Bức cung, dùng nhục hình có thể bị phạt tù chung thân

Phương Nam| 02/03/2016 14:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

BLHS 2015 đã sửa đổi tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tội dùng nhục hình, tội bức cung theo hướng tăng nặng nhằm đảm bảo yêu cầu của Công ước của Liên hiệp quốc về chống tra tấn.

Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc công bố ngày 10/12/1948 khẳng định: "Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền” (Điều 1); "Mọi người đều có quyền sống, tự do và an toàn cá nhân” (Điều 3); "Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm” (Điều 5).

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16 tháng 12 năm 1966 tiếp tục khẳng định ngững quyền cơ bản của con người, trong đó khẳng định: "Không ai có thể bị tra tấn, hoặc phải chịu những hình phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp phẩm giá con người…” (Điều 7); "Những người bị tước tự do vẫn phải được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm” (Khoản 1 Điều 10); Người bị buộc tội "có quyền không đưa ra những lời khai chống lại mình hoặc không bị ép buộc nhận tội” (Điểm g Khoản 3 Điều 14).

Hiến pháp 1992 của nước ta cũng đã ghi nhận những quyền cơ bản của con người và của công dân, trong đó nêu rõ: "Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.…Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.” (Điều 71); "... Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh” (Điều 72).  Hiến pháp năm 2013 quy định rõ hơn hoặc tách thành điều riêng hầu hết các quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992, bao gồm: bình đẳng trước pháp luật (Điều 16); không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm (khoản 1, Điều 20)…

Cụ thể hóa những bảo đảm về các quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp, Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 của nước ta đã quy định những hành vi xâm phạm các quyền cơ bản của công dân bị coi là tội phạm, trong đó có quy định tội dùng nhục hình và tội bức cung. Tội dùng nhục hình (Điều 298 BLHS) và tội bức cung (Điều 299 BLHS) đều có dấu hiệu chủ thể đặc biệt. Chủ thể của tội phạm là những người tiến hành các hoạt động tư pháp trong quá trình xem xét, giải quyết các vụ việc có tính chất hình sự. Theo quy định của pháp luật, thẩm quyền điều tra các tội xâm phạm tư pháp mà người phạm tội là cán bộ các cơ quan tư pháp, trong đó có tội dùng nhục hình và tội bức cung, thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Bức cung, dùng nhục hình có thể bị phạt tù chung thân

Lấy lời khai nghi can tại Cơ quan Công an

Trong những năm qua, cùng với tiến trình cải cách tư pháp, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự ở nước ta đã có nhiều tiến bộ. Tình trạng lạm dụng chức vụ quyền hạn trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật, gây thiệt hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trong đó có những người tham gia tố tụng, như người bị tình nghi, bị can, bị cáo, đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau, ở một số nơi vẫn còn xảy ra các trường hợp bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động tư pháp.

Theo BLHS 1999, tội dùng nhục hình (Điều 298) có mức hình phạt cao nhất là 12 năm tù, tội bức cung (Điều 299) có mức hình phạt cao nhất là 10 năm tù. Luật quy định như vậy nên có những vụ cán bộ công an dùng nhục hình làm chết người khiến dư luận bức xúc nhưng mức án cũng không thể vượt quá “mức trần” về hình phạt. Chẳng hạn trong vụ 5 công an đánh chết anh Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên, tòa án cấp sơ thẩm cũng chỉ lần lượt phạt năm bị cáo từ một năm tù treo đến tám năm tù.

Quy định về mức hình phạt tối đa quá nhẹ trong hai tội dùng nhục hình, bức cung như trên chưa phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (viết tắt là Công ước chống tra tấn) mà nước ta đã ký tham gia ngày 7-11-2013.

Ngày 17/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 364 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn. Ngày 27/11/2015, Quốc hội khóa XII đã thông qua BLHS 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016). Đáng chú ý là BLHS 2015 đã sửa đổi tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tội dùng nhục hình, tội bức cung theo hướng tăng nặng nhằm đảm bảo yêu cầu của Công ước chống tra tấn:

Thứ nhất, BLHS 2015 bổ sung tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là “tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân” vào tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (điểm b khoản 3 Điều 157, mức hình phạt từ năm năm tù đến 12 năm tù).

Thứ hai, BLHS 2015 bổ sung hành vi khách quan “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào” vào tội dùng nhục hình (Điều 373). Điều luật cũng quy định nếu người phạm tội làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ bảy năm đến 12 năm (khoản 3); làm người bị nhục hình chết thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4).

Thứ ba, BLHS 2015 bổ sung tình tiết tăng nặng định khung vào tội bức cung (Điều 374): Trường hợp “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, hỏi cung” sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm (khoản 2); phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm người bị bức cung chết; dẫn đến làm oan người vô tội; dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4).      

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bức cung, dùng nhục hình có thể bị phạt tù chung thân