Nữ họa sĩ Văn Dương Thành, người được mệnh danh là Đại sứ văn hóa vì nhiều năm qua chị miệt mài giới thiệu văn hóa, nghệ thuật Việt Nam ra với thế giới, đưa thế giới đến với các nghệ sĩ bậc thầy, các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của Việt Nam.
Một trong những kỷ niệm luôn ấm áp đối với chị là những kỷ niệm với nhạc sĩ Văn Cao và các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Lưu Hậu…
Kỷ niệm về các họa sĩ bậc thầy
Học xong Đại học Mỹ thuật Việt Nam, năm 1981 Văn Dương Thành về công tác tại Viện nghiên cứu văn hóa. Nhận thấy tầm quan trọng của ngoại ngữ để giao lưu với thế giới, chị đã học tiếng Anh tại Đại học sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội bốn năm. Có thể nói quyết định học thêm ngoại ngữ đã tạo ra những bước rẽ cho cuộc đời đam mê hội họa của Văn Dương Thành. Chị được phân công về Ban công tác đối ngoại của Viện, có nhiệm vụ giới thiệu văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài.
Những năm tháng đó các nước Bắc Âu, nhất là Thụy Điển cử nhiều chuyên gia sang giúp đỡ Việt Nam xây dựng Nhà máy giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Olop Palmer, Bệnh viện Uông Bí… nhưng không ai hướng dẫn cho họ đi thăm danh lam, thắng cảnh Việt Nam. Viện nghiên cứu văn hóa, mà trực tiếp là họa sĩ Văn Dương Thành bỗng trở thành cầu nối, đưa những vị khách Bắc Âu này đến với văn hóa, lịch sử Việt Nam. Chị dẫn họ đi thăm các di tích ở Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, thăm làng gốm Bát Tràng, thăm làng Hồ Bắc Ninh, thăm chùa Thày, chùa Tây Phương, chùa Mía ở Sơn Tây… Các vị khách ngạc nhiên, thích thú khi được khám phá vẻ đẹp tuyệt vời của các di tích, về truyền thống văn hiến Việt Nam. Những công trình của ta không to lớn, đồ sộ nhưng có nét đặc sắc và hấp dẫn đối với họ.
Ngoài danh lam thắng cảnh, chị thường xuyên dẫn khách nước ngoài đến thăm các họa sĩ, các thầy của chị. Xem tranh của các họa sĩ bậc thầy Việt Nam như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Văn Cẩn, Trần Lưu Hậu… họ sửng sốt vô cùng. Đối với những người am hiểu hội họa thì họ khâm phục về chất lượng đỉnh cao của các tác phẩm, về tài năng của các họa sĩ Việt Nam không thua kém họa sĩ ở các nước phát triển. Đối với những người không am hiểu lắm về nghệ thuật họ cũng thích thú khi thấy cuộc sống thực của các họa sĩ, khó khăn, chật hẹp vô cùng, nhưng các họa sĩ vẫn miệt mài vẽ và cho ra những tác phẩm hội họa sang trọng. Hình ảnh Việt Nam qua đó đẹp hơn rất nhiều trong mắt bạn bè quốc tế.
- Năm 1972 mình được hai giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam và được Viện bảo tàng mỹ thuật mua hai tác phẩm loại A với giá 300 đ, trị giá bằng cả một năm lương, nhưng các thầy thì vẫn khó khăn lắm - họa sĩ Văn Dương Thành nhớ lại. Mỗi lần đi nước ngoài về mình thường mua mầu vẽ, áo măng tô, thuốc chữa bệnh làm quà biếu các thầy Trần Lưu Hậu, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Văn Cao… Sau khi mình dẫn khách đến giới thiệu thì nhiều khách đã mua tranh. Họ đã sưu tầm tranh của các thầy với tấm lòng trân trọng thật sự. Điều đó khiến các thầy rất vui. Hơn nữa, bán được tranh thì đời sống các thầy đỡ khó khăn, chật vật, các thầy đã có điều kiện để vẽ những bức tranh sơn dầu khổ lớn. Điều đó khiến mình rất hạnh phúc.
Nhạc sĩ Văn Cao - tác giả Quốc ca
-Nghe nói họa sĩ Bùi Xuân Phái có đến vài trăm bức tranh chân dung chị, trong đó có bức “Cô gái dưới trăng” mà Viện Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia mua năm 1975, nhưng sau khi ông mất tác phẩm mới được trưng bày lần đầu tiên. Chị có thể chia sẻ kỷ niệm về tác phẩm này không?
- Họa sĩ Bùi Xuân Phái có khoảng 300 bức tranh vẽ mình, ngược lại mình cũng vẽ cụ đến cả 100 bức… Bức “Cô gái dưới trăng” là tác phẩm đầu tiên họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ mình trong một đêm trăng sáng, cùng đi hôm đó có diễn viên, họa sĩ Trần Trung Tín. Họa sĩ vẽ nhanh lắm, chỉ trong một tuần trà. Đó là một tác phẩm tuyệt đẹp, huyền ảo vô cùng. Có lần mình cũng đã nói rằng người ta thường chỉ biết đến biết tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái nhưng ít người biết ông là họa sĩ vẽ chân dung bậc thầy của Việt Nam. Hàng trăm bức chân dung ông vẽ vợ và các con, cũng như các bạn thân thiết, bức nào cũng diễn đạt sâu sắc cá tính và ngoại hình của từng người mà không bao giờ lặp lại.
Mình vừa là học trò, vừa là đồng nghiệp nên ngồi làm mẫu thì người vẽ rất sướng. Mình cứ ngồi, người vẽ muốn vẽ thế nào thì vẽ, xấu như ma cũng chẳng có ý kiến gì và đa phần là mình không xem các thầy đã vẽ mình thế nào. Vì bức tranh là sản phẩm tự do sáng tạo, hoàn toàn cá nhân, người mẫu chỉ là cái cớ thôi. Cụ Phái nói sợ nhất vẽ mấy bà mấy cô xinh đẹp, vẽ được một lúc lại ra ngó xem có xinh không, có giống không, có cô xem tranh xong thì dỗi vì sao lại xấu thế. Đến mệt. Vẽ Văn Dương Thành thì thoải mái hơn nhiều.
-À ra là như thế. Xin chị chia sẻ kỹ hơn việc chị đưa khách nước ngoài đến xem tranh của các họa sĩ.
-Họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng như họa sĩ Trần Lưu Hậu, cuộc sống cực kỳ khó khăn, góc vẽ của họa sĩ chỉ chừng 2 m2 trong căn phòng chật hẹp, cũng không có điều kiện mua toan, mua mầu nên đa số các tác phẩm của họa sĩ rất nhỏ. Chính mình cũng mua tranh của các thầy nhiều, nhưng không được bao nhiêu. Sau khi có khách nước ngoài đến thăm, thích thú, ngưỡng mộ và xin mua tranh thì họa sĩ vui lắm. Ngoài chuyện đời sống được cải thiện, nó còn là sự giải phóng về tinh thần nữa. Hồi đó nhiều triển lãm, tranh phố của Bùi Xuân Phái không được treo vì họ quan niệm tranh đó vô bổ.
Họa sĩ Văn Dương Thành và một tác phẩm của mình
- Báo chí rồi các vị ở Bộ Ngoại giao vẫn gọi chị là “Đại sứ văn hóa”. Có lẽ không ai làm “đại sứ văn hóa” tốt hơn chị. Chị vừa biết tiếng Anh, vừa là họa sĩ chuyên nghiệp, lại là học trò, là đồng nghiệp thân thiết của các họa sĩ hàng đầu Việt Nam.
- Đúng là cơ duyên tạo nên vai trò cầu nối của mình. Hồi đó tranh của các thầy được mua nhiều vô cùng. Vui lắm. Nhiều đến mức sau đó Nhà nước Thụy Điển và mình đã mượn tranh của những người từng công tác tại Việt Nam đã sưu tập, mở triển lãm tranh Bùi Xuân Phái ở Viện bảo tàng châu Á năm 2000. Triển lãm kéo dài đến 6 tháng mà vẫn có nhiều người muốn đến xem…
Kỷ niệm với nhạc sĩ Văn Cao
Nói về chuyện cầu nối thì họa sĩ Văn Dương Thành nhớ mãi kỷ niệm với nhạc sĩ Văn Cao. Năm đó, có hai vợ chồng nhà làm phim Hà Lan sang Việt Nam xin làm phim về nhạc sĩ Văn Cao, tác giả quốc ca duy nhất còn sống trên thế giới. Họ đến Việt Nam nhưng vì nhiều lý do mà được tin nhạc sĩ bị ốm, không tiếp. Họ buồn quá. Thấy nhiệt tình của họ và đây là cơ hội quí giá để thế giới biết đến Văn Cao, đến Việt Nam, chị nhận lời giúp ngay.
- Khó khăn như thế chị giúp thế nào?
-Mình cứ dẫn họ đến 108 Yết Kiêu thôi, như bạn bè đến thăm. Mình và cụ vẽ ký họa, hai bên hỏi đáp thì mình phiên dịch. Rất vui là hôm đó, có cô bán rượu làng Vân gánh rượu vào, cụ mua 2000 đồng. Hỏi sao bác mua ít thế, thì Văn Cao nói “bà Băng chỉ phát cho mỗi ngày 2000 đồng” cho mua thế thôi, không được uống nhiều. Nhà làm phim hỏi, ông chơi đàn thế nào, họ lia ống kính vào cây đàn Piano cũ kỹ. Văn Cao nói, lâu lắm tôi không chơi vì đàn hỏng hàng chục năm nay rồi. Vậy thì ông nghe nhạc thế nào? Tôi cũng không nghe nhạc vì không có máy… Họ đề nghị hát quốc ca, thế là bốn người, ông bà Văn Cao, một đứa cháu và Văn Dương Thành đồng thanh hát. Bộ phim cực kỳ chân thực và sống động về tác giả quốc ca Việt Nam. Bộ phim sau đó đã được giải nhất của năm về thể loại nhân vật của Đài truyền hình Hà Lan.
Vợ chồng nhà làm phim Hà Lan rất cảm kích trước sự giúp đỡ của họa sĩ Văn Dương Thành, không ngờ tưởng như đã thất bại họ lại hoàn thành bộ phim một cách mỹ mãn như thế. Họ bày tỏ nguyện vọng muốn cảm ơn chị. Họa sĩ Văn Dương Thành nói, ông bà có nhã ý như thế thì thay vì cảm ơn tôi, nếu được thì ông bà mua tặng nhạc sĩ Văn Cao chiếc máy nghe nhạc. Họ đáp ứng ngay. Họ ra Intershop Giảng Võ mua một chiếc cassette Nhật mang đến tặng nhạc sĩ Văn Cao. Bật nhạc lên âm thanh hay vô cùng, cả nhà nhạc sĩ rất sung sướng…
Sau này, có lần đến thăm Văn Cao không thấy cassette, chị hỏi thì biết gia đình không muốn ông nghe nhiều, phải cất máy, vì mỗi khi nghe nhạc ông lại khóc.
***
Họa sĩ Văn Dương Thành là một người nổi tiếng nhưng chị sống giản dị, đơn sơ, giải thích điều này, chị cho rằng chị may mắn được gặp gỡ, thân thiết với các nghệ sĩ bậc thầy, với nhiều vị lãnh đạo lỗi lạc nhưng họ đều rất giản dị. Những người có tài năng và nhân cách lớn lao ấy còn giản dị như vậy thì sao mình không thể sống giản dị… Văn Dương Thành nghĩ thế nên hồn nhiên sống, hồn nhiên vẽ và cống hiến hết mình để vẻ đẹp Việt Nam được lưu giữ trong các tác phẩm đa sắc màu của chị.