Vừa qua, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (Un Women) và OXFAM đồng tổ chức Hội thảo:
“Tiếp cận công lý cho người bị bạo lực giới - Khoảng trống trong chính sách và thực thi”.
Thiếu số liệu về bạo lực giới
Cho đến nay, trong văn bản chính thức ở Việt Nam chưa đưa ra định nghĩa về bạo lực trên cơ sở giới. Luật Bình đẳng giới 2006 đã đề cập đến thuật ngữ “bạo lực trên cơ sở giới”, tuy nhiên, hành vi này không được định nghĩa trước đó. Bên cạnh đó, các hành vi bạo lực giới trong gia đình cũng được qui định tại Điều 41 Luật Bình đẳng giới 2006. Cho dù không nêu ra định nghĩa chính thức, về cơ bản, trong các chính sách sử dụng ở Việt Nam, khái niệm bạo lực giới được hiểu như định nghĩa đã được Liên hợp quốc nêu ra.
Cho đến nay, mới chỉ có có duy nhất một Báo cáo quốc gia về bạo lực gia đình, còn các hình thức bạo lực giới khác như vấn đề bạo lực với phụ nữ mại dâm, vấn đề quấy rối và xâm hại tình dục với trẻ em gái... vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu ở tầm quốc gia. Số liệu từ Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình và phụ nữ ở Việt Nam năm 2010 cho thấy sự phổ biến của bạo lực gia đình tại Việt Nam là rất cao trong đó 58% phụ nữ từng kết hôn đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình nhưng có tới 87% đã không tìm đến sự giúp đỡ từ các dịch vụ công cộng. Những lý do khiến người bị bạo lực không sử dụng các dịch vụ này do thiếu hiểu biết về các dịch vụ công; không tin tưởng vào chất lượng của các dịch vụ vì thái độ và cách xử lý của các cơ quan chức năng. Điều đáng lo ngại là rất ít nạn nhân được chăm sóc y tế và chấp nhận chia sẻ với cán bộ, nhân viên y tế về vấn đề của họ.
Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh
Theo các chuyên gia, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực giới nói chung, bạo lực gia đình nói riêng khá đầy đủ. Nhưng vẫn còn các quy định chưa rõ ràng, thiếu những định nghĩa cơ bản dẫn đến thiếu cơ chế phòng ngừa, chế tài xử lý đối với hành vi bạo lực giới gây ra cho một số đối tượng đặc biệt như người hành nghề mại dâm, người đồng tính, song tính…
Bà Shoko Ishikawa - Trưởng đại diện của Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng: Để từng bước khắc phục được vấn đề bạo lực giới, chính phủ Việt Nam cần triển khai những biện pháp cụ thể để điều tra xử lý những người vi phạm. Đồng thời cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý đầy đủ cho phụ nữ để khi xảy ra những trường hợp đáng tiếc thì họ có thể tự bảo vệ mình về mặt pháp luật.
Trợ giúp pháp lý cho người bị bạo lực giới
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều văn bản cam kết bảo vệ quyền con người cũng như tham gia vào các điều ước quốc tế cơ bản liên quan đến nội dung phòng chống bạo lực và phân biệt đối xử về giới. Tuy nhiên, tính hiệu quả của việc thực thi các chính sách, pháp luật vẫn còn nhiều điều phải đặt ra. Trong đó, nội dung các quy định còn chồng chéo, không rõ ràng, thiếu vắng các định nghĩa cụ thể dẫn đến khó áp dụng quy định pháp luật trong những trường hợp cụ thể.
Về tình hình trợ giúp pháp lý với đối tượng là nạn nhân của bạo lực giới, ông Trần Nguyên Tú, Phòng Quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý – Cục Trợ giúp pháp lý đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2014, các trung tâm trong cả nước đã thực hiện được 85 vụ việc trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình; 54 vụ việc đối với phụ nữ, trẻ em bị xâm hại tình dục… Tuy nhiên, hiện nay không phải tất cả nạn nhân bạo lực giới đều được trợ giúp pháp lý. Điều này có thể thấy qua các rào cản trong hoạt động trợ giúp pháp lý như chưa có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục riêng đối với phụ nữ là nạn nhân bạo lực giới; nhiều nạn nhân còn chưa biết đến hoặc e ngại khi tiếp cận trợ giúp pháp lý; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực giới nhất là giữa các tổ chức thực hiện còn chưa hiệu quả…
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng người dễ bị tổn thương nói chung và nạn nhân của bạo lực giới nói riêng (kể cả người chuyển giới) còn rất nhiều rào cản để tiếp cận công lý. Những nguyên nhân khiến người bị bạo lực không sử dụng các dịch vụ trợ giúp từ cộng đồng là do họ thiếu hiểu biết về dịch vụ công, không tin tưởng vào chất lượng dịch vụ. Kết quả công bố tại hội thảo cho thấy, có đến 54% người bị bạo lực gia đình nghĩ rằng các biện pháp xử lý của công an chưa nghiêm, chỉ có 8% người bị bạo lực gia đình đã được cán bộ tư pháp/trợ giúp pháp lý trợ giúp, 66% người bị bạo lực gia đình không hài lòng với việc hòa giải tại cộng đồng. Điều đáng lo ngại là rất ít nạn nhân được chăm sóc y tế và có rất ít nạn nhân chia sẻ với cán bộ nhân viên y tế về vấn đề của họ.
Do đó, để lấp các khoảng trống pháp lý đang cản đường tiếp cận công lý của người bị bạo lực giới, các chuyên gia trong và ngoài nước khuyến nghị, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với nạn nhân bạo lực giới nói chung và pháp luật hình sự, tố tụng hình sự nói riêng để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực giới. Trong đó, cần quy định rõ khái niệm pháp lý về bạo lực trên cơ sở giới, có biện pháp thúc đẩy và mở rộng phạm vi trợ giúp pháp lý để các nạn nhân của bạo lực giới có thể tiếp cận.