Đua không phải là thi đua yêu nước với đông đảo người dân tham gia gây hiệu ứng xã hội sâu sắc. Đua ở đây là ganh đua, chạy đua xây dựng các trung tâm hành chính nguy nga như cung điện mà đại biểu Quốc hội đã lên tiếng phê phán tại nghị trường.
Điều kỳ cục nhất không chỉ ở quy mô tầm cỡ các trung tâm hành chính địa phương kể cả tỉnh chưa giàu có - mà là dự án được tung ra đúng lúc các ĐBQH kêu gọi “đóng băng” các khoản chi chưa cần thiết, chi đi nước ngoài, hội hè lễ Tết.
Tỉnh Nghệ An đã đồng ý với phương án xây dựng tòa nhà khu hành chính tập trung sở, ngành gồm 2 tòa tháp cao 20 tầng. Khu đất để xây dựng khu mới này này rộng chừng 52.000m2, nằm gần trụ sở ủy ban tỉnh, tỉnh ủy. Dự toán chi phí dự kiến của dự án khoảng 2.178 tỉ đồng. Trong khi đó, trụ sở UBND tỉnh còn thơm mùi sơn, mới được đưa vào sử dụng tại tòa tháp cao 11 tầng với kinh phí khoảng 365 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách.
Quy hoạch khu đô thị hành chính mới tỉnh Khánh Hòa và “nhà trứng lớn” dành cho các cơ quan chính quyền tỉnh Khánh Hòa - Nguồn ảnh: Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia
TP. Nha Trang UBND tỉnh Khánh Hòa cũng vừa có văn bản chấp thuận cho 2 tập đoàn tiến hành xây dựng trung tâm hành chính tỉnh theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Trung tâm này có tổng diện tích gần 127ha nằm tổng vốn đầu tư dự án khoảng 4.300 tỉ đồng, trong đó, kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho khu vực hành chính và các cơ quan hành chính tập trung khoảng 3.000 tỉ đồng. Dự án được công bố là không xây dựng bằng nguồn tiền ngân sách nhưng không nói rõ kinh phí ở đâu ra?
Hải Dương cũng không chịu thua kém khi đồng ý về nguyên tắc áp dụng hình thức BT để thực hiện dự án khu hành chính tập trung. Chưa rõ dự án hết bao nhiêu nghìn tỉ đồng, những con số chắc chắn không nhỏ. Tỉnh nghèo Hà Tĩnh thì cũng đang sôi sục với kế hoạch xây dựng trung tâm hành chính mà dự toán tổng số vốn đầu tư lên đến 1.500 tỉ đồng.
Hải Phòng cũng dự kiến xây dựng trung tâm hành chính tổng mức đầu tư dự án là 9.894 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương gần 6.855 tỷ, còn lại là ngân sách TP Hải Phòng và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Thật khó mà liệt kê các dự án, công trình lãng phí các cấp ở địa phương hiện nay. Có thể nói, lãng phí nơi nào cũng có. Và mức độ lãng phí, có số đầu tư ngày càng to lên, trái ngược với chủ trương chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước suốt những năm qua.
Trả lời câu hỏi vì sao người ta thích đại dự án thế không khó. Có lẽ do tâm lý thích hoành tráng, bằng anh bằng em, thậm chí hơn bè hơn bạn phổ biến trong lãnh đạo. Nhưng sâu xa hơn, người dân ngao ngán, lo lắng vì vẫn nghe đâu đó rằng “ăn chia”, “lại quả”, “gửi giá”… là những hành vi vốn không xa lạ với những quan chức tham nhũng trong các dự án đầu tư xây dựng. Và còn điều này nữa, ngoài việc có miếng lại quả ngon lành, cấm có ai bị cách chức hay xử lý hình sự vì quyết định hoành tráng lãng phí cả!
Nếu có cuộc điều tra xã hội học, đoán chắc là đại bộ phận dân chúng sẽ nói không với các dự án hoành tráng ngao ngán lòng người này!