Chuyên gia pháp lý nói về cải cách tư pháp trong hệ thống TAND

Đỗ Việt (Thực hiện)| 13/09/2018 10:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những năm qua, CCTP trong hệ thống TAND ở nước ta đã gặt hái nhiều thành tựu to lớn. Phóng viên Báo Công lý đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia pháp lý, luật sư về những thành tựu này.

Các chủ trương, giải pháp có tính khả thi cao

Là công chức công tác trong lĩnh vực nghiên cứu pháp luật, qua theo dõi, nghiên cứu, tôi thấy rằng các chủ trương, giải pháp, hướng dẫn của lãnh đạo TANDTC, Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong những năm qua (nhất là các năm 2017, 2018) đã được các Tòa án triển khai có hiệu quả và thiết thực, chất lượng công tác xét xử của các Tòa án ngày một nâng cao. Đặc biệt, các chủ trương, giải pháp, hướng dẫn này đã được các cơ quan, tổ chức và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

Xét về tiêu chí, đánh giá chính sách, văn bản hướng dẫn thi hành theo quy định của pháp luật thì các chủ trương, giải pháp, hướng dẫn của TANDTC đã bảo đảm tính minh bạch, đúng thẩm quyền, có tính khả thi cao trong thực tiễn, điều đó đã góp phần nâng cao vị thế của Tòa án, được nhân dân tin tưởng.

Chuyên gia pháp lý nói về cải cách tư pháp trong hệ thống TAND

Bà Hoàng Thị Song Mai

Một trong những giải pháp, hướng dẫn của TANDTC tôi cảm thấy tâm đắc nhất là công khai bản án, quyết định của Tòa án. Đây là quy định mang tính đột phá mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo TANDTC và các Tòa án trong công tác xét xử, sẵn sàng đón nhận những phản hồi từ tích cực đến tiêu cực trong việc viết bản án và đúng như tinh thần kết luận của đồng chí Chánh án TANDTC tại Hội nghị tập huấn viết bản án đã nêu: “Việc công khai bản án, quyết định của Tòa án ban đầu không đặt ra câu chuyện xã hội, công chúng khen chúng ta, nhưng mong sao không bị chê ấu trĩ, thiếu kiến thức cơ bản, cố tình không làm… không nghĩ đến năng lực”.

Bà Hoàng Thị Song Mai (Phó Trưởng phòng Pháp luật hình sự, hành chính, gia đình và người chưa thành niên, Vụ Pháp chế và Quản lý Khoa học TANDTC)

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp

Những năm qua, việc tranh tụng tại phiên tòa được các Tòa án tiếp tục triển khai sâu rộng theo hướng nâng cao chất lượng và thực chất. Toà án các cấp xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng và những vụ án được dư luận xã hội quan tâm, điển hình là vụ án tại Công ty Cổ phần VnPharma, vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm, vụ án Trương Hồ Phương Nga, vụ án tại Oceanbank, vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 bị cáo, vụ án Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm… Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ Tòa án đã có sự trưởng thành nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, đồng thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của quá trình CCTP; tính kỷ luật, trình độ nghiệp vụ, đạo đức của cán bộ Tòa án ngày càng được chú trọng và nâng cao.

Chuyên gia pháp lý nói về cải cách tư pháp trong hệ thống TAND

Luật sư Trương Quốc Hòe

Tòa án cũng đã triển khai mô hình phòng xét xử mới; thực hiện thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán. Đồng thời mối quan hệ giữa Tòa án với các cơ quan tố tụng khác và với luật sư ngày càng cởi mở hơn, phối hợp tốt hơn trong việc bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý, thực hiện nguyên tắc tranh tụng công khai. Việc đổi mới, cải cách nêu trên của Tòa án đã góp phần tăng cường và củng cố niềm tin của nhân dân vào công lý, vào TAND.

Luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng VPLS Interla - Đoàn luật sư Hà Nội)

Phục vụ người dân được tốt hơn

 Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW (năm 2002) và Nghị quyết số 49-NQ/TW (năm 2005) của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến năm 2020; trên cơ sở Kết luận số 92-KL/TW (12/3/2014) của Bộ Chính trị, một số vấn đề trọng tâm trong công tác xây dựng pháp luật đã được tiến hành triển khai. Hiến Pháp 2013 quy định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ quyền con người. Đảng đặt ra mục tiêu CCTP là để bảo vệ quyền con người và có thể nói quyền con người trở thành mục tiêu của CCTP. Bên cạnh đó để đảm bảo tính đồng bộ, sau khi có Hiến pháp thì các đạo luật khác đã được Quốc hội thông qua như Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự… Những nỗ lực đó tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công cuộc CCTP.

Chuyên gia pháp lý nói về cải cách tư pháp trong hệ thống TAND

Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Văn Hoàng

Ngoài ra, việc thành lập Học viện Tòa án là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong thực hiện CCTP của TAND. Học viện là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc TANDTC, có nhiệm vụ đào tạo nghề xét xử; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho lãnh đạo quản lý, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên, Hội thẩm nhân dân và công chức Tòa án; đào tạo đại học và trên đại học, nhằm đào tạo nguồn cán bộ có chất lượng cao, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chính trị của TAND và trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, hệ thống TAND đã thay đổi và có nhiều điểm nhấn tích cực nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý. Ví dụ như người dân chỉ nộp đơn đến Tòa án, Tòa án có trách nhiệm tiếp nhận và thụ lý đơn. Trong quá trình giải quyết vụ án, người dân cũng được công khai minh bạch chứng cứ. Điều này tạo thuận lợi cho người dân tham gia và bảo đảm tốt quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tố tụng.

Mặt khác, nhiều quy định của pháp luật được ban hành nhằm tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo và đương sự… Ví dụ như TANDTC ban hành Thông tư 01/2017/TT-TANDTC ngày  28/7/2017 “quy định về phòng xử án”, theo đó vị trí ngồi của luật sư song song, ngang hàng với vị trí ngồi của cơ quan công tố; Quy định rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận bào chữa trong vụ án hình sự, rút gọn thủ tục cấp giấy chứng nhận bảo vệ trong vụ án dân sự. 

Nhìn tổng quan, chúng ta có thể thấy công tác CCTP nói chung và CCTP trong hệ thống Tòa án nói riêng ở nước ta đã và đang đạt được rất nhiều thành tựu to lớn. Việc tăng cường công khai minh bạch các hoạt động hành chính tại Tòa án tạo điều kiện thuận lợi phục vụ người dân được tốt hơn. Đồng thời từng bước hướng đến việc xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Văn Hoàng (Trưởng VPLS Minh Bạch Quốc Tế  - Đoàn Luật sư Hà Nội)

Xuất bản tập Án lệ đầu tiên áp dụng trong toàn quốc

Đối với CCTP trong hệ thống TAND, Bộ Chính trị xác định TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam thực hiện quyền tư pháp, nhiệm vụ hàng đầu của Tòa án là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong công cuộc CCTP, Tòa án có vị trí trung tâm, xét xử là hoạt động trọng tâm, tranh tụng là khâu đột phá.

Chuyên gia pháp lý nói về cải cách tư pháp trong hệ thống TAND

Thạc sỹ, luật sư Đặng Văn Cường

Có thể nói nội dung CCTP của Đảng và Nhà nước là hợp lý, khoa học, phù hợp với sự phát triển của xã hội, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam cũng như phù hợp với bối cảnh của quốc tế cùng thời điểm. Qua 18 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, chiến lược CCTP đã đạt nhiều kết quả quan trọng với nhiều đổi mới mạnh mẽ, từng bước khẳng định và nâng cao vị thế của Tòa án. Hệ thống tổ chức của TAND được tổ chức thành 4 cấp: TANDTC; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Cùng với đó là nhiều thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động, chế độ bổ nhiệm và thi tuyển Thẩm phán. Ngoài ra, hệ thống các văn bản pháp luật ngày càng được hoàn thiện, thống nhất, tăng cường cơ sở pháp lý để Tòa án thực hiện quyền tư pháp.

Ngày 6/4/2016, Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 220/QĐ-CA quyết định về việc công bố án lệ, và sau đó TANDTC xuất bản tập Án lệ đầu tiên áp dụng trong toàn quốc, xuất bản 4 tập sách về các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. TANDTC đã lắp đặt và vận hành hệ thống truyền hình trực tuyến kết nối hàng trăm điểm cầu, đưa mạng lưới truyền hình đến tận các TAND cấp huyện. TAND ở một số địa phương đã áp dụng công nghệ thông tin, giao dịch qua website nhằm tạo điều kiện cho công dân tiếp cận công lý một cách dễ dàng.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VPLS Chính Pháp - Đoàn luật sư Hà Nội).

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia pháp lý nói về cải cách tư pháp trong hệ thống TAND