“Hoa lửa” trên miền đá

Vân Phạm| 06/11/2014 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngược miền trời cực Bắc, có biết bao nhiêu con đường chạy giữa mênh mang đá núi để lên tới đỉnh trời, lên tới những bản làng của bà con các dân tộc trên biên giới.

Suốt hai mươi năm qua, trên những “thông thiên lộ” lên tới các xã vùng cao ngút ngàn mây trắng hay những bản làng nép mình dưới thung sâu ấy, có một người phụ nữ vẫn lặng lẽ đến với các gia đình có người thân đang là đối tượng bị truy nã hay với những địa bàn thường xuyên xảy ra các vụ việc nghiêm trọng để tổ chức điều tra phá án. 

Chị là thượng tá Nguyễn Thị Hạnh, người dân tộc Tày, điều tra viên cao cấp, Đội phó Đội điều tra, thẩm định hồ sơ tố tụng thuộc Văn phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang.

Kiên quyết đấu tranh với tội phạm

Chúng tôi gặp thượng tá Nguyễn Thị Hạnh vào khoảng giữa năm 2013, thời điểm chị được Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp điều tra và hoàn tất hồ sơ vụ án "Nông Văn Kiểu cùng đồng bọn có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" lớn nhất từ trước đến nay tại Hà Giang. Chị cùng những điều tra viên cao cấp khác của Đội đang dồn sức, gồng mình chạy đua với thời gian để thực hiện nhiệm vụ khi có vụ án, chuyên án được xác lập, chờ lời giải đáp.

Qua một thời gian thu thập chứng cứ, tiến hành thẩm tra, lấy lời khai của đối tượng, thượng tá Hạnh xác định, đây là vụ án rất phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi lực lượng điều tra dày công thực hiện nhiều tháng qua tại các địa bàn của tỉnh Hà Giang và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Quá trình điều tra cũng gặp nhiều khó khăn khi các đối tượng có quan hệ anh em, gia đình nên hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt và có nhiều "kinh nghiệm" đối phó với cơ quan chức năng…

Chị Hạnh đã cùng đồng đội đi lại như con thoi giữa các địa bàn trọng điểm mà các đối tượng thường tổ chức giao nhận vũ khí. Trong những lần xét hỏi, chị chủ động thuyết phục, cung cấp bằng chứng và chỉ rõ mức độ phạm tội của từng đối tượng. Cung cách ứng xử đúng mực, làm việc cương quyết và khôn khéo giúp chị thu thập thêm nhiều tài liệu quan trọng, bắt giữ nhiều đối tượng nguy hiểm.

Sau nhiều tháng tích cực điều tra, hoàn thiện hồ sơ, thượng tá Nguyễn Thị Hạnh đã hoàn tất mọi thủ tục và báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang. Hồ sơ của vụ án chỉ rõ, từ năm 2011 đến cuối năm 2012, bị can Nông Văn Kiểu và đồng bọn đã có hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng với tổng số 11 khẩu (trong đó có 3 khẩu súng AK, 6 khẩu súng CKC, hai khẩu súng ngắn và một nòng súng AK). Chín đối tượng đã hưởng lợi từ việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí quân dụng này hàng trăm triệu đồng. 

 “Hoa lửa” trên miền đá

Những đêm dài miệt mài bên tập hồ sơ tội phạm

Việc triệt phá thành công một đường dây tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí quân dụng xuyên quốc gia ở Hà Giang với sự đóng góp không nhỏ của thượng tá Nguyễn Thị Hạnh được coi là một chiến công xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm của cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Hà Giang.

Những vụ việc phức tạp như vụ án kể trên chỉ là một trong số rất nhiều chuyên án mà thượng tá Nguyễn Thị Hạnh đã trực tiếp xử lý thành công trong khoảng thời gian hơn 20 năm gắn bó với công tác điều tra phá án của mình. Mọi nẻo đường xa xôi từ thị xã Hà Giang lên đến các huyện vùng cao Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần, Hoàng Su Phì… đã chứng kiến sự lăn lộn, tận tâm với công việc của chị. Bà con các dân tộc Dao, Mông, Phu Péo, Lô Lô tại nhiều bản làng khuất nẻo ít người biết tới đã từng gặp, từng thấy chị vững vàng thể hiện trình độ nghiệp vụ và sự gần gũi, gắn bó với nhân dân qua mỗi lần chị đến đây công tác. Cứ thế, vừa học hỏi, vừa đúc rút kinh nghiệm qua từng chuyên án, nữ sỹ quan trẻ năm nào đã trở thành một cán bộ điều tra giàu bản lĩnh, được cấp trên tin tưởng, đồng đội nể phục.

Linh hoạt trong công việc

Với đặc thù công việc là trực tiếp đấu tranh với các loại tội phạm, thượng tá Hạnh hiểu hơn ai hết áp lực mà bản thân mình cùng gia đình phải gánh chịu. Nhận phụ trách điều tra chuyên án là xác định chấp nhận khó khăn,đối mặt với biết bao hiểm nguy luôn rình rập trước sự manh động của các đối tượng nhằm thoát tội, vậy mà nữ điều tra viên cao cấp của vùng cao Hà Giang này luôn coi đó như một thử thách để tôi luyện thêm bản lĩnh của người cảnh sát nhân dân. Có lẽ cũng chính từ lòng quyết tâm và sự tận tụy, hết lòng với nhiệm vụ được giao nên trên mọi cương vị công tác, trong mọi lĩnh vực điều tra, chị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.        

Kiên quyết và mạnh mẽ trong đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, nhưng trong công tác vận động đầu thú, chính trái tim biết yêu thương, chia sẻ và cảm thông của chị đã có sức lay động đến những tên tội phạm ngoan cố và ranh ma nhất. Từ năm 2004 đến năm 2008, chị Hạnh được phân công tác tại Phòng PC17 Công an tỉnh Hà Giang với nhiệm vụ là Đội trưởng điều tra các vụ án về ma tuý. Nhiều đường dây ma túy lớn bị Công an Hà Giang triệt phá trong thời gian này như đường dây ma túy liên tỉnh từ Điện Biên, Thái Nguyên lên Hà Giang và nhiều tụ điểm mua bán ma túy… đã góp phần khiến cho tệ nạn buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma túy trên địa bàn Hà Giang giảm đi đáng kể.

 “Hoa lửa” trên miền đá

Thượng tá Nguyễn Thị Hạnh lấy lời khai của Nông Văn Kiểu

Từ năm 2009 cho đến năm 2012, khi đảm nhiệm chức vụ  Đội trưởng Đội giam giữ, truy nã trực thuộc Phòng PC44, chị Hạnh đã thường xuyên chỉ đạo Đội chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch về tăng cường công tác kiểm tra tra tạm giữ, tạm giam, đồng thời làm tốt công tác tiếp nhận, xây dựng kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và tổ chức vận động, truy bắt đối tượng truy nã; tham gia thẩm định và trực tiếp điều tra các vụ án phức tạp. Chị lặng lẽ đến với các gia đình có người thân đang là đối tượng bị truy nã trên địa bàn tỉnh. Bằng sự sẻ chia thông cảm xuất phát từ tấm lòng của người phụ nữ, bằng những kiến giải sắc bén, thấu tình đạt lý, chị đã mở một lối về cho các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật đang lẩn trốn. Dân bản không rõ chị đã nói với gia đình đối tượng những gì, vận động như thế nào… nhưng chỉ sau vài lần chị xuất hiện tại gia đình họ, các đối tượng đã tự giác đến trình diện tại Cơ quan cảnh sát điều tra.

Có thể nói, thượng tá Nguyễn Thị Hạnh là một trong số rất ít các nữ điều tra viên của tỉnh Hà Giang trực tiếp tham gia hầu hết các loại án từ án ma túy, án kinh tế đến án hình sự… Các chuyên án mua bán, tàng trữ ma túy, mua bán phụ nữ, trẻ em, giết người cướp của, hiếp dâm… xảy ra trên địa bàn tỉnh với sự góp sức của nữ điều tra viên miền sơn cước này đều được lãnh đạo và đồng nghiệp đánh giá cao về thời gian phá án, phương pháp sàng lọc thông tin, thẩm định lời khai và hoàn thiện hồ sơ ban đầu, giúp cho các cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong việc khởi tố vụ án và đưa ra xét xử đúng người, đúng tội, đảm bảo không bị oan sai hay để lọt người, lọt tội. Thành tích ấy của chị được thể hiện bằng những danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở cùng nhiều bằng khen, giấy khen của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Công an tỉnh Hà Giang.

Lãnh đạo, đồng nghiệp tin yêu

“Để làm tốt vai trò của điều tra viên, không chỉ cần có bản lĩnh vững vàng, trung thực, khách quan mà quan trọng hơn cần phải có sự mềm dẻo, khéo léo, luôn có thái độ cầu thị, biết lắng nghe và chia sẻ, cân nhắc, thận trọng trước mỗi tình tiết còn chưa sáng tỏ, phải coi trọng sự thật hơn thành tích. Trong phong trào thi đua "Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" tôi xác định phải học tập Bác từ những điều nhỏ nhất như lề lối, tác phong làm việc, cách ứng xử với đồng bào các dân tộc thiểu số và đặc biệt là sự tận tâm, tận lực với nhiệm vụ được giao”, thượng tá Hạnh chia sẻ.

Với tấm lòng vị tha của người phụ nữ và thái độ cầu thị, coi trọng sự thật hơn thành tích, thượng tá Nguyễn Thị Hạnh luôn cân nhắc thận trọng trước mỗi một tình tiết còn chưa sáng tỏ. Nhiều tình tiết, chị yêu cầu anh em điều tra lại thật cụ thể, tỉ mỉ. Bản thân chị cũng trực tiếp xuống địa bàn, gặp gỡ đối tượng, người làm chứng và bền bỉ khai thác những điều còn chưa sáng tỏ qua những trang hồ sơ để tìm được câu trả lời thỏa đáng nhất. Qua công tác điều tra, chị đã giúp cho nhiều người bị oan sai chứng minh được sự trong sạch của mình, hoặc chứng minh được mức độ tham gia vụ việc để các đối tượng không bị kết án quá nặng, có cơ hội làm lại cuộc đời.

Thượng tá Nguyễn Thu Trang, Phó phòng công tác chính trị Công an tỉnh Hà Giang nhắc đến nữ đồng nghiệp của mình với một sự trân trọng: “Đồng chí Hạnh là người luôn nhiệt tình và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo, vai trò lãnh đạo chỉ huy, luôn quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, kịp thời động viên, chia sẻ những khó khăn vất vả trong công việc của đồng đội. Không những thế, thượng tá Hạnh là một điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Mỗi ngày, mỗi cán bộ, chiến sỹ làm ít nhất một việc tốt vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân” của Công an tỉnh Hà Giang”.

Nhờ sự tận tụy và hết lòng với công việc như thế nên trong nhiều năm qua, thượng tá Nguyễn Thị Hạnh luôn được lãnh đạo đơn vị và đồng nghiệp đánh giá cao. Họ coi chị như là một tấm gương về sự yêu nghề và tinh thần trách nhiệm với từng chuyên án. Nhiều anh em đồng nghiệp còn gọi chị với cái tên đầy trìu mến: “Bông hoa lửa” miền biên ải. Có cảm giác hầu hết quỹ thời gian của nữ điều tra viên cao cấp vùng cực Bắc này đều dành cho công việc. Ngoài những lúc cùng cộng sự xuống hiện trường tham gia thu thập chứng cứ, tang vật của vụ án thì hầu hết thời gian còn lại trong ngày, chị đều miệt mài làm việc bên những chồng hồ sơ dày hàng trăm trang với mong muốn nhanh chóng đưa những kẻ thủ ác, những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật ra ánh sáng, trả lại sự bình yên cho nhân dân và quê hương Hà Giang của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hoa lửa” trên miền đá