Hạt hồng xiêm sau 4 năm nằm trong phế quản khiến bệnh nhân ho dai dẳng vừa được các bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) xử lý thành công.
Trước đó, vào ngày 5/10, chị D.T.M.L. (sinh năm 1970, ngụ phường Linh Xuân, Thủ Đức) đến khám bệnh tại phòng Khám đa khoa Linh Xuân (Khoa Khám bệnh 3 - trực thuộc bệnh viện quận Thủ Đức) do có triệu chứng ho nhiều, sốt...
Sau khi thăm khám, chị L. được chỉ định nhập viện để theo dõi và điều trị vì kết quả X-quang bất thường, ở đáy phổi phải xuất hiện một đám mờ. Kết quả chụp CT ngực của bệnh nhân ghi nhận trong lòng phế quản thùy dưới phổi phải có một dị vật trong phổi không rõ bản chất, kèm thương tổn viêm thùy giữa và thùy dưới phổi phải.
Các bác sĩ tiến hành nội soi phế quản bằng ống nội soi mềm thì phát hiện dị vật có màu đen, dạng elip, kích thước khoảng 2cm. Dị vật được gắp ra ngoài qua ống nội soi được xác định là 1 hạt của trái hồng xiêm.
Hình ảnh dị vật trong phế quản bệnh nhân
Theo lời kể của bệnh nhân với bác sĩ, khoảng 4 năm trước, trong lúc hai mẹ con vừa ăn hồng xiêm vừa nói chuyện thì không may bị ho sặc. Chị bị hạt trái cây vướng vào cổ họng nên dùng tay cố móc nhưng không được. Cô con gái đã lấy cơm và nước cho mẹ nhai nuốt để đẩy hạt xuống bao tử. Sau khi chữa “mẹo” người mẹ hết ho sặc.
Sau lần đó, khoảng 3 tháng sau chị L. bắt đầu có triệu chứng ho liên tục, có đờm,… mỗi lần ho như vậy chị lại mua uống thuốc, lúc đó triệu chứng có giảm nhưng khi ngưng thuốc lại ho tiếp.
Nhiều lần chị đã đi khám và điều trị bệnh ở nhiều nơi, nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi lại tái phát.
Theo bác sĩ Lê Hoàng Hải - Khoa Nội tổng quát, Bệnh viện quận Thủ Đức, người trực tiếp nội soi và thực hiện gắp dị vật, nếu không phát hiện kịp thời bệnh nhân L. có thể gặp phải các biến chứng như viêm phổi liên tục, nặng có thể gây xẹp phổi hoặc áp xe phổi.
“Bệnh nhân thường đi khám, được chẩn đoán và điều trị viêm phổi nhưng ít khi nghĩ đến viêm phổi do dị vật. Do đó, hầu hết các trường hợp dị vật ở phế quản thường được chẩn đoán và xác định muộn, như bệnh nhân L. Sau 4 năm hóc hạt hồng xiêm mới phát hiện ra đây chính là nguyên nhân. Với những ca hóc dị vật như vậy, cách duy nhất là gắp dị vật ra càng sớm càng tốt”, BS Hải cho hay.
Qua đó, bác sĩ khuyến cáo, mọi người khi ăn uống cần cẩn trọng, tránh cười đùa, nhất là khi ăn trái cây có hạt. Khi xảy ra sự cố hóc hạt, dị vật nên đi kiểm tra, soi gắp ở những bệnh viện có chuyên khoa. Việc gắp dị vật đường hô hấp cần được thực hiện ở chuyên khoa ngoại lồng ngực, nếu chẳng may rách khí quản thì có thể xử trí mổ mở kịp thời.