Hiểu thế nào cho đúng về cấm quay phim chụp ảnh?

Như Quỳnh| 21/04/2019 10:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian vừa qua, một số cơ quan nhà nước có đưa nội dung, biển báo cấm công dân quay phim chụp ảnh, đã gây ra tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Liên quan đến vấn đề này, PV đã có buổi trao đổi với luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Lawfirm,  Đoàn luật sư TP Hà Nội để hiểu rõ hơn về những quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với việc cấm quay phim chụp ảnh.

PV: Những khu vực nào bị cấm quay phim chụp ảnh theo quy định của nhà nước thưa luật sư?

Luật sư Trương Anh Tú: Quy định về cấm quay phim chụp ảnh (QPCA) liên quan đến 2 mảng gồm Bí mật nhà nước và bí mật đời tư. Liên quan đến bí mật nhà nước có các quy định về an ninh quốc phòng, doanh trại quân đội, phòng thủ biên giới và một số trường hợp khẩn cấp khác thì một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể đưa ra các quy định cấm QPCA để đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia. Liên quan đến bí mật đời tư đặc biệt là quyền về hình ảnh là những quyền về nhân thân quan trọng được pháp luật bảo vệ.

Hiểu thế nào cho đúng về cấm quay phim chụp ảnh?

Khu vực có biển cấm quay phim chụp ảnh 

Hiện nay, để bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh quốc gia trước đây chúng ta có quy định về đối các khu vực được xác định là vùng cấm, địa điểm cấm đối với các tổ chức cá nhân như: Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước 2000 (sắp được thay thế bởi Luật Bảo vệ bí mật nhà nước), Nghị định số 33/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh, Quyết định số 160/2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục các địa điểm cấm, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xử phạt hành vi vi phạm ở khu vực cấm. Điều cần lưu ý là những địa điểm, khu vực cấm đó phải được chính quyền, cơ quan, đơn vị cắm biển “khu vực cấm”, “địa điểm cấm”. Mẫu biển “khu vực cấm”, “địa điểm cấm” theo qui định thống nhất do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

PV: Vậy cụ thể trường hợp như thế nào bị cấm quay phim chụp ảnh, cơ quan nào có thẩm quyền xác định khu vực cấm quay phim chụp ảnh?

Luật sư Trương Anh Tú: Theo quy định tại Điều 2, Quyết định 160/2004/QĐ-TTg ngày 6-9-2004 của Thủ tướng quy định về khu vực, địa điểm cấm gồm: “Các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển; Các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân; Các kho dự trữ chiến lược quốc gia; Các công trình, mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội; Khu vực biên giới (trừ các thị xã, thị trấn và các điểm du lịch đã được Chính phủ cho phép; các trường hợp có giấy tờ hợp lệ xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt, các trường hợp công dân nước thứ ba được qua lại theo Hiệp định về Quy chế biên giới mà Việt Nam đã tham gia ký kết).

Tôi đặt giả thiết trong lĩnh vực đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia thì khi nhà báo tác nghiệp hoặc công dân mà hiện nay thích “check in” thì phải tránh những nơi mà doanh trại quân đội, những khu vực sản xuất vũ khí của quân đội hay là những cơ sở khác của an ninh quốc phòng. Hay khi chúng ta đến những khu vực biên giới muốn chụp hình lưu lại nhưng cũng phải hết sức lưu ý hầu hết các khu vực biên giới hiện nay đều hạn chế việc “QPCA”. Tuy nhiên một số các đô thị ở vùng biên thì lại nằm ngoại lệ chúng ta có thể QPCA thoải mái.

Theo Quyết định 160/2004/QĐ-TTg ngày 6/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ có quy định Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ quốc phòng đưa ra các quy định về khu vực cấm trong lĩnh vực quản lý ngành của mình còn đối với UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương thì sẽ ban hành các văn bản lập ra Danh sách đảm bảo an ninh, an toàn, bí mật quốc gia trong địa phương mình quản lý theo đề xuất của Giám đốc Công an các tỉnh. Lúc đó sẽ liệt kê 1 số danh sách các cơ quan, các đơn vị, khu vực cấm QPCA.

PV: Vậy những nơi không có biển cấm quay phim chụp ảnh thì người dân có hoàn toàn được tự do quay phim chụp ảnh?

Luật sư Trương Anh Tú: Đối với các chỉ dẫn liên quan đến QPCA nhà nước sẽ đặt các biển báo cấm bằng hình, bằng chữ ở các khu vực cấm QPCA thì chúng ta dễ nhận biết để thực hiện cho đúng. Nếu công dân vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cũng khá nặng có thể lên tới 10 triệu đồng.

Tuy nhiên một số nơi cũng có thể cấm QPCA nhưng trong 1 chừng mực nào đó chưa đặt biển cấm. Như vậy, chúng ta phải nhạy cảm với các vị trí đó, đành rằng ở chỗ nào không cấm, không đặt biến cấm thì không bị xử phạt nhưng ngoài ra chúng ta phải lưu ý về ý thức công dân đặc biệt liên quan đến bí mật an ninh quốc gia.

PV: Thời gian gần đây một số cơ quan nhà nước đã đưa ra nội dung và biển báo liên quan đến việc cấm quay phim chụp ảnh cán bộ đang làm việc như đang tiếp dân hay không quay phim chụp ảnh  tại trụ sở làm việc. Quan điểm của luật sư như thế nào?

Hiểu thế nào cho đúng về cấm quay phim chụp ảnh?

 Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Lawfirm,  Đoàn luật sư TP Hà Nội

Luật sư Trương Anh Tú: Tôi không có quan điểm riêng mà tất cả là quy định của pháp luật. Như tôi đã nói thì chỉ những nơi như doanh trại quân đội, phòng thủ biên giới hay những nơi đặc biệt về an ninh quốc phòng thì theo dõi về danh sách này không có cấp Ủy ban nhân dân, không có Tòa án, không có đơn vị Công an cấp cơ sở. Như vậy, rõ ràng luật không cấm thì công dân được làm. Điều này tôi cũng thấy khó cho cơ quan nhà nước vì hiện nay chúng ta không có luật hoàn chỉnh về cấm QPCA mà các quy định về việc này còn nằm tản mạn ở nhiều đạo luật khác nhau nên bản thân những người có nhiệm vụ cũng không thể nào liệt kê ra hết được và không có tính hệ thống hóa nên người ta rất khó để nhận biết và với cơ quan nhà nước khi đưa ra các quyết định cũng hết sức khó khăn.

PV: Được biết nội dung cấm quay phim chụp ảnh nhằm bảo vệ nguồn thông tin tránh dẫn đến ý kiến trái chiều hoặc thông tin sai lệch. Vậy cấm quay phim chụp ảnh khi phóng viên đang tác nghiệp thì những người có hành vi bất hợp tác thậm chí phản đối ở những khu vực không cấm quay phim chụp ảnh có vi phạm pháp luật không?

Luật sư Trương Anh Tú: Bàn về vấn đề này có 2 góc độ: Thứ 1 là những khu vực cấm QPCA thì phải được liệt kê Danh sách của các địa phương, bộ ban ngành. Nếu không có trong Danh sách đó thì không được cấm. Thứ 2 là trường hợp này dẫn chiếu ngược đối với Luật báo chí và các văn bản hướng dẫn có quy định rõ ràng nếu những người nào có hành vi cản trở bằng lời nói hành động cản trở việc tác nghiệp báo chí của các phóng viên thì có thể bị xử lý hành chính cho đến hình sự. Một góc độ khác chúng ta cũng hết sức lưu tâm về quyền bí mật đời tư, quyền về hình ảnh được Bộ luật dân sự bảo hộ, Hiến pháp bảo hộ. Thế nhưng thế nào là bí mật đời tư về hình ảnh. Ví dụ đối với trường hợp người dân quay các hình ảnh trên đường phố như hình ảnh Cảnh sát giao thông thì vị trí làm việc là đang ở nơi công cộng, ngoài quốc lộ, sân bay, bến cảng và đang thực thi công quyền thì lúc đó không còn là bí mật đời tư nhưng cũng là người cảnh sát giao thông đó nếu đưa con đến trường học thì đó là quyền bí mật về hình ảnh. Như vậy, ranh giới giữa đúng hay sai ở việc cấm QPCA khá mong manh ở những nơi không có biển cấm nên vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề này.

Hiện nay, quy định của pháp luật về nơi cấm QPCA hết sức tản mạn nên bản thân các nhà báo, mỗi công dân hay là những người làm công tác pháp luật hay quản lý nhà nước cũng cần phải tự mình trau dồi hệ thống hóa quy định, tiếp thu những ý kiến của các chuyên gia để mình hành xử sao cho đúng. Nhà báo tác nghiệp làm sao không xâm phạm đến bí mật đời tư của công dân, không xâm phạm đến an ninh quốc gia. Cơ quan nhà nước ý thức rõ để tạo điều kiện tối đa cho báo chí nhưng cũng đồng thời bảo vệ tốt bí mật quốc gia. Với công dân cũng có ứng xử phù hợp với các quy định của pháp luật.

Xin cám ơn luật sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểu thế nào cho đúng về cấm quay phim chụp ảnh?