Ngày mai (28/7), họa sĩ Phan Như Lâm sẽ khai mạc triển lãm đầu tay mang tên “Ánh sáng tình tôi” tại Huyen Art House (8A Đặng Tất, Q.1, TP.HCM).
Phan Như Lâm đến với việc học vẽ, tập vẽ và sáng tác không mấy dễ dàng. Phần khó khăn, thách thức về mặt đời sống chỉ là yếu tố phụ, phần khó khăn về tâm lý sáng tạo, làm sao để vẽ, làm sao để thành họa sĩ mới là thách thức chính yếu. Chính những băn khoăn này làm cho Phan Như Lâm gặp không ít thử thách trong việc vẽ, việc sống đời họa sĩ và cả việc gìn giữ các mỗi quan hệ trong đời sống, trong cộng đồng mỹ thuật.
Nghi ngờ, thất vọng và tuyệt vọng với chính mình là những cảm giác mà có lẽ Phan Như Lâm đã trải qua không ít lần, cho đến khi tìm ra được những nét vẽ đầu tiên cho bộ tranh "Ánh sáng tình tôi". Chính vì vậy, đây là triển lãm có tính chất trị liệu của Phan Như Lâm, là ánh sáng cho chính Phan Như Lâm, một dấu mốc trên con đường trở thành hoạ sĩ.
Bộ tranh này là một kết hợp của lối vẽ chân dung mang hơi hướng bán cổ điển, kỹ thuật biểu hiện và tinh thần lãng mạn. Dù cho Phan Như Lâm có mời mẫu Việt để nghiên cứu tạo hình cho một số tác phẩm, nhưng giải phẫu và tạo hình nhân vật nữ lại phảng phất một chút nét Tây. Yếu tố Tây này có lẽ đến từ quan niệm về vẻ đẹp cổ điển của loại tranh chân dung mà bản thân Lâm yêu thích, hoặc từ tỷ lệ giải phẫu mà Lâm theo đuổi, cũng như từ sự thay đổi về nhân dáng nhờ dinh dưỡng và lối sống mới của nhiều phụ nữ Việt ngày nay.
Xem "Ánh sáng tình tôi", thấy Phan Như Lâm dành nhiều ánh sáng và sự tụng ca cho các nhân vật nữ, để rồi từ họ, nhận về những ánh sáng cho chính mình.
Phụ nữ trong tranh Phan Như Lâm - cũng như đa số phụ nữ trong tranh của Lê Phổ, Mai Trung Thứ… trước đây - đang trong trạng thái điềm nhiên, thụ hưởng cuộc sống, thụ hưởng tình yêu và hạnh phúc.
Nỗi buồn với họ, nếu có, cũng chỉ là nét buồn vương, buồn đài các, kiểu “Tâm tư tơ vướng vàng đôi sợi/ Gối nặng say hồn hương với hoa” (Phan Thanh Phước). Dường như bao nhiêu những khó nhọc, băn khoăn thì để cánh đàn ông lo (có thể thấy ở bức Ngư dân, chẳng hạn), còn phụ nữ thì nên đẹp đẽ, an nhàn, nên sống trong năng lượng tích cực. Tất nhiên, đây là một ước muốn lãng mạn của Phan Như Lâm, như một cách thi vị hóa đời thực hoặc tình yêu, vì vậy mà, đó cũng là một cách tự chữa lành.
Và thật sự, những bức tranh trong Ánh sáng tình tôi đã giúp "chữa lành" cho Phan Như Lâm trong nhiều khía cạnh, mà đầu tiên là tâm lý sáng tác. Sau triển lãm này, Lâm sẽ nhìn thấy rõ hơn, tự tin hơn trên con đường mình sẽ đi hoặc sẽ rẽ lối, sẽ thay đổi. Chữa lành cả khía cạnh tham gia thị trường, để bình tĩnh hơn trong làm giá tranh và bán tranh. Chữa lành các mối quan hệ bị rạn nứt trong đời thường, trong tình cảm riêng tư, trong cộng đồng nghệ thuật. Nói như nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng: “Họa sĩ - kẻ sáng tạo nên mình”, ở tuổi “tam thập nhi lập” Phan Như Lâm đang có không ít cơ hội hoặc ánh sáng để tạo nên chính mình.
Phan Như Lâm sinh năm 1993 ở vùng quê nghèo huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận trong một gia đình thuần nông. Gia đình Lâm có 7 người con, 5 chị gái và 1 anh trai, nhưng không may, 1 trong số 5 chị gái đã qua đời từ rất sớm, lúc mới 3 tuổi. Ám ảnh này trở thành một ấn tượng theo Lâm cho tới ngày hôm nay, thành một trong những lý do ca ngợi vẻ đẹp bất tử của phụ nữ.
Phan Như Lâm bộc bạch: “Tôi yêu thích sự đẹp đẽ trong nghệ thuật hội họa, vì trong thế giới của chính mình, tôi cảm nhận chúng thật sống động và hấp dẫn. Tôi mong những bức tranh của tôi giúp người xem cảm nhận vẻ đẹp trong cuộc sống. Giữa những bon chen của đời sống hiện đại, hy vọng chúng ta sẽ tìm thấy và giữ được vẻ đẹp và đam mê cho bản thân”.