Đây là đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo.
Ngày 21/7/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 28/2015/QĐ-TTg quy định về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm từng bước ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Theo Quyết định 28: Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng không quá 5 năm.
Về quy định này, dự thảo đề xuất sửa đổi như sau: "Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng không quá 10 năm.”
Như vậy, thời hạn cho vay được đề xuất tăng lên gấp đôi, từ 5 năm lên tới 10 năm.
Thời gian tới, những hộ thoát nghèo sẽ được hỗ trợ vốn để tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế
Trước đó, nhờ những hỗ trợ từ các khỏan vay, theo thống kê trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã chứng minh vai trò quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Đây cũng là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2014-2019, số hộ nghèo giảm nhanh, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 giảm từ 14,2% xuống 4,25%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (2015) xuống còn 5,23% (2018), 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 900 nghìn lao động, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông dân, nông thôn.