Bắc Kạn: Nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự về ma túy của TAND cấp huyện

Triệu Yến| 03/12/2017 16:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Số liệu thống kê về tình hình người nghiện ma tuý và tội phạm liên quan đến ma tuý trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong thời gian gần đây cho thấy không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng theo chiều hướng ngày càng phức tạp.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của cả nước, thì tỉnh Bắc Kạn cũng đã có những bước phát triển nhất định về kinh tế - xã hội. Cùng với đó là sự gia tăng của tình hình tội phạm trên cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nói riêng, nhất là các tội phạm về ma túy diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng có chiều hướng gia tăng, với tính chất mức độ của tội phạm ngày càng nguy hiểm, đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, tình cảm, nhân cách, hạnh phúc, sự tồn vong giống nòi, cản trở sự phát triển lành mạnh đối với nền kinh tế, văn hóa, xã hội, đe dọa sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phá vỡ sự ổn định của bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; làm phát sinh tội phạm, nó là con đường chính dẫn đến lây lan HIV/AIDS.

Trước tình hình đó, mặc dù Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã luôn quan tâm, tích cực chỉ đạo thực hiện triển khai tuyên truyền giáo dục đấu tranh phòng, chống và truy quét tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh song công tác phòng chống ma tuý vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Số liệu thống kê về tình hình người nghiện ma tuý và tội phạm liên quan đến ma tuý trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong thời gian gần đây cho thấy không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng theo chiều hướng ngày càng phức tạp (Tính đến tháng 6/2017, số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có hồ sơ quản lý là 1.307 người, tăng 46 người so với cùng kỳ năm 2016).

Hoạt động xét xử các vụ án hình sự về ma túy của TAND tỉnh Bắc Kạn nói riêng và của TAND cấp huyện nói riêng, đều thực hiện đúng quy định của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự, đáp ứng yêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Với quyết tâm chính trị cao, sự nỗ lực và phấn đấu của cán bộ công chức hệ thống Tòa án, nhất là đội ngũ những người làm công tác xét xử, trong đó có Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân đã giải quyết nhanh chóng, kịp thời đúng hạn luật định. Đồng thời luôn bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng, áp dụng đúng các quy định của pháp luật để giải quyết các vụ án hình sự. Đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có án oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Các bản án, quyết định được ban hành đảm bảo khách quan, công bằng và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Kết quả này góp phần quan trọng vào việc duy trì và bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ trật tự pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Bắc Kạn: Nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự về ma túy của TAND cấp huyện

Phiên tòa xét xử vụ án hình sự của TAND cấp huyện, tỉnh Bắc Kạn theo mô hình hội trường xét xử mới

Bên cạnh đó, hoạt động xét xử các vụ án hình sự nói chung, xét xử các vụ án hình sự về ma túy của TAND cấp huyện nói riêng còn một số hạn chế.

Thứ nhất, trong giai đoạn xét hỏi tại phiên tòa: Việc thực hiện các trình tự, thủ tục và nguyên tắc trong việc xem xét, đánh giá các tình tiết, chứng cứ nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án làm cơ sở cho các phán quyết của HĐXX ở một số phiên tòa chưa thực sự đảm bảo đúng quy định. Quá trình HĐXX điều khiển việc xem xét, đánh giá các chứng cứ, tình tiết của vụ án thông qua hoạt động xét hỏi còn lúng túng, chưa thật bám sát theo quy định của BLTTHS. Thẩm phán chủ tọa phiên toà thường đặt ngay về câu hỏi hành vi phạm tội của họ, nếu bị cáo muốn trình bày quan điểm của mình về bản cáo trạng thì thường được chủ tọa phiên toà giải thích: "Vấn đề cần trình bày sẽ được trình bày trong phần tranh luận". Vai trò của Kiểm sát viên trong quá trình xét hỏi vụ án về ma túy còn mờ nhạt, tại một số phiên tòa trong suốt quá trình xét hỏi KSV chỉ trình bày bản cáo trạng, không xét hỏi bị cáo vì cho rằng hành vi phạm tội đã được thể hiện rõ trong hồ sơ, hơn nữa đây là loại tội thường được bắt quả tang, khẩn cấp nên họ thường không chú trọng tham gia vào phần xét hỏi tại phiên tòa.

Thứ hai, trong giai đoạn tranh luận tại phiên tòa: Việc tranh tụng tại phiên tòa đối với vụ án về ma túy còn mang nặng tính hình thức. Chưa thực sự đúng như tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Diễn biến phiên tòa không đáp ứng được chiến lược cải cách tư pháp về nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hầu như các bị cáo không trình bày ý kiến hay tranh luận với đại diện Viện kiểm sát. Quá trình tranh luận buộc tội bị cáo một số Kiểm sát viên tỏ ra lúng túng nhất là đối với những vụ án có sự tham gia của Luật sư bảo vệ cho bị cáo khi họ nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vụ án. Việc hỏi để chứng minh tội phạm và làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án vẫn do Thẩm phán chủ toạ phiên toà thực hiện.

Thứ ba, trong giai đoạn nghị án, ban hành bản án, quyết định và tuyên án: Thực tế xét xử cho thấy rằng giai đoạn nghị án ở một số HĐXX còn mang tính hình thức, Hội thẩm nhân dân chưa phát huy đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thảo luận, biểu quyết các vấn đề của vụ án, vẫn có sự định hướng của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

Thứ tư, công tác tuyền truyền, phổ biến giáo dục pháp luật qua các phiên tòa nói chung và đặc biệt là qua các phiên tòa lưu động tuy đã được hệ thống Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn quan tâm thực hiện, nhưng hình thức còn chưa phong phú, tác dụng giáo dục ý thức pháp luật cho người dân chưa cao, đặc biệt là đối với tội phạm về ma túy; tình trạng người phạm tội sau khi chấp hành án xong trở về địa phương tiếp tục phạm tội trở lại vẫn đang là vấn đề “nóng”, phức tạp trên địa bàn tỉnh.

Những hạn chế trong hoạt động xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự về ma tuý của TAND cấp huyện, tỉnh Bắc Kạn như đã nêu trên, đã ảnh hưởng tới kết quả hoạt động xét xử các tội phạm về ma tuý, hạn chế hiệu quả việc áp dụng pháp luật của Toà án trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và giáo dục cải tạo các bị cáo phạm tội về ma tuý. Nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự nói chung, xét xử các vụ án hình sự về ma túy của TAND cấp huyện, tỉnh Bắc Kạn nói riêng, trước yêu cầu của cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ năng lực chuyên môn của đội ngũ Thẩm phán, Hội Thẩm nhân dân, cán bộ công chức liên quan đến hoạt động áp dụng pháp luật giải quyết các vụ án hình sự về ma túy của Tòa án nhân dân cấp huyện, tỉnh Bắc Kạn. Phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán thường xuyên, chuyên sâu về nghiệp vụ xét xử; Thường xuyên mở các lớp tập huấn để triển khai kịp thời những sửa đổi bổ sung của pháp luật, những văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của Tòa án cấp trên một cách kịp thời; Tăng cường công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.

- Kiện toàn cơ cấu tổ chức, tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho các Tòa án nhân dân cấp huyện, tỉnh Bắc Kạn. Trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại hóa phòng xét xử, đảm bảo phòng xét xử phải trang nghiêm theo đúng tinh thần cải cách tư pháp hiện nay; Hiện đại hóa các phương tiện làm việc và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác của cán bộ, Thẩm phán.

- Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo cho hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân thật sự khách quan, dân chủ, công bằng, đúng quy định pháp luật.

- Thực hiện tốt công tác tổng kết kinh nghiệm xét xử của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Kạn. Thông qua hoạt động tổng kết, rút kinh nghiệm về những gì làm được và những gì chưa làm được để rút ra được bài học kinh nghiệm về việc áp dụng pháp luật trong việc ban hành bản án, quyết định của ngành Tòa án.

- Cần tiếp tục tổ chức xét xử công khai, lưu động những vụ án về ma túy tại các địa bàn cơ sở, góp phần tuyên truyền, răn đe, giáo dục mọi người chấp hành nghiêm pháp luật. Đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất, tạo điều kiện về kinh phí, địa điểm để Tòa án tổ chức các phiên tòa lưu động.

Thực hiện tốt các giải pháp trên nhằm đảm bảo cho hệ thống Tòa án nhân dân nói chung, TAND cấp huyện, tỉnh Bắc Kạn nói riêng thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ mà Hiến pháp đã quy định, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Kạn: Nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự về ma túy của TAND cấp huyện