Hòa giải thành: Thiệt hại ra đi, hòa khí ở lại

Thao-Toàn| 06/11/2018 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực tế đã có những rủi ro trong làm ăn nhưng chủ thể của nó lại bế tắc về phương án xử lý. Hòa giải đã giúp cho họ nhận thức đúng đắn, mạch lạc hơn, từ đó có những quyết định phù hợp pháp luật và giải phóng cho chính mình.

Hòa giải  thành còn góp phần đáng kể giúp giảm thiểu chi phí, thậm chí là thiệt hại cho các bên.

Qua hòa giải tìm được “lối thoát” khả thi

Ngày 30/5/2018,TAND quận Ngô Quyền, Hải Phòng ban hành Quyết định số 10/2018/QĐDS-ST về “Yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án”. Đây là một trong 45 vụ tranh chấp về kinh doanh thương mại đã được hòa giải thành trong thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại của Tòa án 2 cấp thành phố Hải Phòng. Theo quyết định này thì người yêu cầu giải quyết việc dân sự là Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) và có địa chỉ tại quận Ngô Quyền.  Vụ việc Công ty cổ phần thương mại PTĐ nợ khoản tiền vay ngân hàng là 4, 4 tỷ. Quá thời hạn  theo cam kết nhưng bên vay đã chậm thanh toán nợ gốc và lãi và các bên không tự giải quyết được nên phía ngân hàng khởi kiện đến TAND quận Ngô Quyền.

Vụ việc diễn ra trong thời gian tiến hành thí điểm mô hình hoà giải đối thoại tại Hải Phòng, TAND quận Ngô Quyền đã cùng Trung tâm hòa giải quận giải quyết. Với sự nhiệt tình và kiên trì của Hòa giải viên, các bên đã đạt được sự đồng thuận và tự nguyện thỏa thuận giải quyết vụ việc này. Trung tâm hòa giải quận Ngô Quyền đã lập biên bản hòa giải thành và TAND quận Ngô Quyền ban hành quyết định nêu trên.

Chia sẻ với báo Công lý, Hòa giải viên-  Luật sư Phùng Khắc Lợi cho biết, trong vụ việc này điều quan trọng là thông qua hòa giải đã giúp cho bên vay tìm ra “lối thoát”  khả thi nhất. Là người có nhiều kinh nghiệm giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến vay nợ ngân hàng ông Lợi cho rằng, cần phải giúp cho đương sự nhìn thẳng vào sự thật và chấp nhận “cuộc chơi” mà ở đó có quy luật khắc nghiệt “lời ăn lỗ chịu”. Đứng trước khó khăn, cần tỉnh táo và nhanh chóng tìm ra cách cứu vãn, vừa giữ được chữ  tín cho bản thân để còn tiếp tục tìm kiếm cơ hội kinh doanh khác, vừa giảm thiểu thiệt hại mà đáng ra bên nợ có thể kiểm soát được.

Về vụ việc nêu trên, ông Lợi cho biết, ban đầu đại diện phía công ty né tránh, không tham gia giải quyết. Bằng mối quan hệ xã hội, Hòa giải viên Lợi đã kiên trì thuyết phục đại diện Công ty PTĐ và thẳng thắn đưa quan điểm. Theo đó, cần biết chấp nhận “có vay có trả”  và món nợ thì càng ngày càng tăng mà tài sản đã  thế chấp  nếu muốn giữ cũng không thể  sử dụng để kinh doanh được. Nợ chồng lên nợ, cuối cùng tài sản thế chấp vẫn bị xử lý mà không còn vốn để “làm lại từ đầu”. Muốn vậy, ông Lợi đưa ra ý kiến để bên vay suy xét rằng hãy nhanh chóng hợp tác với ngân hàng để tìm phương án trả nợ. Trong trường hợp không còn khả năng thì nên nghĩ đến giải pháp tự bán tài sản thế chấp để thu được giá trị tối đa, thu tiền trả ngân hàng, phần còn lại để làm vốn và có cơ hội để “bày keo khác”.

Theo ông Lợi, đó là cách mà bên vay giữ lại chữ tín cho bản thân để tiếp tục làm ăn, kinh doanh… Sau khi được chỉ ra giải pháp hợp lý này, phía bên vay đã chấp nhận ngồi lại với bên cho vay với sự chứng kiến của Hòa giải viên. Tại đây, bên vay đã  chấp nhận phương án thanh toán kể cả tự nguyện bàn giao để ngân hàng phát mại nhà, đất đã thế chấp. Căn cứ sự thỏa thuận tự nguyện của các bên, TAND quận Ngô Quyền đã ban hành quyết định nêu trên, vụ việc chấm dứt.

Hòa giải thành: Thiệt hại ra đi, hòa khí ở lại

 Hòa giải viên Phùng Khắc Lợi (bên phải)  trao đổi với phóng viên

Bà Hoàng Diễm Dương, Giám đốc Agribank – Chi nhánh quận Hải An  cho biết, việc hòa giải thông qua Trung tâm hòa giải quận Ngô Quyền đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Trước hết, hòa giải đã giúp cho các bên nhận rõ những vướng mắc từ đó đề đạt nguyện vọng để đi đến thống nhất trên cơ sở bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật mà vẫn giữ được hòa khí giữa ngân hàng và khách hàng. Tính ưu việt của việc hòa giải thành còn ở chỗ đã rút ngắn được thời gian giải quyết, góp phần đẩy nhanh được tiến độ xử lý nợ xấu. Bà mong muốn công tác hòa giải thông qua Trung tâm hòa giải này được  nhân rộng…

“Thiệt hại ra đi, hòa khí ở lại”

Thông thường một vụ việc đưa ra giải quyết theo tố tụng sẽ cần một khoảng thời gian nhất định, chưa kể đương sự lẩn tránh hoặc qua nhiều cấp xét xử…Rồi đến giai đoạn đưa ra thi hành án với rất nhiều khó khăn cuối cùng mới thu hồi được nhỏ giọt. Theo ông Nguyễn Công Vinh- Trưởng phòng xử lý nợ Ngân hàng SHB, việc giải quyết thông qua hòa giải tại Trung tâm hòa giải sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian và đương nhiên càng thu hồi vốn nhanh thì chu trình luân chuyển vốn càng nhành, hiệu quả kinh doanh sẽ cao hơn. Hay nói cách khác, thiệt hại được giảm thiểu, thậm chí không xảy ra nữa mà lợi ích thì đem lại rõ ràng. Vấn đề tạm ứng án phí cũng là một điều đáng quan tâm. Theo ông Vinh, với những vụ khởi kiện hàng trăm tỷ, số tiền tạm ứng án phí là không nhỏ, nhất là trong khi nợ chưa thu được lại phải chi ra tiền tạm ứng là một bất cập trong kinh doanh.

Ông Vinh cho biết, SHB là đơn vị từng có và đang có một số việc phải xử lý nợ xấu. Vừa qua, trong đợt thí điểm hòa giải, đối thoại tại các Trung tâm hòa giải ở Hải Phòng, SHB cũng được giải quyết xong một số việc. Chẳng hạn vụ việc xử lý nợ tại huyện An Dương với dư nợ của một khách hàng là hơn 150 tỷ, vụ việc lại hết sức phức tạp. Nếu vụ việc đó giải quyết theo tố tụng bình thường thì sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém các chi phí án phí, chi phí giám định tài sản …Nhưng với  chủ trương của lãnh đạo ngân hàng luôn tôn trọng và  đề cao vị trí của công tác hòa giải, với  kinh nghiệm của các Hòa giải viên nên vụ việc này đã nhanh chóng có kết quả. Các bên đã tìm được tiếng nói chung để cùng giải quyết khoản nợ theo quy định mà không tốn kém về kinh phí và thời gian.

 Ông Vinh chia sẻ, thông qua hòa giải đạt được sự tự nguyện, sự thiện chí hợp tác của các bên để cùng giải quyết. Vấn đề này các Hòa giải viên đã làm được bằng kinh nghiệm, với trách nhiệm cao. Và khi hòa giải thành thì hòa khí của các bên “ở lại”, vừa giải quyết tốt việc đang tồn tại mà còn tiếp tục mở ra những quan hệ làm ăn kinh tế tốt đẹp.

Là người trực tiếp làm công tác xử lý nợ xấu của ngân hàng, ông Vinh rất mong muốn các Trung tâm hòa giải phát triển tốt, giúp cho ngân hàng giải quyết công việc thu hồi nợ nhanh chóng, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí, vừa giữ được hòa khí cho các bên hợp tác lâu dài, cùng có lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa giải thành: Thiệt hại ra đi, hòa khí ở lại