Hiu hắt “xóm Việt kiều”

Vân Phạm| 21/10/2016 13:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ven khu vực lòng hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh có một xóm nhỏ gồm hàng trăm người Việt từng lưu lạc ở Campuchia trở về. Họ sống rải rác trong những căn nhà tạm bợ, không đất canh tác, không công ăn việc làm, thu nhập bấp bênh, nhiều gia đình chạy ăn từng bữa.

Ấp “3 không”

Nếu tính theo đường chim bay thì “xóm Việt kiều” tại khu vực lòng hồ Dầu Tiếng chỉ cách trung tâm huyện lị Tân Châu (Tây Ninh) chừng vài chục phút chạy xe. Chỉ vậy thôi nhưng ở đó là một thế giới khác, một thế giới bấn nghèo, tạm bợ buồn tê tái. Nơi đây có vài chục căn nhà xiêu vẹo nhưng lại là nơi trú ngụ của vô vàn những số phận trôi dạt, cùng khổ, không lối thoát. Họ phần lớn là những người đã từng sống ở Campuchia nhiều năm, mưu sinh bằng nghề chài lưới, buôn bán nhỏ trên ghe. Vì cuộc sống trên con nước ở Biển Hồ quá khắc nghiệt, họ cảm thấy không an toàn nên đã tìm đường quay về Việt Nam.

Căn chòi đầu tiên mà chúng tôi đến thăm được dựng lên cách đây 3 tháng. Chưa đầy 10m2 nhưng đó lại là nơi sinh hoạt của 6 con người. Họ là những người mới nhất vừa di cư từ Biển Hồ - Campuchia về đây sinh sống. Chủ nhà, anh Phan Văn Thoại thật lời: “Ở bên đó cũng sống nhờ lưới câu, nhưng bị ép buộc quá trời mần không được nên đành phải quay về đây sinh sống. Về cũng ngót ba tháng nay rồi, tui vẫn đang loay hoay chưa biết những ngày tới sẽ ra sao, làm gì để gồng gánh nuôi 6 miệng ăn”.

Chật chội, thiếu thốn là vậy, công ăn việc làm lại không có, con cái thì nheo nhóc, song với những con người này, cuộc sống hiện tại vẫn an toàn và tốt hơn rất nhiều so với những năm tháng mưu sinh cơ cực nơi xứ người. Chị Lê Thị Riêng, một chủ hộ khác kể lại rằng, họ đã phải trốn chui nhủi suốt dọc hành trình trở về nước. “Về đây mấy người quen biết cho đi làm, cũng kiếm được chút tiền, mua được chiếc xuồng, giờ đi đổ lưới, vợ chồng cũng sống đủ qua ngày. Ráng mần chắt bóp, ở tới đâu hay tới nấy, chứ ở trên Miên giờ cũng khó khăn lắm. Mình đi làm thuê làm mướn thì chủ bị bắt mình cũng bị bắt theo luôn, mà nó giam ở đó như cái tù lỏng vậy, đi tới, đi vô, đi ra, ở lâu ngày nó cũng bỏ đói, có tiền chuộc thì ra làm nữa còn không có thì ở đó hoài”, chị Riêng kể.

Ông Lê Văn Phùng năm nay 82 tuổi, là người lớn tuổi nhất ở xóm Việt kiều ấp Cây Khế, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. 13 năm trở về nước, tài sản của 8 con người mang danh “Việt kiều hồi hương” chỉ là những tay lưới chắp vá và ba không: Không giấy tờ tùy thân, không hộ khẩu và không công ăn việc làm ổn định, tương lai mờ mịt. Phần lớn cuộc đời ông Phùng đã sống trên Biển Hồ - Campuchia như những ngư dân nghèo mưu sinh nhờ con tôm, con cá. Tuổi trẻ đã đi qua, sức khỏe đã cạn kiệt dần theo năm tháng, nay ông Phùng trở về quê hương vẫn trong cảnh nghèo khó. Nóc nhà tạm của ông dựng ngay bên mép hồ Dầu Tiếng, là phần đất lấn chiếm rừng phòng hộ. Ngày qua ngày canh cánh một nỗi lo có thể bị giải tỏa bất cứ lúc nào

Những đứa trẻ chúng tôi gặp ở đây, có đứa được sinh ra tại Biển Hồ - Campuchia, cũng có đứa được chôn nhau, cắt rốn ngay tại xóm Việt kiều này, nhưng phần lớn chúng có chung một hoàn cảnh: Không có giấy khai sinh, không hộ khẩu. Rồi đàn trẻ nheo nhóc, còi cọc vì thiếu thốn ấy chỉ vừa lẫm chẫm biết đi đã phải theo cha mẹ bươn trải kiếm sống. Và cha mẹ chúng - vì đông con, vì còn quá nhiều thứ để lo toan, để kiếm sống qua ngày nên nhiều người đôi khi không nhớ chính xác tên, tuổi các con của mình.

Hiu hắt “xóm Việt kiều”

Anh Phan Văn Thoại: “Tôi chỉ mong kiếm đủ ngày hai bữa cơm cho mấy đứa con…”

Biết những người đi trước về nước được yên ổn làm ăn, lần lượt từng hộ dân từ bên kia biên giới lại kéo về theo. Tính đến giờ, toàn xã Tân Thành có hàng trăm nhân khẩu là Việt kiều trở về từ Campuchia, dần tạo nên những xóm, ấp “3 không”. Không giấy tùy thân, không đất đai nhà cửa, không công ăn việc làm, và nhiều người còn không cả… chữ. Những người dân ở đây hàng ngày phải đi đánh bắt cá trên hồ Dầu Tiếng hay làm thuê kiếm sống.

Đã có một số cô gái lập gia đình với những chàng trai cũng là Việt kiều từ Campuchia về, nhưng do họ về đây từ lâu nên có hộ khẩu và nhà cửa ổn định, hoặc là dân địa phương. Như Nguyễn Thị Mười (20 tuổi) con của bà Nguyễn Thị Hương. Bà Hương chia sẻ: “Thấy con có được tấm chồng dù không giàu sang gì, nhưng thoát được cảnh sống không nhà cửa, giấy tờ tôi cũng mừng”.

Gian nan hành trình trở về

Một vùng biên giới đang bình yên bỗng dưng có hàng trăm người gốc gác, lai lịch không rõ ràng, không giấy tờ tùy thân, chuyên sống bằng nghề chài lưới đến cư ngụ ngay trong lòng hồ Dầu Tiếng - một hồ thủy lợi có dung tích nước lớn của Đông Nam Á. Hơn nữa, trong dòng người hồi hương về nước cũng là một cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng để cài cắm, móc nối, xâm nhập nhằm hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước. Rồi vấn đề tội phạm tìm cách trà trộn, ẩn náu vào xóm Việt Kiều không mảnh giấy lận lưng… bấy nhiêu đó đã làm cho chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng nơi đây mất ăn mất ngủ.

Địa bàn biên giới phức tạp, an ninh trật tự vùng biên bị xáo trộn, trong lúc chờ các chủ trương, giải pháp của cấp có thẩm quyền để giải quyết vấn đề hộ tịch, hộ khẩu, Hàng ngày, các cán bộ chính quyền phải thay phiên nhau bám chặt địa bàn, đến từng nhà, nhắc từng người: Một ngày sống trên đất Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp của nhà nước Việt Nam cũng như các quy định của địa phương.

Đồng thời, nhiều người dân ở xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cũng tỏ ra lo lắng về việc các hộ dân đang ngày một nhiều thêm. Mỗi một căn chòi mọc lên là đồng nghĩa với vài cây rừng phải bị đốn hạ, an ninh trật tự vùng biên rối loạn, vệ sinh môi trường ở địa phương càng thêm nhếch nhác… Không đất đai, nhà cửa; không giấy tờ tùy thân, thậm chí không nhớ nổi cả gốc tích họ hàng của mình. Những con người "3 không" ở cái xóm Việt kiều này như anh Thoại, chị Riêng, hay ông Phùng đều đang mong ngóng cháy lòng để được nhập quốc tịch Việt Nam. Họ không dám mong được hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, nhưng họ mong có một tấm giấy thông hành để có thể mưu sinh lâu dài ổn định ngay trên quê hương gốc rễ, cội nguồn.

Hiu hắt “xóm Việt kiều”

Những đứa trẻ ven hồ Dầu Tiếng

Đứng trước tình trạng này, UBND tỉnh Tây Ninh đã và đang tìm các biện pháp nhằm tháo gỡ từng bước. Trước mắt là vấn đề rà soát hướng dẫn cho bà con kê khai lại nhân thân để tiến hành cấp lại giấy chứng minh nhân dân. Tỉnh Tây Ninh cũng đã có những văn bản đề nghị Bộ Tư pháp có hướng dẫn cụ thể cho phép thực hiện một số chính sách nhập tịch, nhập khẩu cho bà con thuộc diện đặc biệt - những người không còn bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Tuy nhiên, để làm được như vậy không phải là vấn đề đơn giản. Cần có sự vào cuộc của các Bộ, ban ngành liên quan như công an, tư pháp, giáo dục…

Được biết, trước đây UBND huyện Tân Châu cũng đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu đối với đồng bào là Việt kiều từ Campuchia trở về Việt Nam hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện Tân Châu. Theo đó, việc giải quyết vấn đề quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu cho các đối tượng phải đảm bảo các điều kiện theo quy định bao gồm: Những trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà bố mẹ đều từ Campuchia trở về và không có các giấy tờ chứng minh quốc tịch; những người từ Campuchia trở về Việt Nam sinh sống dưới 20 năm nhưng có thể chứng minh được quốc tịch Việt Nam; những người về Việt Nam từ sau năm 1989 mà không có giấy tờ hộ tịch, quốc tịch; những người đã có các giấy tờ chứng minh hộ tịch, quốc tịch Campuchia do phía Campuchia cấp.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có gần 3.000 người là đối tượng di cư từ Biển Hồ - Campuchia trở về. Trong đó có hàng trăm trẻ đang trong độ tuổi đến trường. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều trẻ chưa được làm giấy khai sinh. Với thực tế này, ngay cả khi linh động, tạo ngoại lệ, ngành giáo dục tỉnh Tây Ninh vẫn gặp khó khi giải quyết quyền lợi đến trường cho con em Việt kiều. Trên thực tế, trong nhiều năm qua, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh luôn có chủ trương nhận các em vào học rồi từng bước giải quyết, gỡ khó sau, nhưng vẫn rất cần có một giải pháp toàn diện hơn để giúp các em có thể hòa nhập và học hành ổn định.

Rõ ràng, hành trình trở về của những Việt kiều này, bao gồm cả việc đảm bảo cuộc sống và sự công nhận về mặt pháp luật đang là một bài toán nan giải cho chính quyền các cấp. Những người lớn tuổi như ông Phùng, anh Thắng, cô Riêng, hành trình trở về của họ, có thể không tính đến việc sẽ sống như thế nào, bởi gần trọn kiếp người họ đã lang bạt mưu sinh, thì nay nếu có tiếp tục những năm tháng khó khăn cũng vẫn là may mắn khi còn được sinh sống an toàn nơi quê nhà. Nhưng, còn những đứa trẻ, cuộc đời các em, tương lai các em chỉ mới bắt đầu!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiu hắt “xóm Việt kiều”