Theo Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ vừa được Thủ tướng ký, ban hành, doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển sẽ được vay vốn ưu đãi ngắn hạn tại các tổ chức tín dụng.
Theo đó, doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển sẽ được vay vốn ưu đãi ngắn hạn tại các tổ chức tín dụng. Với các khoản vay trung, dài hạn, Nhà nước sẽ cấp bù chênh lệch lãi suất tối đa 5% một năm.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, Nghị quyết cũng đưa ra yêu cầu thu hút, kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt và tập đoàn đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài. Việt Nam sẽ xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung, tạo cụm liên kết ngành nhằm tăng tính tự chủ nguyên vật liệu đầu vào sản xuất, giảm phụ thuộc nhập khẩu.
Nghị quyết cũng dành ưu tiên vốn ngân sách để xây dựng 5 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng trong lĩnh vực công nghiệp, cơ khí, điện tử, dệt may và da giày để hỗ trợ đổi mới và sáng tạo, sản xuất thử nghiệm và kiểm định chất lượng cho các doanh nghiệp.
Về thuế, Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, theo hướng điều chỉnh cơ chế và thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng, tạo thuận lợi về vốn cho các doanh nghiệp. Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô cũng sẽ được nghiên cứu sửa đổi để khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước.
Nghị quyết 115 đặt mục tiêu Việt Nam sản xuất được các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 45% nhu cầu sản xuất, tiêu dùng nội địa trong 5 năm tới và sẽ tăng lên 70% vào 2030.
Sẽ có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia vào năm 2025. Số lượng này dự kiến tăng lên gấp đôi sau đó 5 năm.