Rút kinh nghiệm trong quá trình xét xử các vụ án dân sự liên quan đến quyền sở hữu

Mai Đỉnh| 29/06/2020 18:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 29/6, TANDTC tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến tháng 6/2020 với chuyên đề “Rút kinh nghiệm các sai sót trong quá trình xét xử các vụ án dân sự liên quan đến quyền sở hữu”.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Chánh án TANDTC: Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Trí Tuệ; các Thẩm phán TANDTC; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc TANDTC, Thẩm tra viên, Thư ký các đơn vị thuộc TANDTC với gần 800 điểm trên toàn quốc gồm các TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện...

Hội nghị được nghe đồng chí Nguyễn Thúy Hiền - Phó Chánh án TANDTC triển khai chuyên đề “Rút kinh nghiệm các sai sót trong quá trình xét xử các vụ án dân sự liên quan đến quyền sở hữu”.

Theo đó, trong chuyên đề này, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền nêu 03 nội dung trọng tâm như: Những điểm mới về tài sản, quyền sở hữu và các biện pháp bảo đảm theo Bộ Luật dân sự năm 2015; công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật của TANDTC trong việc giải quyết các tranh chấp về sở hữu; các sai sót trong quá trình xét xử các vụ án dân sự liên quan đến quyền sỡ hữu.

Rút kinh nghiệm trong quá trình xét xử các vụ án dân sự liên quan đến quyền sở hữu

 Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền trình bày tại Hội nghị 

Sau khi giới thiệu những điểm mới về tài sản, quyền sở hữu và các biện pháp bảo đảm theo Bộ Luật dân sự năm 2015 và công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật của TANDTC trong việc giải quyết các tranh chấp về sở hữu, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền đã nêu những sai sót thường gặp trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự liên quan đến quyền sở hữu. 

Theo Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền, trong lĩnh vực dân sự, các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu diễn ra phổ biến, nhiều vụ rất phức tạp, kéo dài dai dẳng vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Cùng với đó, trong những năm qua, trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án dân sự, các Toà án đã làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; khuyến khích và tạo điều kiện cho các bên hoà giải, tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan để đánh giá toàn diện, cơ bản giải quyết tốt các tranh chấp dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, tạo điều kiện để thúc đẩy lưu thông hàng hoá, phát triển nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác giải quyết các vụ án dân sự, nhất là các vụ án liên quan đến quyền sở hữu vẫn còn nhiều sai sót, phần lớn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán do áp dụng không đúng các quy định của pháp luật có liên quan, thu thập chứng cứ không đầy đủ, chưa xem xét, đánh giá chứng cứ một cách toàn diện…dẫn đến phải xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Đây là chuyên đề nhằm giúp cho các Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký rút kinh nghiệm trong công tác xét xử, đồng thời hệ thống hóa lại các vấn đề tranh chấp về sỡ hữu đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rút kinh nghiệm trong quá trình xét xử các vụ án dân sự liên quan đến quyền sở hữu