Cần mở rộng nguồn của Bộ luật Hình sự

Phương Nam| 24/08/2015 07:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc mở rộng nguồn quy định tội phạm trong các luật chuyên ngành vừa bảo đảm tính ổn định vừa đáp ứng được nhiệm vụ, yêu cầu của BLHS.

BLHS năm 1985 là BLHS hình sự đầu tiên của nước ta và từ đó, đến nay sau gần 30 năm, với 6 lần sửa đổi, bổ sung (các năm 1989, 1991, 1992, 1997, 1999 và 2009) thì quan điểm quan điểm pháp điển hóa tất cả các hành vi phạm tội vào trong BLHS không thay đổi.

Việc pháp điển hóa các hành vi được coi là tội phạm trong một bộ luật đã phần nào tạo ra sự minh bạch, rõ ràng, thuận lợi khi thực thi pháp luật. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế nước ta đang có sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì kỹ thuật lập pháp này đã dần bộc lộ những điểm hạn chế. Do đó, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi toàn diện lần này, việc nghiên cứu mở rộng nguồn của BLHS cần được đặt ra.

Tại Điều 2 của BLHS đã khẳng định “chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, đối với bất kỳ hành vi nào dù có tính nguy hiểm cao cho xã hội mà không được quy định trong BLHS thì không thể coi là tội phạm. Đây là nguyên tắc nền tảng của luật hình sự từ khi được ban hành cho tới nay.

Việc quy định chỉ BLHS mới quy định tội phạm có những ưu điểm nhất định như tính minh bạch, rõ ràng, thuận lợi khi áp dụng nhưng bên cạnh đó, cũng tồn tại những hạn chế, đặc biệt, trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội như hiện nay. Việc quy định mang tính chất “đóng”, tội phạm chỉ quy định trong BLHS đã tạo ra sự thiếu linh hoạt trong việc đấu tranh với các loại tội phạm mới phát sinh.

Trên thực tế, đã xuất hiện mới nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, trật tự an toàn xã hội, trật tự quản lý kinh tế như hành vi trốn không nộp bảo hiểm xã hội; hành vi sản xuất, mua, bán, tàng trữ, sử dụng thiết bị kỹ thuật số, chương trình máy tính để tấn công, truy cập vào máy tính, mạng máy tính với mục đích phạm tội… nhưng do không được quy định trong BLHS nên các hành vi này không bị xử lý hình sự.

Cần mở rộng nguồn của Bộ luật Hình sự

Một phiên tòa xét xử lưu động

Cùng với đó, trong điều kiện hiện nay, khi nước ta đang ngày càng hội nhập kinh tế, quốc tế mạnh mẽ, đã trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế liên quan đến phòng, chống tội phạm thì quy định “đóng”, tội phạm chỉ trong BLHS là cũng là một hạn chế, do không đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời trong việc nội luật hóa các yêu cầu về hình sự hóa khi việc sửa đổi, bổ sung BLHS là một việc làm đòi hỏi nhiều thời gian và rất phức tạp. Thực tế từ BLHS đầu tiên được ban hành năm 1985 đến nay, trong gần 30 năm, BLHS mới chỉ được sửa đổi toàn diện 01 lần vào năm 1999. Và trong 15 năm thi hành, BLHS 1999 cũng chỉ được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2009.

Ngoài ra, việc quy định tội phạm trong BLHS dẫn tới hạn chế trong việc nghiên cứu, áp dụng các quy định về tội phạm do cần phải xem xét, đối chiểu để có cách hiểu thống nhất về những thuật ngữ, hành vi đã được quy định trong luật chuyên ngành. Chính điều này đã ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác đấu tranh và hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm.

Việc nghiên cứu mở rộng nguồn quy định tội phạm trong các luật chuyên ngành nhằm bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng thực tiễn yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời, tạo sự thống nhất, thuận tiện trong việc nghiên cứu, áp dụng pháp luật.

Việc quy định thống nhất từ thuật ngữ, hành vi bị cấm, cách thức quản lý của nhà nước và chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm trong cùng một luật tạo ra nhiều ưu điểm trong việc nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền pháp luật.  Ngoài ra, nghiên cứu mở rộng việc quy định trong các luật chuyên ngành còn giúp tạo tính ổn định của BLHS.

Quy định mở rộng nguồn quy định tội phạm trong các luật chuyên ngành sẽ tạo sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về tội phạm.  Việc quy định rải rác tội phạm trong các đạo luật chuyên ngành cũng có thể gây khó khăn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về tội phạm, khó nắm bắt được một cách toàn diện các quy định về tội phạm, phát sinh chi phí trong việc nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, với nhiều ưu điểm, mở rộng nguồn quy định tội phạm trong các luật chuyên ngành vừa bảo đảm tính ổn định của Bộ luật vừa đáp ứng được nhiệm vụ, yêu cầu của BLHS.

Việc cho phép quy định tội phạm và hình phạt trong các luật chuyên ngành không có nghĩa là sẽ thay thế toàn bộ các tội phạm cụ thể thuộc các lĩnh vực chuyên ngành hiện có trong BLHS mà quy định này làm cơ sở để cho phép sau này khi ban hành các luật chuyên ngành, nếu thấy cần thiết thì Quốc hội sẽ quy định tội phạm mới trong từng lĩnh vực ngay trong đạo luật chuyên ngành đó mà không phải sửa đổi, bổ sung BLHS.

Về nguyên tắc là tập trung tối đa việc quy định tội phạm và hình phạt vào BLHS. Nhưng cũng có thể đến thời điểm xảy ra tội phạm mà BLHS chưa quy định thì sẽ xử lý theo luật chuyên ngành nhưng khi đó phải tuân thủ các nguyên tắc của BLHS.

Mặc dù vậy cũng cần cân nhắc thời điểm thực sự chín muồi để quy định tội phạm và hình phạt trong luật chuyên ngành, đặc biệt trong điều kiện đội ngũ cán bộ các vùng sâu, vùng xa, vùng trình độ còn hạn chế, sẽ phức tạp trong áp dụng. Nhiều nước trên thế giới hiện nay có xu thế phổ biến là mở rộng nguồn của luật hình sự nhưng nước ta cũng cần thận trọng và tính đến điều kiện thực tế của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần mở rộng nguồn của Bộ luật Hình sự