Hình tượng con lợn trong văn hóa của người Việt

Ngô Chuyên| 05/02/2019 13:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ hàng ngàn năm trước, lợn đã được con người thuần hóa và trở thành vật nuôi gần gũi trong mỗi gia đình. Hình ảnh của nó đã đi vào thơ ca, hội họa dân gian và là một biểu tượng văn hóa, cầu nối giao tiếp giữa thần linh và con người.

Con vật linh thiêng để dâng lên thần linh

Theo TS Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng, trong các mâm cỗ cúng, nếu con gà biểu tượng cho sự trang trọng, thì con lợn thể hiện tính cộng đồng. Trong các lễ nghi như cúng Thành Hoàng làng, cúng các vị thần, thủ lợn là lễ vật quan trọng, được người dân ưu tiên dâng thần linh.

Khi con lợn được chọn làm đồ cúng, người dân phải nuôi riêng 5-7 ngày. Hằng ngày tắm rửa cho lợn, cho ăn chế độ riêng. Lúc này, lợn được người dân gọi là ông lợn, ông ỉn. Khi một vật nuôi được linh thiêng hóa như vậy, mâm cúng ấy là cách để con người giao tiếp với thần linh.

Hình tượng con lợn trong văn hóa của người Việt

TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng

Bên cạnh đó, trong các nghi lễ đầu năm, lễ ăn hỏi, lễ cưới, con lợn là một vật cúng không thể thiếu. Thủ lợn được chọn làm lễ đưa sang nhà cô gái. Nghi lễ dâng thủ lợn lúc này tượng trưng cho sự trao duyên, gắn kết lâu bền của các cặp vợ chồng. Cũng chính vì sự gần gũi đó, con lợn đã đi vào các giai thoại trong dân gian, như câu chuyện “Trạng Lợn” nổi tiếng. Hình tượng Trạng Lợn thông minh khiến cho con người luôn có cảm giác làm cái gì cũng thuận lợi. Khác với Trạng Quỳnh, sự thông minh của Trạng Quỳnh là phải mưu mẹo, còn Trạng Lợn biểu tượng cho sự phồn thực, may mắn, làm cái gì cũng thuận lợi, dễ dàng. Theo quan niệm phong thủy, tuổi lợn là tuổi “làm chơi ăn thật”.

TS Trần Hữu Sơn cho rằng, trong văn hóa dân gian con lợn được xem là vật tổ, có những truyền thuyết nói về con lợn cứu người, lợn giúp tìm ra nguồn nước để uống, trồng trọt chăn nuôi thoát khỏi cảnh đói khát và tuyệt chủng. Không chỉ vậy, hình tượng con lợn được thể hiện trong tranh Đông Hồ vô cùng sống động. Chúng ta bao giờ cũng thấy một con lợn đủng đỉnh hoặc một đàn lợn đông đúc biểu tượng cho sự no ấm, được mùa, sự sum vầy.

Theo quan niệm phương Đông nói chung và người Việt nói riêng, người sinh vào tuổi lợn ai cũng nghĩ là tuổi tốt. Nên người ta có câu: “Anh tuổi Hợi, tuổi Mùi, tôi ngậm ngùi tuổi Thân”. Ngụ ý những người sinh con giáp là lợn, dê sẽ rất thuận lợi, người sinh tuổi con khỉ là số phải tự bươn chải, vất vả.

Sự tích “ông Ỉn” trong văn hóa người Dao

Lợn không chỉ được chọn là một trong 12 con giáp, mà đối với nhiều dân tộc thiểu số, lợn được ví như một vị thần, là cầu nối giữa con người với các vị thần khác. Đặc biệt đối với người Dao, lợn được xem là “ông Ỉn”.

“Sự tích ông Ỉn của người Dao bắt nguồn từ một chàng trai nhà nghèo trong một lần đi rừng trông thấy một con lợn nái đau đẻ mà không đẻ được nên đã đưa con lợn đó về nuôi. Khi  đưa về nuôi thì con lợn đã đẻ được cả đàn lợn khỏe mạnh. Để trả ơn, con lợn nái đã bày cho chàng tìm cuốn sách thiêng để đọc. Sau khi đọc cuốn sách, chàng trai trở thành người rất giỏi nhờ có tinh khí của con lợn. Để nhớ ơn đến con lợn, hàng năm anh luôn dâng lễ để cúng” - ông Sơn kể.

Nghi lễ cúng lợn của người Dao rất đặc biệt, những con lợn được dâng lên cúng phải là lợn đực. Người ta quan niệm ông tổ sinh ra người Dao là Bàn Vương  - Bàn Vương là con Long Khuyển (con chó hóa rồng có nhiều màu sắc), khi người Dao gặp khó khăn thì Bàn Vương luôn xuất hiện cứu.

Hình tượng con lợn trong văn hóa của người Việt

Lễ rước lợn Ông Bồ ở Kiến Thụy, Hải Phòng

“Trong một đợt di cư, người Dao đi qua đường biển gặp sóng to gió lớn. Thuyền bè sắp đắm, các dòng họ người Dao chắp tay cúng lạy Bàn Vương, mong Bàn Vương giúp cho thoát qua khỏi hoạn nạn và đoàn người thoát chết. Từ đó, khi người Dao nuôi lợn nái mà chỉ đẻ được hai con lợn đực, người ta coi là điềm báo Bàn Vương đến đòi lễ.

Để thể hiện lòng thành của mình, họ sẽ nuôi hai con lợn đực đó trong chế độ đặc biệt. Khi mà lợn xấp xỉ 1 tạ phải đưa đi nuôi riêng, cho ăn những món ăn riêng, trong đó có những vị rau làm cho ruột lợn sạch. Ví dụ như ăn thân cây chuối, thậm chí có những nơi là cho ăn các loại cây có vị thuốc.

Người Dao thường cúng lợn vào cuối tháng 10 Âm lịch. Nghi thức bắt lợn cũng rất đặc biệt, họ thả 2 con lợn vào khu vườn của mình, sau đó các chàng trai giả người đi săn. Có nơi săn bằng cách thả lưới, có nơi thả rọ sẵn rồi lợn bị dồn chạy vào đó và bắt. Khi mổ lợn dâng lên Bàn Vương thì phải hát ca ngợi Bàn Vương và vai trò của con lợn. Đặc biệt, những người trưởng thành không được hát mà phải là các chàng trai chưa lấy vợ, cô gái chưa lấy chồng. Hát nhằm diễn tả lại cuộc sống của người Dao và trong không khí linh thiêng ấy, người Dao quan niệm rằng con lợn đã hoàn thành sứ mệnh dâng lên với Bàn Vương” - ông Sơn cho biết thêm.

Theo ông Sơn, bài hát mà người Dao thể hiện khi dâng lợn lên Bàn Vương là Tam thập lục đoạn (36 đoạn trường ca), thực ra là sử thi nổi tiếng của người Dao. Nó kể về sự tích của con lợn, cuộc sống, cội nguồn và những chuyến vượt biển của người Dao…

Phong tục ăn đụng lợn

Mỗi dịp Tết đến xuân về, ở các vùng quê thường có phong tục đụng lợn. Lý giải về nguồn gốc của nét văn hóa này, ông Sơn cho biết: “Trước đây, nuôi được một con lợn rất quý, bởi mọi mặt hàng muốn mua đều phải có tem phiếu. Ngày Tết thì chỉ một số hộ gia đình mới được mổ lợn và mỗi nhà chỉ dùng 5-7kg nấu cỗ, gói bánh chưng, làm giò, chả… Để thể hiện sự đoàn kết, người dân thường rủ nhau từ 3-4 nhà để cùng đụng lợn. Có câu “tướng chuộng nhiều quân, dân chuộng nhiều người” là vì thế. Theo quan niệm của người xưa, tục đụng lợn không đơn thuần là để chia nhau thức ăn mà nó còn thể hiện sự đoàn kết, gắn bó. Khi đụng lợn, mỗi nhà phải cử một người tham gia làm, vì thế nó thể hiện tính cộng đồng”.                                                                                                                                                                      

Ông Sơn cho rằng, đụng lợn cũng dạy cho người trẻ biết cách chế biến các món ăn từ con lợn. Chức năng của “ăn đụng” là gắn kết cộng đồng, đó là nơi thế hệ già dạy cho thế hệ trẻ. Không chỉ vậy, các thế hệ đi trước sẽ truyền cho thế hệ trẻ biết được những phong tục thú vị trong năm con lợn.

Có lẽ, cũng vì đã thành một phần của tính cách con người Việt nên ngày nay, dù đời sống người dân đã được nâng lên rất nhiều nhưng Tết đến, ở các vùng làng quê Việt, người dân vẫn rôm rả cùng đụng lợn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hình tượng con lợn trong văn hóa của người Việt