Nghiệp vụ

Hiệu quả từ những phiên tòa giả định

Gia Ân-Hải Yến 13/09/2024 - 19:02

Xây dựng từ tình tiết của các vụ án có thật gắn với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp người dân, đặc biệt là học sinh, đoàn viên thanh niên nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.

Tích cực giáo dục pháp luật cho học sinh

Thời gian qua, những phiên tòa giả định tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên đã được Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với TAND, Viện kiểm sát nhân dân các cấp và các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An tổ chức rộng rãi.

Nội dung các phiên tòa giả định được xây dựng từ các tình tiết của những vụ án có thật, gắn với đặc điểm tâm lý lứa tuổi. Phiên tòa giả định mang tính trực quan, phản ánh đầy đủ hành vi phạm tội của bị cáo, các quy định pháp luật và mức án được áp dụng, giúp học sinh hiểu rõ hơn hoạt động của hội đồng xét xử, biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.

anh-1.jpg
Các đoàn viên Chi đoàn TAND tỉnh Nghệ An đảm nhận các “vai diễn” tại phiên tòa giả định.

Thông qua phiên tòa giả định đã “mềm hóa” những quy định của pháp luật, thay vì phải nhớ những điều khoản, quy định một cách máy móc, khô khan thì mọi người sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của các bị cáo trong buổi xét xử, dễ tiếp thu các nội dung kiến thức pháp luật, để từ đó tránh những vi phạm tương tự.

Đặc biệt, mô hình phiên tòa giả định đã đưa người dân đến gần với cơ quan chức năng, tìm hiểu pháp luật bằng sự đối thoại, cởi mở. Với những hiệu quả rất thiết thực mà các phiên tòa giả định mang lại nên trong năm 2024, các đơn vị TAND ở tỉnh Nghệ An đã rất chú trọng và tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các phiên tòa giả định với nhiều chủ đề khác nhau, nhằm tuyên truyền pháp luật đến cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn đặc biệt là thế hệ học sinh.

Điển hình như tại TAND huyện Yên Thành (Nghệ An), từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã phối hợp với Công an huyện Yên Thành, Viện kiểm sát huyện Yên Thành và Học viện Toà án tổ chức 3 phiên toà giả định với 3 chủ đề khác nhau tại các trường THPT trên địa bàn.

Cụ thể, phiên toà giả định thứ nhất diễn ra vào ngày 18/1/2024, tại Trường THPT Yên Thành 3 nhằm tuyên truyền về phòng, chống pháo nổ. Phiên toà giả định thứ 2 diễn ra vào ngày 6/3/2024, tại Trường THPT Bắc Yên Thành tuyên truyền về phòng, chống ma túy. Phiên toà giả định thứ 3 diễn ra vào ngày 25/5/2024, tại Trường THPT Nam Yên Thành, do TAND Yên Thành phối hợp với Học viện Toà án tổ chức nhằm tuyên truyền về phòng, chống mua bán người.

Tiếp đó, sáng ngày 6/6/2024, tại trường THPT Đô Lương 2, TAND huyện Đô Lương (Nghệ An) cũng đã phối hợp với Công an huyện, Viện kiểm sát, Trường THPT Đô Lương 2 tổ chức phiên toà giả định, xét xử về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Bên cạnh đó, TAND huyện miền núi vùng cao Tương Dương (Nghệ An) cũng đã phối hợp với Viện Kiểm sát, Công an huyện Tương Dương tổ chức 02 phiên tòa giả định dành cho đối tượng tuyên truyền là học sinh THPT.

Phiên tòa thứ nhất được tổ chức vào ngày 17/01/2024 tại Trường THPT Tương Dương 1, xét xử về tội Sản xuất hàng cấm.

Phiên tòa thứ 2 được tổ chức vào ngày 07/5/2024 tại Trường THPT Tương Dương 1, xét xử về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy…

Từ ngày 01/01/2024 đến nay, TAND thị xã Thái Hòa (Nghệ An) cũng đã phối hợp với Công an, Viện kiểm sát, Trường THPT Thái Hòa, Tây Hiếu và Trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức 03 phiên tòa giả định. Trong đó, ngày 25/01/2024, tại Trường THPT Thái Hòa và Trung tâm giáo dục thường xuyên thị xã Thái Hòa đã diễn ra 2 Phiên tòa giả định với cùng nội dung tuyên truyền về “tàng trữ hàng cấm, gây rối trật tự công cộng”. Đối tượng tuyên truyền dành cho các em học sinh và học viên.

Phiên tòa giả định thứ 3 được tổ chức vào ngày 06/5/2024, tại Trường THPT Tây Hiếu, nội dung tuyên truyền về “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy”. Đối tượng tuyên truyền là học sinh…

Mô hình giáo dục pháp luật trực quan, hiệu quả

Trong những năm qua, công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân được Báo Công lý và TAND các cấp quan tâm, chú trọng với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. “Phiên tòa giả định” là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả, tạo ấn tượng mạnh mẽ cho cán bộ và nhân dân tham dự chương trình bởi tình huống hấp dẫn, lý thú và có tính thực tiễn cao.

Tại Nghệ An và Hà Tĩnh, vừa qua, Báo Công lý đã phối hợp với Ban Thanh niên Quân đội, Ban Phụ nữ Quân đội, Cục Chính trị Quân khu 4, Lữ đoàn Pháo binh 16, Tỉnh đoàn Nghệ An, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh, Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh, Huyện Hương Sơn và các đơn vị liên quan tổ chức các phiên tòa giả định về nội dung “Thanh niên với văn hóa giao thông” và “Tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên Phụ nữ và vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở năm 2024”.

Điểm nhấn qua các chương trình vừa tổ chức là đã thu hút được rất đông người dân tham gia với tâm thế cởi mở, nghiêm túc, lan tỏa hiệu ứng tích cực đến cộng đồng, xã hội.

Chương trình “Thanh niên với văn hóa giao thông” được tổ chức tại Nghệ An nhằm tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên đơn vị và nhân dân trên địa bàn đóng quân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy vai trò của cán bộ, đoàn viên, thanh niên LLVT Quân khu tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.

Chương trình “Mô hình phiên tòa giả định” đã được Báo Công lý và các cơ quan chức năng cụ thể hóa qua video mô phỏng tình huống đối tượng thanh niên sử dụng rượu bia, điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn và “phiên tòa giả định” xét xử hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng. Qua phiên tòa giả định, kiến thức pháp luật được truyền tải hiệu quả cho mọi độ tuổi.

Tương tự, tại Hà Tĩnh, chương trình phiên tòa giả định gắn với vụ án về bạo lực gia đình. Chương trình nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên Phụ nữ và vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.

Mô hình phiên tòa giả định đã phát huy được tính hiệu quả của mình khi người dân tích cực, hồ hởi tham gia, tương tác. Các nhận định của cá nhân được chuyên gia phân tích, đánh giá, bổ sung đầy đủ tính pháp lý. Những người chơi - cũng là những hội viên Hội phụ nữ trên địa bàn huyện Hương Sơn, không chỉ được trang bị thêm kiến thức cho mình, mà còn bổ sung thêm kiến thức pháp luật phong phú để tuyên truyền sâu rộng xuống từng địa bàn phụ trách.

Từ hiệu ứng tích cực tại các chương trình, mô hình phiên tòa giả định được đánh giá là cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát với thực tế tại cơ sở, tạo được chuyển biến trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhiều tầng lớp nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

Phiên tòa giả định là hình thức tuyên truyền mới nhưng mang lại hiệu quả rất cao khi triển khai ra thực tế, đặc biệt là ở địa bàn cơ sở. Mô hình phiên tòa giả định tái hiện đầy đủ quá trình phạm tội, nguyên nhân, hậu quả, sự trả giá trước pháp luật, tác động trực tiếp đến nhận thức người dân. Điều này sẽ răn đe, cảnh tỉnh rất lớn đến các tầng lớp nhân dân, từ đó hạn chế sự gia tăng của tội phạm, góp phần trang bị hành lang pháp lý cho người dân để tránh rơi vào lao lý”, ông Hồ Thái Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ những phiên tòa giả định