Chính trị

Hỗ trợ 100 tỷ đồng cho mỗi tỉnh, thành phố giảm sau sáp nhập

Duy Tuấn 15/04/2025 - 16:39

Ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 100 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm từ nguồn dự phòng ngân sách...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025.

n1.jpeg
Toàn cảnh phiên họp

Theo nghị quyết, kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính do ngân sách địa phương bảo đảm. Tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được sử dụng kinh phí thường xuyên trong nguồn ngân sách Nhà nước đã được giao trong thời kỳ ổn định ngân sách để chi các nhiệm vụ.

Ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 100 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2025.

Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương và nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể các nhiệm vụ chi tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và quyết định mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp, báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

Việc bố trí, sử dụng trụ sở, xử lý tài chính, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài chính, tài sản công và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Chính quyền địa phương cấp tỉnh nơi dự kiến bố trí trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến hình thành sau sắp xếp có trách nhiệm chủ động cân đối, bố trí ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính sau sắp xếp. Quan tâm bố trí nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ công tác và nhu cầu đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp để ổn định điều kiện làm việc tại đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Chính quyền địa phương cấp tỉnh cũng phải hướng dẫn, tạo điều kiện để chính quyền địa phương cấp xã sau sắp xếp cân đối ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc, bảo đảm điều kiện làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại đơn vị hành chính cấp xã.

Việc chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức được thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 190 ngày 19/2/2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.

Theo đó, văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định của pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền.

Không được yêu cầu tổ chức, cá nhân làm thủ tục cấp đổi giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước khi các giấy tờ này chưa hết thời hạn sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, việc cấp, sử dụng con dấu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Chính phủ.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ 100 tỷ đồng cho mỗi tỉnh, thành phố giảm sau sáp nhập