩnh vực xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài. Cùng với đó là thực hiện có hiệu quả việc trao trả, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đề xuất một số giải pháp như: cần rà soát, hoàn thiện quy định của pháp Luật Phòng, chống mua bán người cho đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý; tăng cường đổi mới công tác truyền thông, nhất là truyền thông về những vụ việc trợ giúp pháp lý điển hình cho nạn nhân bị mua bán…

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng, trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc trong công tác phòng chống mua bán người nói chung và công tác tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng. Từ tháng 1 năm 2012, Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan đã ban hành hệ thống văn bản, chính sách có tính đồng bộ hơn, khả thi hơn, tạo khung pháp lý thuận lợi hơn để tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến với nhiều phức tạp, cũng cần đề xuất bổ sung, hoàn thiện những chính sách pháp luật cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện khung pháp lý để phòng chống mua bán người, mua bán trẻ em