Hiệu ứng Domino sau Brexit

Hà Kim| 25/06/2016 12:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tương lai của EU đang bị đe dọa sau Brexit. Người ta đang lo ngại rằng, sau Brexit, rất có thể sẽ là “Frexit”, “Nexit”, “Swexit!”.

Domino sẽ xảy ra ở Châu Âu!?

Sau 43 năm là thành viên của khối Liên minh Châu Âu (EU), 52% cử tri Anh chọn “chia tay” và chỉ 48% chọn ở lại. Việc lựa chọn ra đi khiến các nhà cầm quyền các đảng cánh hữu trong khu vực “lăn tăn” về việc có nên hay không tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tương tự cho mỗi nước.

Giới phân tích chính trị Châu Âu đang rất lo ngại hiệu ứng domino sẽ xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ tới toàn bộ khối EU. Vào thứ 3 tuần tới , một phiên họp đặc biệt của Nghị viện Châu Âu sẽ được tổ chức để bàn về sự ra đi của Anh.

Hiệu ứng Domino sau Brexit

Liệu rằng hiện tượng Domino có xảy ra với EU sau Brexit?

Thủ lĩnh Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp (FN), bà Marine Le Pen bày tỏ, ngay lúc này, người Pháp cũng nên có quyền được lựa chọn giống người Anh. Và liệu rằng, có nên có một “Frexit” (từ ghép giữa France – nước Pháp và Exit – ra đi) tương tự như Brexit? Bà ca ngợi cuộc trưng cầu dân ý của Anh và cho rằng, đây là một “chiến thắng cho tự do”.

Bên cạnh đó, bà Le Pen còn nói, Pháp có hàng ngàn lý do để rời Châu Âu so với Anh. “EU phải chịu trách nhiệm cho tình trạng thất nghiệp cao và không thể ngăn chặn những kẻ buôn lậu, khủng bố và nhập cư vì lý do kinh tế”, bà Le Pen nhấn mạnh.

Cũng giống như Pháp, Chính trị gia chống người nhập cư Geert  Wilders, thủ lĩnh Đảng Tự do của Hà Lan cũng nói rằng, Hà Lan cũng nên có một cuộc bỏ phiếu “Nexit” (từ ghép giữa Netherlands - Hà Lan và exit - ra đi). “Chúng tôi muốn tự chịu trách nhiệm về đất nước của mình, tiền của mình, biên giới của mình, và chính sách nhập cư của riêng mình”, ông nói. Cũng theo ông Wilders, người Hà Lan cũng nên có cơ hội để nêu rõ quan điểm của mình về việc xác định vị trí của mình tại EU.

Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy 54% người Hà Lan muốn được trưng cầu dân ý.

Đảng cánh hữu Liên đoàn phương Bắc của Italy cũng tuyên bố: “Giờ đến lượt chúng tôi”.

Trong khi đó, trên trang mạng xã hội Twitter, ông Mateo Salvini, thủ lĩnh đảng Liên đoàn phương Bắc ghi rõ, “Chúc mừng sự dũng cảm của những công dân tự do!”. Ông cũng không quên nói lời cảm ơn nước Anh và tuyên bố, “đã đến lượt chúng tôi”.

Cũng trên mạng mạng xã hội Twitter, Đảng Dân chủ Thuỵ Điển - Đảng Dân chủ Thuỵ Điển tuyên bố, “Chúng tôi đang chờ Swexit!” (từ ghép giữa Sweden - Thuỵ Điển và exit).

Còn ông Kristian Thulesen Dahl, thủ lĩnh Đảng Nhân dân của Đan Mạch bày tỏ quan điểm rằng, một cuộc trưng cầu dân ý sẽ là “một biện pháp dân chủ tốt”.

EU đang chết!?

Đứng trước quyết định ra đi của Anh, bà Angela Merkel Thủ tướng Đức nói rằng, “Đây là một đòn đối với châu Âu và quá trình nhất thể hoá của châu Âu”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng bà “rất tiếc” về quyết định của người Anh. “Đây là một đòn đối với châu Âu và quá trình nhất thể hoá của châu Âu”, bà Merkel phát biểu.

Còn bà Beatrix von Storch, một chính trị gia thuộc đảng AfD, Đức lại ca ngợi, Brexit là ngày độc lập cho nước Anh. “EU đã thất bại với tư cách một liên minh chính trị”, bà von Storch nói.

Trong khi đó, phản ứng sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, thủ lĩnh Đảng Độc lập Anh, Nigel Farage nói: “EU đang chết”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu ứng Domino sau Brexit