Họa sĩ - NSND Nguyễn Dân Quốc: Một “Người chèo” thật sự

NHẬT MINH| 04/05/2018 14:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nói về NSND Nguyễn Dân Quốc - Họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu chèo, NSƯT Lê Chức đã gọi ông là "người chèo" - “Người của làng chèo”. Ông đã viết lịch sử ngành chèo bằng chính ngôn ngữ đầy màu sắc: ngôn ngữ hội họa.

Họa sĩ - NSND Nguyễn Dân Quốc: Một “Người chèo” thật sự

1. Họa sĩ - NSND Nguyễn Dân Quốc, SN 1943 tại Hà Nội. Ông là con trai duy nhất của nhà văn Nguyễn Dân Giám, tác giả của tiểu thuyết Dưới rặng thông nổi tiếng một thời, một trong những nhà văn có tiếng của nền văn học Việt Nam thời kỳ 1930 - 1945.

Không tiếp tục nối nghiệp viết văn của cha, Dân Quốc quyết định làm bạn với ngôn ngữ của hình tượng và màu sắc. Nhiều người thấy lạ đặt câu hỏi “Tại sao?” thì ông chỉ cười hiền, bảo đó là tình yêu, một tình yêu hội họa chớm nở từ khi còn thơ ấu. Ít ai biết, cha ông, cố nhà văn Nguyễn Dân Giám không chỉ là một cây viết văn xuôi có tiếng mà còn là một họa sĩ tài hoa và Dân Quốc từng được giải thưởng tranh thiếu nhi quốc tế tại Hungary vào năm 1958.

Tốt nghiệp trường Mỹ thuật Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Dân Quốc về công tác tại Xưởng phim hoạt hình. Thế rồi, như một mối duyên tiền định, ông đến với nghệ thuật chèo dù trước đó… “chẳng hề thích chèo” bởi “chưa hiểu đến nơi đến chốn”. Sau khi xem những vở chèo cổ truyền thống như Quan âm Thị Kính, Lưu Bình - Dương Lễ, Súy Vân… ông bỗng nhiên “phát hiện” nghệ thuật chèo quả thực quá hay, quá đẹp. Họa sĩ Dân Quốc thấy nếu có thể đưa những cái hay, cái đẹp trong chèo vào phim hoạt hình thì sẽ tạo nên một sự độc đáo, lôi cuốn đặc biệt cho các tác phẩm hoạt họa, đồng thời giúp người xem và nhất là các bạn nhỏ hiểu thêm về những loại hình nghệ thuật truyền thống.

Trong những cuộc trò chuyện về mỹ thuật sân khấu chèo, họa sĩ - NSND Nguyễn Dân Quốc vẫn luôn nhắc lại: “Cái may mắn lớn nhất của đời tôi là được gặp gỡ và trở thành học trò của bậc thầy thiết kế mỹ thuật chèo: Họa sĩ - NSND Nguyễn Đình Hàm, bạn tâm giao với cha mình”. Các nhân vật như Châu Long, Thị Kính, Súy Vân, Mãng Ông, Hề mồi, Hề gậy... qua nét vẽ của thầy Hàm sống động, hấp dẫn đã thực sự cuốn hút và khiến ông bị… “mê hoặc”.

Cuối cùng, “duyên” chèo đã đưa họa sĩ Dân Quốc đến với “nghiệp” thiết kế mỹ thuật chèo. Họa sĩ Dân Quốc kể lại, trong quãng thời gian khi vẫn còn trong biên chế của Xưởng phim hoạt hình, ban ngày ông làm việc tại xưởng vẽ, nhưng buổi tối lại lọc cọc đạp xe 9km đến Nhà hát chèo Trung ương để cùng thầy Hàm thể hiện những ma-két sân khấu của thầy suốt đêm cho đến sáng. Được trực tiếp thể hiện trang trí chèo, ông càng hiểu thêm về giá trị nghệ thuật quý giá, những cái hay nét đẹp của nghệ thuật sân khấu chèo mà cha ông để lại.

Năm 1974, họa sĩ Nguyễn Dân Quốc chuyển hẳn sang làm việc ở Nhà hát chèo Trung ương và công tác tại đây đến lúc nghỉ hưu. Được sắp xếp về phòng nghệ thuật của Nhà hát chèo, ông được thỏa lòng tìm hiểu, trau dồi thêm kiến thức về chèo, về thiết kế mỹ thuật chèo từ các nghệ nhân tên tuổi như: NSND Năm Ngũ, NSND Dịu Hương, GS. NSND Trần Bảng, GS Hà Văn Cầu, tác giả Hàn Thế Du, Lưu Quang Thuận, nhà nghiên cứu Phạm Đình Trọng, Trần Việt Ngữ, đạo diễn Chu Văn Thức, NSƯT - nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh, NSƯT Trần Vinh.

2. Có thể nói, Họa sĩ Dân Quốc đến với chèo nhờ một cái duyên ngẫu nhiên, nhưng không phải ngẫu nhiên mà ông trở thành một trong số ít những họa sĩ thiết kế đã cộng tác và để lại tên tuổi trong danh mục hơn 120 vở diễn và đoàn chèo trên cả nước. Hơn 40 năm hoạt động, họa sĩ Dân Quốc đã thiết kế hơn 600 cảnh trí và hơn 4.000 phục trang của các nhân vật trong vở diễn. Thế nhưng với một họa sĩ quyết giữ mãi “tâm thành” với chèo, mang “tâm thành” để lưu giữ hồn Chèo, chất chèo truyền thống trong mỗi vở diễn mà ông tham gia với vai trò thiết kế mỹ thuật, thì điều quan trọng trong nghệ thuật không thể hiện ở việc đóng góp bao nhiêu mà là đóng góp như thế nào.

Họa sĩ - NSND Nguyễn Dân Quốc chia sẻ: “Khi đến với nghệ thuật chèo, tôi nghĩ rằng phải đi đến với cái gốc của nghệ thuật chèo truyền thống, trong đó có những tinh hoa của nghệ thuật hội họa, từ sơn mài, lụa, khắc gỗ, tranh dân gian, tranh xé giấy…”, tất cả đã được ông chọn lọc và đưa vào các cảnh của trang trí vở diễn. Họa sĩ Dân Quốc khẳng định, với ông mỗi vở diễn là một “bài học”. Ông luôn trăn trở làm sao tìm được hình thức trình bày riêng cho từng vở diễn; mỹ thuật phải đóng góp tiếng nói, làm tôn ý tưởng, chủ đề mà vở diễn muốn nói đến. “Nếu quá chú trọng đến mỹ thuật của trang trí sân khấu như làm kiểu hoành tráng, xa hoa, lộng lẫy… thì những nhân vật biểu diễn có thể bị “chết chìm” trong một cảnh diễn. Điều quan trọng là người họa sĩ cần biết chắt lọc những nét tinh tế từ sự giản dị trong nghệ thuật chèo cổ truyền thống”, họa sĩ Dân Quốc nhấn mạnh.

Đạo diễn - NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam từng viết về họa sĩ - NSND Nguyễn Dân Quốc trong tuyển tập Mỹ thuật Chèo đã đánh giá ông là người “cẩn thận trong từng chi tiết, sạch sẽ, vẽ đẹp một cách dung dị dễ thuyết phục”. “Anh không làm được “hàng giả” và không giả làm!”, ông nhấn mạnh. Đạo diễn - NSƯT Lê Chức cũng viết: “Các gánh chèo xưa đâu có được sự cồng kềnh, hoành tráng. Các đoàn, nhà hát chèo nay đâu có thiếu điều kiện để phô trương?! Nhưng Dân Quốc và những “người chèo” thật sự không vụ vào vật chất và điều kiện tân tiến. Chỗ anh tựa là “tinh thần trong cốt hồn” của chèo gốc - cổ - chèo của ông cha để lại trong quá trình, theo quy trình: nhập mà không tan, đáp ứng trong tương ứng. Chỗ đứng riêng ấy đòi sự cao của tâm đạo cho chèo”.

3. Trong giai đoạn phát triển mới của nghệ thuật chèo, các tác phẩm đề tài hiện đại luôn được những người sáng tác mỹ thuật chèo quan tâm đặc biệt. Làm thế nào để đưa hơi thở của cuộc sống đương đại vào mỹ thuật sân khấu chèo mà vẫn không mất đi hồn cốt của chèo truyền thống là nỗi niềm trăn trở của các họa sĩ chèo. Và như lời đánh giá của nhiều đồng nghiệp trong ngành: NSND Dân Quốc là một trong những họa sĩ thiết kế mỹ thuật chèo đã dành nhiều tâm huyết, thời gian và công sức đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi đó. Đặc biệt, với vốn kiến thức, kinh nghiệm, cùng tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc đã giúp ông gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt trong thiết kế mỹ thuật những vở chèo đề tài hiện đại.

Cầm trên tay bộ sách Mỹ thuật Chèo của NSND - Họa sĩ Nguyễn Dân Quốc, lần giở từng trang những thiết kế mỹ thuật trong các vở diễn mà họa sĩ Dân Quốc sáng tác, tôi như lạc vào không gian đầy màu sắc của những làng quê đồng bằng Bắc bộ. Ở đó là cây đa, bến nước, sân đình, là những bà cụ đầu chít khăn mỏ quạ, miệng bỏm bẻm nhai trầu đang say sưa thả hồn theo làn điệu chèo, là những đứa trẻ chân đất, trên mặt dính nhọ nồi thích thú vỗ tay bôm bốp mỗi khi đến đoạn có chú Hề ra vai…

Dừng tay ở trang sách thể hiện cảnh trí trong vở diễn Sông Trà Khúc của tác giả Tào Mạt, họa sĩ Dân Quốc cho biết đây là vở diễn có nhiều cảnh nhất trong số các vở diễn mà ông thiết kế. Vở diễn nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Điều đặc biệt vào khoảng cuối năm 1974, khi vở chèo Sông Trà Khúc được công diễn, thì chỉ vài tháng sau dân tộc Việt Nam cùng nhân dân yêu chuộng hòa bình khắp nơi trên thế giới hân hoan với Đại thắng mùa Xuân lịch sử 1975. Tiếp đó đến năm 1985, vở diễn đã được Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc, tổ chức ở Nghĩa Bình.

4. “Người của làng chèo” là danh xưng giản dị nhất, dân dã nhất nhưng lại thân thương nhất và đúng nhất mà bạn bè đồng nghiệp yêu mến dành tặng ông: Họa sĩ - NSND Nguyễn Dân Quốc. Mọi người yêu mến ông không chỉ bởi tài năng, tâm huyết của ông, một họa sĩ đã dành cả đời vì sự nghiệp bảo tồn và phát triển nền văn hóa truyền thống dân tộc, mà bởi chính con người ông, nhân cách, đạo đức của ông - một họa sĩ mang tâm sáng với triết lý làm người “Làm con người phải luôn luôn sống có nhân cách với một ý nghĩa sống tử tế”, và một triết lý làm nghề “Sự khó nhất là vượt qua chính mình trong những thiết kế của từng vở diễn mà mình đã làm”… Mặc dù nghỉ hưu đã lâu, nhưng ông chỉ nghỉ công tác ở Nhà hát chèo chứ chưa bao giờ ngừng nghỉ niềm say sưa với nghệ thuật chèo. Giờ đây, ông vẫn tham gia nhận lời thiết kế cho các đoàn chèo dù đã ở tuổi 76.

Với họa sĩ Dân Quốc, đến với chèo không chỉ là “duyên”, gắn với nghề thiết kế mỹ thuật sân khấu chèo không chỉ bởi đó là “nghiệp”, mà hơn hết, trong tâm ông luôn đau đáu nỗi niềm: làm sao để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng trong bối cảnh quốc tế hóa, toàn cầu hóa hiện nay.

Trong lời “giáo đầu” cuốn Mỹ thuật Chèo - Đề tài hiện đại, NSND - Họa sĩ Nguyễn Dân Quốc đã khẳng định:

“Vững bước theo nghiệp Tổ

Tâm thành mãi mãi tri ân

Để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam”.

Và đến khúc “vĩ thanh”, một lần nữa ông khẳng định:

“Gắng sức noi theo nghiệp Tổ

Thủy chung son sắt với chèo

Đường trường chông chênh mấy khúc

Vững vàng qua bước gieo neo”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ - NSND Nguyễn Dân Quốc: Một “Người chèo” thật sự